Thứ Tư, 27/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 3/4/2019 15:38'(GMT+7)

Cuộc chiến Đông-Tây

Tổng thống Poroshenko hiện đang đứng thứ hai sau ứng cử viên Vladimir Zelensky.

Tổng thống Poroshenko hiện đang đứng thứ hai sau ứng cử viên Vladimir Zelensky.

Đúng như dự đoán, sau kết quả kiểm phiếu sơ bộ, công bố hôm 1/4 vừa qua, cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sẽ phải bước vào vòng 2 khi không có ứng cử viên nào hội tụ đủ 50% số phiếu ủng hộ cần thiết để giành chiến thắng.

Với hơn 50% số phiếu được kiểm, theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Ukraine, có thể xác định được cặp người hùng bước lên “sàn đấu” ngày 21/4 tới là ứng cử viên Vladimir Zelensky, một danh hài, và tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko.

Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine lần này có số lượng ứng cử viên tham gia cao kỷ lục, lên tới 39 người với nhiều cương lĩnh tranh cử khác nhau. Một đặc điểm của kỳ bầu cử này là các ứng cử viên không phân biệt bằng hệ tư tưởng, mà bằng quan điểm về lựa chọn địa chính trị tương lai giữa Đông-Tây cho đất nước, cụ thể là hội nhập theo châu Âu hay cải thiện quan hệ với Nga. Theo tiêu chí trên, các ứng cử viên có thể thuộc về 3 nhóm: Nhóm dân tộc-yêu nước hướng tới ngả hẳn sang phương Tây; nhóm thỏa hiệp mong muốn lập lại hòa bình một cách nhanh nhất và nhóm “chống lại tất cả”, tập hợp những gương mặt mới không được coi là các chính trị gia.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Ukraine công bố hôm 1/4 vừa qua cho thấy, Tổng thống Petro Poroshenko, đại diện cho nhóm 1, tạm giành được 16,7% số phiếu, trong khi đó ứng cử viên Vladimir Zelensky, đại diện cho nhóm 3, nhận được 30,2% số phiếu ủng hộ. Thủ lĩnh đảng “Batkivshchyna”, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, cũng trong nhóm 1, có tỷ lệ phiếu ủng hộ là 13,08%, đứng ở vị trí thứ ba.

Theo quy định, nếu không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu trong ngày 31/3, hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ cạnh tranh trong vòng 2 bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới. 

Bước vào vòng đấu loại trực tiếp này, hai đối thủ Vladimir Zelensky và Petro Poroshenko sẽ phải vận hết công lực để có thể giành chiến thắng cuối cùng. Hiện ứng cử viên Vladimir Zelensky đang có lợi thế hơn tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko khi có số phiếu ủng hộ cao gần gấp đôi ở vòng 1 cuộc bầu cử. Tuy nhiên, điều đó chưa thể khẳng định ông Vladimir Zelensky sẽ là người giành chiến thắng chung cuộc.

Sinh năm 1978, ông Vladimir Zelensky không có kinh nghiệm chính trị, nhưng đã tạo nên “hiện tượng” khi từ một diễn viên trào phúng nổi tiếng trở thành nhân vật dẫn đầu cuộc đua giành chức tổng thống trong một thời gian rất ngắn. Ông Vladimir Zelensky tranh cử bằng cách rất đơn giản là đi ngược lại tất cả đối thủ khác. Cho đến nay, ông Zelensky tỏ ra là người đoạn tuyệt với phong cách làm chính trị truyền thống qua nhiều đời chính quyền, kể từ khi độc lập với Nga năm 1991.

Hoạt động tranh cử của ông Zelensky được tiến hành chủ yếu trên các mạng xã hội. Đối với một bộ phận đông đảo giới trẻ, đặc biệt là ở miền Đông và miền Nam nói tiếng Nga, diễn viên hài Zelensky là hiện thân cho một “làn gió mới” thổi vào chính trường Ukraine.

Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko có chủ trương xa rời Nga. Cùng với 3 phương châm: Quân đội (tăng cường), ngôn ngữ (củng cố tiếng Ukraine, xóa bỏ tiếng Nga) và niềm tin (tách rời khỏi nhà thờ chính thống Moscow), chiến dịch tranh cử của Tổng thống Poroshenko còn nêu cao khẩu hiệu: “Rời khỏi Moscow!”.

Dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua ngày 21/4 tới, thì việc đầu tiên họ phải làm là vực dậy nền kinh tế đất nước cũng như tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng triệt để.

Kể từ sau sự kiện “Cách mạng Maidan” năm 2014 lật đổ chính quyền hợp tác với Nga để chuyển hẳn sang định hướng thân phương Tây, đến nay Ukraine vẫn đối mặt với xung đột vũ trang, tham nhũng tràn lan, đời sống của người dân ngày càng sa sút…

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Ukraine năm 2018 vào khoảng 2.820USD, thấp hơn nhiều so với con số trung bình trên thế giới là 11.730USD và tại các nước phát triển là 48.970USD.

Nền kinh tế èo uột, tham nhũng, tình trạng xung đột bất ổn ở miền Đông, các cải cách cam kết với EU không thể thực hiện… tất cả đã tạo thêm “chướng ngại vật” trên con đường “hướng Tây” nhiều trắc trở mà trước đó chính quyền Ukraine tưởng rằng sắp chạm vạch đích. 5 năm sau sự kiện Maidan, giấc mơ “Tây tiến” của Ukraine, xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) và NATO vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển nào, cho dù Kiev đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy và sửa đổi Hiến pháp.

Với bối cảnh như vậy, dù ai về đích đầu tiên trong cuộc đua song mã ngày 21/4 tới cũng sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui chiến thắng.

Và một điều dễ nhận thấy là, sau ngày 21/4, thế giới sẽ biết được Ukraine lựa chọn đi theo con đường nào: Ngả Đông hay rẽ Tây./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất