Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 8/11/2018 8:46'(GMT+7)

Cuộc chiến truyền thông trong khủng hoảng chính trị ở Ni-ca-ra-gua

Đoàn nhà báo Tạp chí Cộng sản trao đổi thông tin về khủng hoảng chính trị vừa qua ở Ni-ca-ra-gua với Ủy ban Sự thật thuộc Quốc hội Ni-ca-ra-gua.

Đoàn nhà báo Tạp chí Cộng sản trao đổi thông tin về khủng hoảng chính trị vừa qua ở Ni-ca-ra-gua với Ủy ban Sự thật thuộc Quốc hội Ni-ca-ra-gua.

Nguyên nhân khủng hoảng

 
 Tổng thống Ni-ca-ra-gua Daniel Ortega tiếp thân mật
các nhà báo Tạp chí Cộng sản, ngày 07-10-2018.


Thực ra, trong một đất nước dân chủ, một chủ trương, một dự luật của nhà cầm quyền có thể nhận được hay không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của một bộ phận dân chúng. Đây là những chuyện hoàn toàn bình thường. Tại sao một bộ phận giới chủ và dân chúng Ni-ca-ra-gua không ủng hộ dự án luật nâng mức đóng góp bảo hiểm xã hội của cả chủ doanh nghiệp và người lao động lại có thể biến thành một làn sóng biểu tình, bạo lực nghiêm trọng, làm tê liệt đất nước Ni-ca-ra-gua trong nhiều tháng trời, làm nhiều người chết, bị thương?

 

 Năm 1962, Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Ni-ca-ra-gua lật đổ chế độ độc tài Sô-mô-xa và nắm quyền quản lý đất nước từ năm 1979. 
Từ năm 1981, Mỹ cắt viện trợ kinh tế cho Ni-ca-ra-gua và bắt đầu tài trợ cho các lực lượng đối lập “Contras” chống lại chính quyền của FSLN. Nội chiến và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đời sống nhân dân khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến việc FSLN thất bại trong cuộc bầu cử năm 1990.
16 năm sau, trong cuộc bầu cử ngày 05-11-2006, lãnh tụ FSLN Daniel Ortega Saavedra giành thắng lợi với 38% tổng phiếu bầu và FSLN trở lại nắm quyền.


Rõ ràng, việc không ủng hộ dự luật chỉ là cái cớ. Nguyên nhân sâu xa nằm ở mâu thuẫn chính trị trong xã hội Ni-ca-ra-gua. Từ khi lên nắm quyền trong một cuộc bầu cử dân chủ, hợp pháp, được cộng đồng quốc tế xác nhận, Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino - một đảng chính trị theo đường lối cánh tả, đã có nhiều cải cách kinh tế - xã hội hướng đến người lao động, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Cương lĩnh của đảng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Minh chứng là từ khi chiến thắng và trở lại cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2006, trong các cuộc bầu cử tiếp theo, năm 2012 và 2016, Tổng thống Daniel Ortega - lãnh tụ của FSLN, tái đắc cử tổng thống Ni-ca-ra-gua với số phiếu bầu ngày càng cao hơn, lần lượt là 62,66 và 72,5%. Ở cấp độ địa phương, FSLN cũng giành thắng lợi áp đảo với tỷ lệ phiếu bầu hơn 67%, nắm quyền tại 134/153 quận, huyện cả nước trong cuộc bầu cử năm 2012.

 

Trong khi đó, cánh hữu đối lập do không có chủ trương, lập trường, cương lĩnh và hành động phù hợp, cuốn hút được nhân dân nên luôn luôn tìm cơ hội lật đổ chính quyền do nhân dân bầu ra một cách hợp pháp để có quyền lực. Và sự không hài lòng của người dân với dự luật cải cách bảo hiểm xã hội của chính phủ là một cơ hội như thế. 

Sự không hài lòng của người dân biến thành khủng hoảng chính trị nghiêm trọng: Vai trò của truyền thông

Sự không hài lòng của một bộ phận giới chủ và người lao động được cánh hữu đối lập sử dụng như một cái cớ và bằng các phương tiện thông tin, truyền thông kêu gọi, kích động dân chúng xuống đường, biểu tình. Các phương tiện thông tin, truyền thông sản xuất hàng nghìn tin, bài tạo hình ảnh xấu về chính quyền, về FSLN, về cảnh sát; tung tin, tạo bầu không khí sợ hãi trong xã hội; bịa đặt, kích động tâm lý chống đối chính quyền; tạo lập các báo cáo giả mạo, xuyên tạc về thực tiễn tình hình ở Ni-ca-ra-gua. 

 

 Báo chí Ni-ca-ra-gua:
Báo chí Ni-ca-ra-gua hoạt động theo Luật báo chí. Ở Ni-ca-ra-gua có trên 300 kênh phát thanh, truyền hình và hàng trăm báo, tạp chí; đa số là của tư nhân, doanh nghiệp hay công ty; chỉ có một số ít trực thuộc nhà nước. Tất cả các kênh phát thanh, truyền hình và báo, tạp chí đều tự hạch toán, lấy thu bù chi và nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo. Các kênh phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí cạnh tranh với nhau về bạn đọc, về phát hành, vận động tài trợ, quảng cáo,…
Nhiều kênh phát thanh, truyền hình hay báo, tạp chí tư nhân nhận tài trợ hay liên quan đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Mỗi kênh phát thanh, truyền hình hay báo, tạp chí đều có thiên hướng, quan điểm, lập trường chính trị và hướng đến những nhóm người nghe, người xem, bạn đọc nhất định. 
Ở Ni-ca-ra-gua có khoảng trên 1.000 nhà báo, phóng viên.

Trong thời gian khủng hoảng, truyền thông tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân quyền là tác giả của hàng nghìn tin, bài trên cả truyền thông và mạng xã hội, đăng tải những hình ảnh gây chấn động nhằm tạo làn sóng phản đối, căm ghét chính quyền, phản đối FSLN, kích động bạo lực tràn lan. Trong cuộc chiến truyền thông này có thể nói các lực lượng cánh hữu không từ một thủ đoạn nào, từ vu khống, xuyên tạc đến dối trá, giả mạo. Hơn thế nữa, chiến dịch truyền thông đó lại được sự hà hơi, tiếp sức của một số tập đoàn truyền thông quốc tế.

 

Số ít các kênh truyền thông của chính phủ hoặc thân chính phủ tỏ ra lép vế trong cuộc chiến truyền thông không cân sức với phe cực hữu, bởi lẽ, đa số các kênh truyền thông phổ biến ở Ni-ca-ra-gua do giới chủ thuộc phe cực hữu hoặc nước ngoài sở hữu, tài trợ. Bên cạnh tài trợ phương tiện, trang thiết bị, đội ngũ phóng viên của các phương tiện truyền thông của lực lượng cực hữu còn được huấn luyện kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát động và tổ chức các cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố như đã từng diễn ra ở những nước khác.

Sự thật đối trọng với sự vu cáo, xuyên tạc

Nhằm cung cấp thông tin chân thật đến với người dân, Quốc hội Ni-ca-ra-gua đã thành lập Ủy ban Sự thật - như một đối trọng của chính quyền đối với chiến dịch truyền thông của cánh hữu. Tham gia Ủy ban là các nhân sĩ, trí thức, luật sư, những người có uy tín trong chính giới và xã hội Ni-ca-ra-gua. Ủy ban Sự thật thành lập ngày 06-5-2018, ngay trong những ngày cao trào của cuộc khủng hoảng, với thời hạn 3 tháng. Ủy ban có nhiệm vụ tìm hiểu, điều tra, làm rõ và cung cấp thông tin xác thực, có kiểm chứng cho người dân về các vụ, việc trong cuộc khủng hoảng. Sau 3 tháng hoạt động, trước một khối lượng công việc lớn, và trước nhu cầu cung cấp thông tin chân thực cho người dân và cộng đồng quốc tế, Ủy ban Sự thật đã được Quốc hội gia hạn hoạt động thêm 1 năm.

Những thông tin, báo cáo, điều tra cùng các tư liệu mà Ủy ban Sự thật thu thập được và cung cấp cho người dân có sức nặng đập tan các luận điệu xuyên tạc, vạch trần sự giả dối, bôi nhọ của truyền thông cánh hữu, góp phần định hướng nhận thức cho người dân. Ví dụ, trước luận điệu rêu rao của cánh hữu rằng trong khủng hoảng đã có trên 700 người thiệt mạng, trong đó, có 66 người là sinh viên, rằng chính quyền đàn áp sinh viên thì báo cáo của Ủy ban Sự thật cho thấy, trong cả giai đoạn khủng hoảng từ ngày 18-4 đến 26-8-2018, tổng cộng có 269 người thiệt mạng vì bạo lực, trong đó, có 45 người thiệt mạng do “vô tình” rơi vào tâm điểm bạo lực (họ không phải là lực lượng đối lập biểu tình cũng không phải là những người ủng hộ chính phủ); có 28 người của lực lượng đối lập bị thiệt mạng do trúng đạn của chính người cùng phe bắn ra. Trong tổng số người thiệt mạng chỉ có 6 sinh viên, trong khi đó có tới 22 cảnh sát phải thiệt mạng khi thực thi công vụ.

Có những trường hợp người được truyền thông cánh hữu tung tin rằng bị chết hay bị thủ tiêu thì Ủy ban Sự thật công bố video, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn rằng họ vẫn sống, khỏe mạnh, không hề bị bắt, bị thủ tiêu mà chỉ đơn giản là đang đi làm ăn ở nơi khác.

Cùng với việc cung cấp thông tin trong nước, Ủy ban Sự thật còn cử các đoàn cung cấp thông tin cho các quốc gia khu vực, cung cấp cho các cá nhân, tổ chức quan tâm đến sự thật về tình hình Ni-ca-ra-gua.

Minh bạch thông tin, phản công về thông tin, dùng sự thật để bóc trần giả dối - đây là những công cụ hiệu quả trong cuộc chiến truyền thông với cánh hữu đối lập của chính quyền Ni-ca-ra-gua.

Cùng với cho ra đời và hoạt động Ủy ban Sự thật, Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino còn thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phản tuyên truyền khác như kêu gọi người dân bình tĩnh tiếp nhận và kiểm chứng thông tin; kêu gọi đoàn viên thanh niên Sandino tích cực tham gia hoạt động trong các mạng xã hội, một mặt cung cấp thông tin chân thực để lan tỏa, mặt khác, đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, giả dối trên chính mạng xã hội.

 Khủng hoảng chính trị ở Ni-ca-ra-gua đã tạm qua đi sau những biện pháp toàn diện của chính quyền. Nhìn nhận lại khủng hoảng thì thấy những mâu thuẫn xã hội trong quá trình phát triển của đất nước Ni-ca-ra-gua đã bị lợi dụng, thổi phồng lên thành làn sóng bạo lực nghiêm trọng với âm mưu thực hiện cách mạng màu sắc, lật đổ chính quyền cánh tả của FSLN, của Tổng thống do dân bầu lên trong một cuộc bầu cử dân chủ, Daniel Ortega. Ở đây, có thể thấy rõ vai trò của thông tin, truyền thông. Và Ni-ca-ra-gua đã phải trải qua một cuộc chiến thông tin, truyền thông không cân sức, trong đó, cánh hữu với sự trợ lực của thông tin, truyền thông, mạng xã hội và sự tài trợ từ bên ngoài phát động một làn sóng biểu tình, tuần hành, đình công và bạo lực trên cả nước, làm tê liệt mọi mặt từ sản xuất đến đời sống của đất nước trong một thời gian dài.

Qua cuộc khủng hoảng chính trị ở Ni-ca-ra-gua càng thấy rõ tính chất nguy hiểm, mức độ nguy hại của các thông tin giả mạo trên truyền thông, mạng xã hội và rõ ràng, cần phải quan tâm chú ý đúng mức đến quản lý mạng xã hội và sử dụng mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền./.

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất