Gần nửa tháng sau khi tổ chức lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội
nhân dân Việt Nam lại ngậm ngùi tiễn biệt một vị tướng tài khác: Thượng tướng
Nguyễn Nam Khánh.
Vào hồi 8 giờ ngày hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và gia
đình sẽ cử hành trọng thể lễ viếng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh theo nghi thức
Lễ tang cấp Nhà nước tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, người có
nhiều đóng góp, cống hiến đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và
xây dựng Cơ quan Tổng cục chính trị đã từ trần hồi 4 giờ 57 phút ngày 20/10/2013
tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 86 tuổi.
Ông sinh tháng
2/1927 tại xã Bình Phú Tây (nay là xã Tây Phú) huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
trong một gia đình nông dân. Là con lớn nhất trong gia đình có 5 anh em trai,
học hết sơ học ở quê, ông xuống Quy Nhơn học tiểu học và tiếp tục học trung học,
vừa học vừa làm.
Ông tham gia cách mạng tháng 7/1945. Tháng 5/1946, ông
trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Và
từ một chiến sĩ ông đã trở thành cán bộ Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn rồi Trung
đoàn trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Liên Khu 5.
Tháng
3/1956, ông được cử đi đào tạo tại Học viện Quân sự Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau
bốn năm học, trở về nước, ông được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng Lữ
đoàn nhảy dù, sau đó làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (Liên khu 5) chuẩn bị về Nam
chiến đấu.
Năm 1964, ông được cử làm Phó Chính ủy Sư đoàn 304 và cùng Ban
lãnh đạo đưa Sư đoàn chủ lực này hành quân vượt Trường Sơn kịp có mặt tại chiến
trường Tây Nguyên để tham gia trận đánh Ia-Drang, trận thắng đầu tiên của quân
đội ta trước quân xâm lược Mỹ tại chiến trường miền Nam. Sau đó, ông là Chính ủy
Sư đoàn 3 (Sao vàng), Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó chính ủy Quân khu 5, Khu ủy
viên Khu 5.
Ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong trận chiến ác liệt ở
chiến trường Bình Định năm xưa. Đó là trận đánh cuối cùng trong chiến dịch Mùa
Xuân 1975- tiến công đường 19 trong phạm vi hai huyện Bình Khê và An Khê để thực
hiện chiến lược chia cắt quân địch giữa đồng bằng và Tây Nguyên.
Đường
19 không chỉ là đường tiếp liệu, tiếp vận của địch mà còn là con đường rút lui
nhanh nhất của chúng xuống đồng bằng Khu 5 khi Tây Nguyên bị thất thủ. Do vậy,
Mỹ-Ngụy đã khẳng định phải bảo vệ đường 19 trong bất cứ tình thế nào…
Nhận thức về con đường chiến lược này, ông đã trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn
3 (Sao Vàng) lên phương án và chuẩn bị chiến đấu hết sức khẩn trương dưới sự
đánh phá ác liệt của Mỹ và lực lượng Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, ông là Phó Chính
ủy Quân khu 5 được phân công chỉ đạo Sư đoàn 3 đảm đương trọng trách này.
Trong 5 ngày tấn công, Sư đoàn 3 do ông chỉ đạo đã đánh thiệt hại nặng
Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 và Liên đoàn Bảo an 927, diệt 310 tên địch, bắt sống
52 tên, thu 200 súng, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mi-li mét; làm chủ đoạn đường
dài hàng chục km, chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên với đồng bằng Khu
5. Đây là tiếng súng mở màn chiến dịch Mùa Xuân 1975 trên chiến trường Khu 5…
Sau ngày Toàn thắng, ông được điều ra lại Thủ đô Hà Nội và từ năm 1979
đến năm 1996, suốt 17 năm liền ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI,
VII, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính
trị, là một trong những vị lãnh đạo có uy tín lớn của quân đội. Năm 1977, ông
được phong quân hàm Thiếu tướng; Trung tướng năm 1984 và Thượng tướng năm 1988.
Năm 1997, ở tuổi 70 ông được nghỉ công tác.
Trở về cuộc sống đời thường,
ông không thể nào quên những tấm lòng kiên trung, xả thân vì nghĩa lớn của những
chiến sĩ cách mạng, tấm lòng của nhiều người dân vì che chở bộ đội mà ngã xuống
để có ngày độc lập hôm nay. Một vị tướng về với đời thường nhưng hằng ngày vẫn
bận rộn với nhiều công việc như viết hồi ký, viết sách, viết báo, nói chuyện
truyền thống của quân đội, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp trẻ, với ông đã là bộ
đội Cụ Hồ thì không có chuyện về hưu, còn sức thì còn lao động…
Do có
nhiều thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội, ông đã được
Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công
hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ
cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý
khác./.
Nguyễn Thị Thúy