Quyết định ngả về phía Nga nhưng vẫn kỳ vọng ký hiệp ước liên kết với
Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai đang đẩy U-crai-na lún sâu vào
cuộc tranh giành ảnh hưởng Đông-Tây, giữa một bên muốn liên kết với Liên
bang Nga và một bên thân phương Tây.
Ngày 8/12 vừa qua, trong một cuộc biểu tình được
cho là lớn nhất tại U-crai-na kể từ “Cách mạng Cam” năm 2004, khoảng
200.000 người biểu tình ủng hộ EU đã tuần hành tại thủ đô Ki-ép nhằm
buộc Tổng thống nước này, ông Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Viktor
Yanukovych), phải nhượng bộ trong cuộc đối đầu quyết liệt xung quanh
việc chính quyền Ki-ép từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU. Vẫy cờ EU
và U-crai-na, những người biểu tình đối lập đã phong tỏa Phủ Tổng thống
và nhà riêng Tổng thống, chiếm Quảng trường Độc lập, Tòa thị chính
Ki-ép, nơi họ khống chế hai tầng dưới cùng và ăn ở tại đó. Thậm chí,
người biểu tình còn dựng lều và dùng túi ngủ để ngủ ngoài trời, một cách
xác định đây là "cuộc chiến" dài lâu. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng các
biện pháp cứng rắn để giải tán các nhóm biểu tình.
Điều mà ai cũng dễ nhận thấy qua các cuộc
biểu tình này là sự đối đầu giữa một bộ phận trong xã hội coi
Mát-xcơ-va là người anh em đích thực, với một bộ phận muốn thoát khỏi
“ảnh hưởng của Nga” và trông chờ vào những điều kỳ diệu từ EU. Tuy
nhiên, có một điều đáng chê trách là trong cuộc biểu tình tối 8-12, đám
đông trong cơn kích động cao độ đã kéo đổ bức tượng Lê-nin, vị lãnh tụ
vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, rồi dùng
búa đập vỡ. Hành động phá hoại công trình văn hóa đã tồn tại trong bao
năm nay rõ ràng là phản cảm, thể hiện sự cực đoan chính trị của những
người biểu tình.
Những hành động trên được cho là mang
“mầm mống” của một cuộc “cách mạng màu”. Những dấu hiệu người biểu tình
trên đường phố cầm cờ EU vẫy… cho thấy, lời cảnh báo của Tổng thống Nga
Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) trước đó hoàn toàn có cơ sở khi cho
rằng các hành động ở Ki-ép đã được chuẩn bị kỹ từ bên ngoài và hướng tới
cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.
Phía sau của những cuộc biểu tình ở
U-crai-na chắc chắn là một cuộc đua ngầm nhằm tranh giành ảnh hưởng ở
không gian hậu Xô-viết. Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1991,
U-crai-na đã bị giằng xé giữa hai xu hướng: Hoặc giữ mối quan hệ truyền
thống với Nga hoặc thân phương Tây. Sự tách biệt giữa miền đông và miền
tây U-crai-na cũng như sự phân hóa thành phe muốn gắn kết với EU và phe
chủ trương thân thiết với Nga khiến Ki-ép trở thành “quả bóng” trong
cuộc chơi ganh đua ảnh hưởng và cọ xát lợi ích giữa hai bên. Hiếm thấy
có quốc gia nào khác ở châu Âu được cả EU lẫn Nga hết sức tranh thủ và
tìm mọi cách lôi kéo như U-crai-na.
Đối với châu Âu, U-crai-na là con “át chủ
bài” trong việc triển khai sáng kiến “Đối tác phương Đông” do EU thành
lập năm 2005 (EU và 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ). Để lôi kéo được
Ki-ép về phía mình, EU đã không ngần ngại chi ra hàng trăm triệu USD với
những lời mời gọi hấp dẫn về mô hình dân chủ và kinh tế phát triển cao.
Đã có lúc Ki-ép siêu lòng, nghiêng hẳn về phía EU. Song cuộc khủng
hoảng nợ công phơi bày những lỗ hổng trong nền kinh tế một số nước thành
viên mới của EU, khiến nhiều nước thành viên chủ chốt của EU e ngại
phải "cõng" thêm gánh nặng từ một nước kinh tế yếu kém và chính trị bất
ổn như U-crai-na. Đó là một trong những nguyên do khiến Ki-ép quyết định
quay trở lại với người láng giềng Liên bang Nga khi từ chối ký Hiệp
định liên kết với EU hồi cuối tháng 11 vừa qua.
Trong khi đó, đối với Nga, lý do đầu tiên
để giữ U-crai-na trong vòng tay vì tính chất biểu tượng và lịch sử.
Ki-ép là cái nôi lịch sử (thế kỷ 9) của nước Nga sau này và của Giáo hội
Chính thống Nga. Phần lớn người dân U-crai-na nói tiếng Nga và theo
Chính thống giáo Nga. Về vai trò chiến lược, Nga có căn cứ quân sự lớn ở
Xê-va-xtô-pôn (U-crai-na). Về kinh tế, Nga đang tăng cường thiết lập
liên minh Á-Âu. U-crai-na là quốc gia có diện tích lớn thứ hai châu Âu
(chỉ sau phần diện tích ở châu Âu của chính nước Nga). Với dân số hơn 46
triệu người và diện tích đất canh tác rộng lớn, U-crai-na sẽ biến liên
minh Á-Âu trở thành một thực thể mạnh.
Những động thái gần đây từ phía Nga và EU
đã cho thấy một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai bên nhằm lôi kéo thêm
thành viên mới, nhất là với những nước từng thuộc Không gian Xô-viết.
Nga coi Liên minh Hải quan (gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan) là một
phần kế hoạch để đưa các nước thuộc Liên Xô trước đây trở về khu vực ảnh
hưởng của mình. Việc quy tụ càng nhiều thành viên thuộc Cộng đồng các
quốc gia độc lập (SNG) sẽ mang lại nhiều cơ hội để Nga triển khai các dự
án kinh tế - thương mại có thể đối trọng với EU. Với sức mạnh nhờ sự
phục hồi của nền kinh tế và “con bài dầu khí”, giờ đây nước Nga đang trở
lại như một đối thủ nặng ký trên sân chơi toàn cầu, buộc bất cứ đối tác
nào cũng phải coi trọng.
Trong khi đó, EU cũng rất muốn tận dụng
thời điểm mà các nước SNG đang nỗ lực để củng cố quyền tự chủ sau khi
thoát khỏi ảnh hưởng của nước Nga cách đây hơn hai thập kỷ để áp đặt tầm
ảnh hưởng mới của mình.
Thế nên, thật là khó cho U-crai-na khi
nước này chỉ được phép lựa chọn hoặc theo đuổi chính sách hội nhập với
châu Âu, hoặc gia nhập Liên minh Hải quan. U-crai-na đang rơi vào hoàn
cảnh “đứng giữa hai dòng nước” và việc đưa ra quyết định “ngả về bên
nào” không hề đơn giản. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cuộc tranh
giành ảnh hưởng giữa Đông và Tây ở quốc gia này sẽ vẫn còn tiếp diễn./.
Linh Oanh (QĐND)