Thứ Bảy, 21/9/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 8/5/2015 14:28'(GMT+7)

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Có thể chọn nông sản làm sản phẩm chủ lực?

Nhiều đại biểu đề nghị giai đoạn 2015 – 2016 có thể chọn nông sản làm sản phẩm chủ lực trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu đề nghị giai đoạn 2015 – 2016 có thể chọn nông sản làm sản phẩm chủ lực trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Lê

Trong năm nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cuộc vận động trong các cấp, ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; tích cực thực hiện các giải pháp của Chính phủ để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh.

Nhiều hoạt động lớn trong khuôn khổ Cuộc vận động sẽ được triển khai như Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm truyền thống; chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt - Vibrand” lần thứ 5; quảng bá, giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt ở nước ngoài; đẩy mạnh đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động; tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt”; khảo sát sản phẩm hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng tin cậy. Từ tháng 6 đến 11-2015, Ban Chỉ đạo dự kiến sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại các Bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất phải chú trọng mở rộng các kênh phân phối hàng Việt tới người tiêu dùng. Những cuộc "giải cứu" dưa hấu, hành tím vừa qua cho thấy, khi được biết đến các sản phẩm, người tiêu dùng trong nước sẽ sử dụng nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng phải vừa “vận”, vừa “chống”, tập trung vận động để người dân dùng hàng Việt và vận động không dùng hàng lậu, hàng không có nguồn gốc.

Cần lựa chọn những sản phẩm chủ lực có trọng điểm để vận động người Việt tiêu dùng. Chẳng hạn như năm 2015 – 2016 có thể chọn sản phẩm chủ lực là một số mặt hàng nông sản. Có ý kiến đề nghị, Cuộc vận động phải nhằm vào cả 3 đối tượng: nhà sản xuất, người tiêu dùng, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành đối với phát triển hàng Việt. Cái gốc của Cuộc vận động là vì lợi ích chung của nhà sản xuất, người tiêu dùng, lợi ích chung của đất nước.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh giám sát việc thực hiện Cuộc vận động của các Bộ ngành, địa phương; đưa nội dung giám sát hàng giả, hàng kém chất lượng vào Cuộc vận động; giám sát một số kênh phân phối hàng Việt, đặc biệt là phân phối nông sản Việt, qua đó chỉ rõ mặt được, chưa được trong việc lưu thông, phân phối nông sản hiện nay.

Xác định rõ trách nhiệm của Bộ trong việc vận động kiều bào dùng hàng Việt, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cũng là đối tượng tiêu dùng hàng Việt. Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cần tập trung vận động khơi dậy tự hào, tự tôn dân tộc. Hướng theo yếu tố văn hóa, Bộ Ngoại giao đã cùng các Bộ, ngành dự thảo Đề án chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, để người Việt dùng hàng Việt, cần có tiêu chí đánh giá, so sánh hàng nội - ngoại, có cơ sở để nhận dạng sự vượt trội, hạn chế của hàng nội - ngoại, từ đó người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn. Tuy nhiên, các tiêu chí này đến nay vẫn chưa có. Bên cạnh đó, việc đánh giá tỷ lệ hàng nội hiện chiếm bao nhiêu thị phần trong nước, của từng mặt hàng cũng chưa được thực hiện, do vậy khó có cơ chế phù hợp để phát triển hàng nội. Phải có cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tôn vinh doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đúng tầm.

Theo Công an nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất