Trong giai đoạn 2011-2016, Hội Cựu chiến
binh tỉnh Sơn La đã xây dựng được 570 mô hình cựu chiến binh làm kinh
tế giỏi, mỗi năm giảm 3% tỷ lệ hội viên nghèo, trên 54% số hộ hội viên
đạt khá và có hướng làm giàu chính đáng. Trên địa bàn tỉnh cũng có 26
doanh nghiệp, 6 hợp tác xã do cựu chiến binh làm chủ.
Hội cũng đã tạo điều kiện cho trên 20.000 lượt hội viên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 600 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế nông trại chè, cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi. Hội Cựu chiến binh các cấp còn giúp nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất, góp công xóa được 469 nhà dột nát cho cựu chiến binh nghèo; phối hợp cùng các ngành, đoàn thể xây dựng 227 bếp ăn cho các trường có học sinh bán trú. Đồng thời, duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các cấp hội; tham gia đóng góp gần 40.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, đường điện, trạm xá, trường học, trên 168.000 m2 xây dựng các công trình công cộng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Sơn La thực sự là những tấm gương sáng vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định dân cư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Ông Lò Văn Phượng (dân tộc Thái) thương binh hạng 3/4, Tiểu khu 10, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) là một trong những gương điển hình cựu chiến binh sản xuất giỏi. Với việc đầu tư nuôi lợn giống, gà thả vườn, trồng, triết và ghép một số loại cây ăn quả như xoài, bưởi, cam, vải đã đem lại tổng thu nhập cho gia đình ông Phượng đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Ông Cầm Văn Lánh (dân tộc Thái) ở bản Ỏ, xã Mường Sai, một bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Sông Mã là chủ hộ biết dựa vào điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế gia đình. Ông Lánh chia sẻ, thấy đất đai ở vùng này màu mỡ phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2008, ông vận động người thân trong gia đình, họ hàng góp sức làm một con đập tràn bằng gỗ (gọi là phai) để ngăn dòng suối Lẹ dẫn nước về khai hoang 3 ha ruộng, tưới ẩm cho vườn nhãn, làm ao thả cá và chăn nuôi gia cầm. Nhưng đập làm bằng gỗ lâu ngày bị mục, lũ cuốn mất. Năm 2014, ông Lánh tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng để làm con đập tràn bê tông dài hơn 20 m, bề rộng 8 m, đồng thời đầu tư lắp ống dẫn nước về phục vụ sản xuất. Kết quả năm 2015, gia đình ông thu 4 tấn nhãn, 5 tấn thóc, 250 kg cá thịt. Ngoài ra, gia đình ông Lánh phát triển thêm việc chăn nuôi đàn bò, dê (27 con) và trên 1.000 con gà, vịt, trừ chi phí gia đình ông lãi trên 350 triệu đồng. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình mình, ông Cầm Văn Lánh giúp người khác làm giàu như hỗ trợ 10 hộ khó khăn trong bản vay vốn 135 triệu đồng không lấy lãi đầu tư sản xuất.
Là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh bản Suối Khem, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu), cựu chiến binh Bàn Văn Hải (dân tộc Dao) có 1,9 ha chè, mỗi năm thu hoạch 6 lứa, mỗi lứa chè tươi bán được 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà và làm vườn, thu nhập 400 triệu đồng/năm. Ông hăng hái vận động các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Với những thành tích trên, ông Hải được công nhận là cựu chiến binh gương mẫu.
Thương binh Nguyễn Văn La định cư tại bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, huyện biên giới Sông Mã là thương binh hạng 4/4, thương tật 27%, khi về nghỉ chế độ, ông vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi ba ba và xây chuồng nuôi nhím giống. Mô hình kinh tế của gia đình ông bước đầu mang lại lợi nhuận, trong ao đã có khoảng 200 con ba ba bố mẹ và gần 2.000 ba ba giống, trị giá gần 1 tỷ đồng. Gia đình ông La còn đầu tư trồng cây nhãn ghép kết hợp nuôi gà thả vườn, trừ các khoản chi phí thu thêm 200 triệu đồng/năm. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông La còn giúp đỡ 5 gia đình hội viên vay vốn sản xuất không lấy lãi (15 triệu đồng/hộ)./.
Điêu Chính Tới/TTXVN