Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 22/11/2008 14:5'(GMT+7)

Đã đến lúc phải làm trong sạch môi trường Văn học- Nghệ thuật

Đồng chí Dương Việt Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Nhà văn Nguyễn Thanh, Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Cà Mau đã báo cáo khái quát về đặc điểm đời sống Văn học- Nghệ thuật và công tác lãnh đạo của địa phương đối với Văn học- Nghệ thuật tỉnh nhà.

Song hành cùng với sự quan tâm, đổi mới về nhận thức và trách nhiệm trong công tác lãnh chỉ đạo, thời gian qua, Văn học- Nghệ thuật của tỉnh Cà Mau đã có những thành tựu đáng kể, phát huy tốt tiềm lực; phát triển trên diện rộng; từng bước hòa nhập với đời sống Văn học- Nghệ thuật khu vực, quốc gia và quốc tế; ngày càng có nhiều tác phẩm, tác giả đạt các giải cao trên các lĩnh vực Văn học- Nghệ thuật cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho Hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật và cán bộ quản lý được quan tâm, mở rộng.

Đồng chí  Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học- Nghệ thuật Trung ương đã đánh giá cao những thành tựu và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Văn học- Nghệ thuật.

Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù là một tỉnh xa các trung tâm lớn của đất nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống cách mạng, các lĩnh vực Văn học- Nghệ thuật của Cà Mau đã không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy vai trò là “cái nôi” Văn học- Nghệ thuật của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như cả nước.

Minh chứng cho sự phát triển, trưởng thành mạnh mẽ đó là số lượng hội viên ngày một đông đảo (250 hội viên), hoạt động khá hiệu quả ở 9 chuyên ngành, trong đó có những chuyên ngành phát triển mạnh như: văn học, âm nhạc, sâu khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc…

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng luôn có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời để Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh phát huy vài trò, chức trách của mình, nhất là trong phối hợp triển khai nhiệm vụ, xây dựng tổ chức Hội và tăng cường cơ sở vật chất, mở các hội trại sáng tác, trung bày, triển lãm các tác phẩm Văn học- Nghệ thuật...v.v..; đặc biệt, việc triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về Văn học- Nghệ thuật khá kịp thời, hiệu quả, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị mới đây.

Bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Văn học- Nghệ thuật tỉnh Cà Mau đã gặt hái được, đồng chí Phùng Hữu Phú cũng đã chia sẻ những khó khăn của địa phương như: sự hạn chế trong công tác quản lý các lĩnh vực của Văn học- Nghệ thuật, số lượng các tác phẩm Văn học- Nghệ thuật có giá trị chưa nhiều, chưa ngang tầm với tiềm năng; lĩnh vực sáng tác chưa theo kịp với đà phát triển của đất nước, có hiện tượng sáng tác chạy theo những vấn đề vụn vặt của đời sống, thị hiếu tầm thường; mảng lý luận phê bình chưa được quan tâm; hành lang pháp lý chưa đủ, chưa mạnh, công tác định hướng sáng tác còn chậm; nhận thức và mức hưởng thụ Văn học- Nghệ thuật của nhân dân nhìn chung còn thấp…Đặc biệt, công tác triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật ở một số cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng còn xem nhẹ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, tài liệu học tập, nghiên cứu quán triệt chưa đầy đủ.

Đồng chí cũng quan tâm nhắc nhở Tỉnh ủy và các ngành chức năng thời gian tới cần tập trung tiếp tục làm tốt hơn công tác lãnh đạo, quản lý Văn học- Nghệ thuật, tạo điều kiện để Văn học- Nghệ thuật phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/CT của Bộ Chính trị.
 
Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải đưa Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ chính trị đi sâu vào đời sống, phải quán triệt thấm nhuần, sâu sắc các quan điểm, giải pháp mà Bộ Chính trị đã xác định đối với Văn học- Nghệ thuật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chủ động, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, quyền tự quyết của mình, không trông chờ vào Trung ương, có chỉ đạo cụ thể để đưa Văn học- Nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương hàng năm, dành khỏang kinh phí xứng đáng cho hoạt động của văn học- Nghệ thuật, thường xuyên tổ chức và phát huy tác dụng các trại sáng tác, các hoạt động trưng bày, triển lãm…

Nhấn mạnh công tác tăng cường quản lý, lãnh đạo đối với Văn học- Nghệ thuật, đồng chí khẳng định “đã đến lúc phải làm sạch môi trường Văn học- Nghệ thuật. Chúng ta lâu nay vẫn quen với cách nói, cách nghĩ là môi trường ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm mà không nhận thấy được môi trường Văn học- Nghệ thuật cũng đang bị ô nhiễm, thậm chí để lại nhiều hậu quả lớn nặng nề hơn, kéo dài nhiều hơn cho xã hội”.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác của Hội đồng lý luận, phê bình Văn học- Nghệ thuật Trung ương đã ghi nhận những kiến nghị của địa phương để báo cáo với Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Buổi chiều cùng ngày, Đòan sẽ đi tham quan thực tế tại huyện U Minh./.

Nguyễn Đình Tăng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất