Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 31/10/2008 16:26'(GMT+7)

Hội nghị Giao ban chuyên đề "Văn hoá học đường"

Chủ trì Hội nghị là các đồng chí: PGS.TS.Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo TW, TBT Báo điện tử ĐCSVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VH-NTTW; Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ VH-VN và PGS.TS.Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, DN - Ban Tuyên giáo TW. Tham gia Hội nghị còn có các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các vụ, viện chức năng thuộc Ban Tuyên giáo TW, Học viện CT-HC Quốc gia HCM, Bộ GD&ĐT, TW Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên VN; các cơ quan quản lý văn hoá, giáo dục; một số Trường Đại học, Cao đẳng, TH chuyên nghiệp  và THPT trên địa bàn Hà Nội...

Báo cáo Đề dẫn tại Hội nghị nêu rõ: Hiện nay nước ta có hơn 22 triệu HSSV theo học tập trung tại các trường phổ thông, cao đẳng và đại học. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những mặt tích cực của HSSV... thì những năm gần đây, đời sống văn hoá trong các trường học cũng đang nổi lên những vấn đề tiêu cực, bức xúc, như: Môi trường cảnh quan lớp học, giảng đường và cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá của nhiều trường học còn bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc, không tạo điều kiện cho HSSV tham gia và hưởng thụ các hoạt động VHVN, TDTT ; các khu nội trú cho SV luôn ở trong tình trạng quá tải, phần lớn SV phải tự thuê nhà bên ngoài, ăn ở chật chội, thiếu các phương tiện, điều kiện tham gia hưởng thụ văn hoá; một bộ phận HSSV có lối sống thực dụng và cơ hội, xa rời các giá trị đạo đức truyền thống, có tư tưởng hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, chịu tác động của tệ nạn xã hội; mức độ phạm tội nghiêm trọng trong HSSV có xu hướng gia tăng, vấn đề ma tuý học đường, cờ bạc, cá cược trong SV chưa được ngăn chặn triệt để; xuất hiện xu hướng văn hoá vọng ngoại, tiếp nhận "máy móc", thiếu chọn lọc nội dung và hình thức biểu hiện của văn hoá nước ngoài..

Báo cáo Đề dẫn cũng khẳng định: Những biểu hiện lệch lạc, bức xúc trong đời sống văn hoá học đường đang làm cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội lo lắng, cản trở sự phát triển của đất nước. Trong khi đó việc giáo dục chính trị, giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống trong nhà trường, vai trò Đoàn-Hội-Đội còn nhiều vấn đề bất cập, chưa theo kịp tình hình diễn biến phức tạp, biến đổi nhanh trong đời sống văn hoá HSSV.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, thông qua các ví dụ và dẫn chứng cụ thể, các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội nghị đã tập trung vào làm rõ những nội dung: Thực trạng đời sống văn hoá, tinh thần trong nhà trường; những biểu hiện trong sinh hoạt, lối sống của HSSV; việc hình thành các phẩm chất văn hoá, đạo đức trong HSSV hiện nay; phân tích rõ ràng, khách quan những nguyên nhân của ưu điểm và những băng hoại về văn hoá, đạo đức trong HSSV; cảnh báo những hậu quả từ thực trạng tiêu cực...

Thông qua những nội dung trên, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp về việc làm thế nào để chấn chỉnh những mặt tiêu cực, xây dựng đời sống văn hoá tích cực, lành mạnh trong HSSV. Trong đó có những ý kiến như: Việc khắc phục những hạn chế trong môi trường giáo dục hiện nay, cùng với đó là sự kết hợp tổng thể, phát huy tinh thần trách nhiệm của tất cả các bộ phận trong xã hội là yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng văn hoá, đạo đức trong HSSV; điều quan trọng nhất không phải là cấm đoán (mà cũng không thể cấm đoán được) mà phải tạo ra những xu hướng mới tích cực, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu có định hướng cho tuổi trẻ; Nhà nước  phải quan tâm đầu tư hơn nữa tạo môi trường sinh hoạt cho HSSV, chúng ta có rất nhiều khách sạn, sân gol hiện đại, hoành tráng, nhưng nhiều trường học hiện nay thì lại quá thiếu những môi trường cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của HSSV; việc thiếu định hướng một cách khoa học cho HSSV ngay từ đầu, cho nên khi xảy ra những tình trạng tiêu cực mới bắt tay vào xử lý theo kiểu "vuốt đuôi" là không khả quan và thiếu tính hiệu quả; không nên đổ lỗi tất cả do cơ chế thị trường và đời sống kinh tế gây nên tình trạng suy đồi văn hoá và đạo đức của HSSV, bởi yếu tố quyết định lớn nhất chính là trách nhiệm và phương pháp của gia đình và những người làm công tác giáo dục, quản lý, theo dõi HSSV...   

Kết luận Hội nghị nêu rõ: Những ý kiến về thực trạng và giải pháp mà các đại biểu nêu lên rất quan trọng, bởi đó là những tư liệu quý để Ban Tổ chức xây dựng một báo cáo đầy đủ về tình hình đời sống văn hoá HSSV trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra kiến nghị với các cơ quan liên quan. Đây là vấn đề cấp thiết, phải được tiến hành quyết liệt và có hiệu quả, bởi hơn 22 triệu HSSV (chiếm 1/4 dân số) đang được nuôi dưỡng, dạy dỗ, học tập trong các trường học là những lực lượng chính quyết định đến tương lai của đất nước trong 5 - 10 năm tới, đặc biệt là tới năm 2020, thời điểm mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và phát triển KT-XH để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước CNH-HĐH./.
 
AT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất