Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Sở Y tế, Hội Y học thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Tăng cường tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y", với sự tham gia của 300 đại biểu là các y, bác sỹ tại các bệnh viện Đà Nẵng, các công ty Dược, hội viên Hội Y học Đà Nẵng.
Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, thái độ và hành vi đẹp của cán bộ y tế đối với bệnh nhân, phát huy truyền thống ngành y, khơi dậy tinh thần cống hiến, hy sinh vì sức khỏe của nhân dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động tại 3 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Ninh Bình, Thái Nguyên do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nghe và thảo luận xoay quanh các vấn đề về thực trạng tính chuyên nghiệp trong thực hành khám, sự cần thiết tăng cường tính chuyên nghiệp cho hội viên và vai trò của Hội Y học và cơ sở đào tạo về thực trạng đào tạo tính chuyên nghiệp cho sinh viên. Từ đó, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ y tế vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bà Phạm Thị Minh Đức, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh, nghề thầy thuốc là một nghề vô cùng cao qúy bởi sự vinh quang thầm lặng trong chữa bệnh, cứu người, đây cũng là nghề nghiệp nhiều khó khăn, vất vả đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh những lợi ích cá nhân. Nâng cao y đức, y nghiệp là trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc Việt Nam vì mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn. Theo bà, tính chuyên nghiệp của nghề y thể hiện qua 4 nguyên lý: Có lòng vị tha - đặt lợi ích của bệnh nhân trên lợi ích thầy thuốc (yếu tố tâm - đức), duy trì năng lực chuyên môn qua việc cập nhật kiến thức thường xuyên (yếu tố tài năng); tự điều chỉnh bằng cách tự kiểm soát bản thân và đồng nghiệp tránh sai sót; có trách nhiệm với xã hội, tham gia các hoạt đồng vì lợi ích cộng đồng. Còn Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng Nguyễn Khắc Minh cho rằng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế là bài học đầu tiên trong công tác đào tạo tại các trường y, dược để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân...
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, một bộ phận cán bộ y tế đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của bệnh nhân để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Nguyên nhân chủ yếu là do lương, bồi dưỡng thu nhập của đội ngũ cán bộ y tế còn thấp nhất là tại các bệnh viện công, chưa có chế độ khuyến khích cho cán bộ y tế nhất là vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở đào tạo, cơ sở y tế, hội nghề nghiệp chưa chú ý đúng mức đến giáo dục nhận thức về giá trị nghề nghiệp; xã hội chưa hiểu đầy đủ về nghề y, chưa định hướng đúng dư luận khi có sự cố, sai sót làm ảnh hưởng đến tâm huyết của đội ngũ y, bác sỹ.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế còn nhiều hạn chế, đội y, bác sỹ tuyến trên thiếu thời gian học tập vì sự quá tải của bệnh viện, nhu cầu về vật chất; y, bác sỹ tuyến dưới thiếu điều kiện về trang thiết bị cơ sở vật chất nên chưa nắm bắt kịp được khoa học - công nghệ làm giảm năng lực chuyên môn. Chính vì thế, nhu cầu và hiểu biết của nhân dân về nhu cầu sức khỏe càng tăng làm cho bác sỹ mất độc quyền về chuyên môn. Ngoài ra, hệ thống đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp: Quy mô đào tạo phát triển quá nhanh, thiếu điều kiện và phương tiện dạy; trường chưa đảm bảo môi trường giáo dục toàn diện, môi trường thực hành bệnh viện chưa chuẩn mực...
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng- bác sỹ Ngô Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh: Mỗi y, bác sỹ khi hành nghề phải đặt lợi ích bệnh nhân lên trên hết, học hỏi nâng cao trình độ năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Người bệnh có trách nhiệm tôn trọng thầy thuốc và nhân viên y tế; chấp hành những quy định trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ y tế trong thời gian tới, cần hoàn thiện pháp luật về nghề y; cần có một Hiệp hội ngành nghề y để độc lập giám sát chuyên môn và y đức của từng nhân viên y tế. Có hệ thống kiểm soát, đánh giá chung để khi có sự cố, tai biến xảy ra với bệnh nhân thì có đánh giá một cách hệ thống, xác định nguyên nhân và rút kinh nghiệm không chỉ trong công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện, mà cả trong công tác giảng dạy. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ sở thực hành trong công tác đào tạo nhân lực y tế../.
Mai Hoa