(TG) - Nghiên cứu khuôn mẫu, xu hướng biến đổi, sự kế thừa và tiếp nhận những
giá trị mới, những thách thức và cơ hội về xây dựng giá trị gia đình trong bối
cảnh mới đem đến kết quả định vị được một số giá trị cơ bản của gia đình
Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách.
Trong vài thập niên qua,
hôn nhân và gia đình Việt
Nam đã trải qua những
biến chuyển quan trọng, từ kiểu
mẫu truyền thống sang kiểu gia
đình với những đặc điểm mới,
hiện đại và tự do hơn, nhất là từ
sau Đổi mới. Chính sách mở cửa
hội nhập quốc tế, cùng với nó
là hội nhập và giao lưu văn hóa,
giá trị cũng góp phần đẩy mạnh
những quan điểm cởi mở hơn về
hôn nhân và gia đình. Các quá
trình kinh tế - xã hội đi cùng với
những chính sách kinh tế, văn
hóa xã hội của Việt Nam đang
tác động lớn đến quan điểm, lối
sống và hành vi ứng xử của cá
nhân trong xã hội, trong đó có
giá trị gia đình của người dân
Việt Nam.
CÁC GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA
GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Năm 2017-2018, Viện Nghiên
cứu Gia đình và Giới thực hiện
đề tài: Các giá trị cơ bản của gia
đình Việt Nam, với mẫu khảo
sát 1.759 cá nhân, tuổi từ
16-70, được chọn theo đại diện
các vùng, giới tính, nông thôn, đô
thị, dân tộc, tôn giáo, mức sống
và tuổi, tại 6 tỉnh, thành phố đại
diện cho các vùng miền trên cả
nước gồm Yên Bái, Hà Nội, Thừa
Thiên - Huế, Đắk Lắk, Thành
phố Hồ Chí Minh và Cà Mau.
Kết quả cho thấy một số giá trị
cơ bản của gia đình Việt Nam
hiện nay.
Người dân Việt Nam thuộc
mọi tầng lớp xã hội, mọi nhóm
nhân khẩu xã hội coi gia đình
là ưu tiên hàng đầu trong cuộc
sống, sau đó là sức khỏe, việc
làm, thu nhập, bạn bè, học
vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín
ngưỡng tôn giáo và chính trị.
Cần phải nói thêm rằng, khái
niệm gia đình ở đây là mô hình
gia đình truyền thống được xây
dựng trên cơ sở hôn nhân.
Bất chấp những cảnh báo
gần đây về nguy cơ giải thể, tan
rã, hôn nhân vẫn là một giá trị
quan trọng ở Việt Nam hiện nay.
Phần lớn những người được
hỏi vẫn khẳng định tầm quan
trọng của hôn nhân, theo đó,
thanh niên đến tuổi trưởng
thành nhất thiết cần lập gia
đình. Tỷ lệ người đồng ý với việc
sống độc thân thấp hơn nhiều
so với số người không đồng ý.
Các phân tích cũng cho thấy
có sự khác biệt giới trong các
quan niệm này. Nữ thanh niên
có quan niệm cởi mở, hiện đại
hơn về hôn nhân so với nam
thanh niên: 16,6% nữ thanh
niên dự định sống độc thân so
với 10% nam thanh niên; 35,8%
nữ thanh niên đồng ý với nhận
định “Thanh niên đến tuổi
trưởng thành nhất thiết cần lập
gia đình” so với 55,6% ở nam
thanh niên.
Như vậy, các tiêu chuẩn
mang tính cá nhân như tình
yêu, vốn nhân lực (học vấn, sức
khỏe, nghề nghiệp), phẩm chất cá nhân (tính cách, ngoại hình)
được cho là quan trọng. Ngược
lại, những giá trị mang tính tập
thể như gia đình môn đăng hộ
đối, nội hôn (cùng địa phương,
dân tộc) không còn được coi
trọng như trước.
Phụ nữ không kết hôn
nhưng có con (làm mẹ đơn thân)
được chấp nhận. Có khoảng một
nửa (49,6%) người trả lời chấp
nhận hiện tượng làm mẹ đơn
thân, thể hiện sự biến đổi trong
nhận thức và sự nhân văn trong
bảo vệ quyền của phụ nữ.
Mức độ chấp nhận cởi mở
dần với một số hiện tượng hôn
nhân gia đình mới nhưng nhìn
chung vẫn khá truyền thống.
Trong khi ở các nước phương
Tây sống độc thân là một sự lựa
chọn của những người thực sự thích cuộc sống tự do thì ở Việt
Nam tình trạng sống độc thân
trước kia thường là do hoàn
cảnh sống như không tìm được
người phù hợp và do hoàn cảnh
gia đình như bố mẹ già, neo đơn,
kinh tế khó khăn. Kết quả cho
thấy mức độ chấp nhận thấp
với hiện tượng sống độc thân
(38,5%). Nữ giới có tỷ lệ chấp
nhận hiện tượng sống độc thân
cao hơn so với nam giới 10 điểm
phần trăm, 43% so với 33,6% và
sự khác biệt này rất có ý nghĩa
về mặt thống kê. Thành phần
dân tộc có mối quan hệ với thái
độ chấp nhận sống độc thân của
người trả lời. Người Kinh có xu
hướng chấp nhận hiện tượng
sống độc thân cao hơn so với
người dân tộc thiểu số, 39,2% so
với 33,5%.
Gia đình Việt Nam cũng có
mức chấp nhận thấp với kết
hôn đồng giới (27,7%) nhưng có
xu hướng tăng dần ở nhóm trẻ
tuổi hơn.
Trong số các giá trị đảm
bảo sự bền vững gia đình, giá
trị chung thủy được người dân
đánh giá cao nhất, sau đó là đến
các giá trị tình yêu thương, bình
đẳng, có con, chia sẻ việc nhà,
hòa hợp tình dục, có thu nhập
và sống riêng. Trinh tiết vẫn là
giá trị quan trọng đối với đại đa
số người trả lời, nhất là với lớp
thế hệ lớn tuổi, liên quan đến
giá trị đạo đức, trong khi giới trẻ
coi quan hệ tình dục là biểu hiện
của tình yêu.
Con cái tiếp tục là một giá
trị quan trọng trong hôn nhân
nhưng người Việt Nam hiện nay
không mong muốn có nhiều
con, nhất là nhóm mang nhiều
đặc điểm hiện đại. Giới tính của
con cái khá cân bằng và giảm dần sự ưa thích con trai. Các giá
trị của con cái đang chuyển dần
từ giá trị xã hội (ưa thích con
trai) an sinh (có người chăm sóc
khi về già), kinh tế (có nguồn lao
động) sang giá trị tâm lý - tình
cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn
thiện bản thân). Đặc điểm này
là điều kiện quan trọng để đảm
bảo sự bền vững dân số và cần
có những chiến lược phù hợp
đảm bảo mức sinh đều ở các
nhóm xã hội. Đồng thời, nhóm
xã hội mong muốn có nhiều con
đa số thuộc dân tộc ít người,
nông thôn, học vấn thấp, mức
sống dưới trung bình, và ngược
lại, nhóm mong muốn và thực tế
sinh ít con đa số là nhóm mang
nhiều đặc điểm hiện đại, đặt ra
yêu cầu xác định rõ nhóm đích
truyền thông và can thiệp trong
triển khai chính sách dân số
trong thời gian tới.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
CHÍNH SÁCH
Nhà nước cần thực hiện các
chính sách kinh tế, xã hội lấy gia
đình là trọng tâm và xây dựng
gia đình đảm bảo sự gắn kết xã
hội và vai trò chăm sóc trong
bối cảnh gia đình vẫn là một
giá trị được người dân ưu tiên
hàng đầu trong cuộc sống và
quy mô, cơ cấu, chức năng gia
đình đang thay đổi theo hướng
hiện đại hóa, cá nhân hóa, hạt
nhân hóa.
Những chính sách và dịch
vụ xã hội đảm bảo sự tiếp cận
công bằng, bình đẳng giữa các
hình thức gia đình hiện nay như
chung sống không kết hôn, gia
đình đơn thân, gia đình đồng
tính, gia đình có hôn nhân
với người nước ngoài, vốn ít
có trong xã hội trong truyền
thống nhưng bắt đầu xuất hiện
trong xã hội chuyển đổi từ nông
nghiệp sang công nghiệp hóa,
hiện đại hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh các chương
trình phát triển kinh tế gia đình.
Đời sống kinh tế, phúc lợi gia
đình Việt Nam trên các khía
cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập,
chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ
trong thời kỳ mới. Tuy nhiên,
bất bình đẳng về phúc lợi gia
đình diễn ra giữa các nhóm thu
nhập, giữa các vùng, giữa thành
thị và nông thôn cũng ngày càng tăng trong khi độ bao phủ và
nguồn lực của hệ thống an sinh
xã hội, phúc lợi xã hội còn hạn
chế, đòi hỏi xây dựng tầm nhìn
thúc đẩy kinh tế, khát vọng làm
giàu của gia đình để tạo ra hệ
thống an sinh xã hội nhiều lớp,
tăng khả năng chống chịu rủi ro,
đảm bảo không gian an toàn cho
gia đình.
Cải thiện hệ thống an sinh xã
hội thích ứng với già hóa dân số
và biến đổi xã hội. Việc giá trị an
sinh của con cái tiếp tục được
coi trọng đã khẳng định vai trò
quan trọng của gia đình trong
việc chăm sóc người cao tuổi
cũng như sự hạn chế của hệ
thống an sinh xã hội dành cho
người cao tuổi. Mặt khác, dưới
góc độ văn hóa, giá trị xã hội của
con trai có quan hệ chặt chẽ với
giá trị an sinh. Điều này phù hợp
với truyền thống của gia đình
Việt Nam trong đó quy trách
nhiệm chăm sóc chính cho cha
mẹ lúc về già thuộc về con trai,
nên những người mong muốn
có con chăm sóc khi về già sẽ
là nhóm mong muốn có con
trai. Trong cuộc điều tra này, tỷ
lệ người cho rằng trách nhiệm
chăm sóc chính cho cha mẹ lúc
về già là của con trai vẫn chiếm
22,5%, cao gấp nhiều lần so với
con gái. Do đó, để cải thiện sự ưa
thích con trai, ngoài việc thay
đổi nhận thức của người dân
về giá trị an sinh xã hội của con
cái, cải thiện điều kiện an sinh
xã hội cho người dân khi về già
cũng có vai trò quan trọng.
Xây dựng nội hàm mới cho
mục tiêu xây dựng gia đình trong
thời kỳ mới để có thể giáo dục,
tuyên truyền, duy trì những giá
trị hạnh phúc. Trên thực tế, các
giá trị này mang hàm nghĩa rộng
mà đời sống xã hội hay trong
quan niệm của nhân dân còn có
thể có những biểu hiện cụ thể
hơn nữa: giá trị của hôn nhân,
gia đình, các biểu hiện bền vững
của gia đình, giá trị con cái, tình
thương yêu, sự hiếu thảo, tính
đoàn kết của cộng đồng.
Với những thay đổi mạnh
mẽ của đặc điểm gia đình đã
nêu trên, trong chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2021-2030
nên xây dựng nội hàm mới cho
mục tiêu xây dựng gia đình.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam
nên cân nhắc chuyển mục tiêu
từ: Xây dựng gia đình no ấm, tiến
bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào
lành mạnh của xã hội, sang: Xây
dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc,
phồn thịnh, là thiết chế quan
trọng của các quá trình kinh tế -
xã hội và đảm bảo dân số ổn định,
chất lượng để tiếp tục khẳng
định vai trò quan trọng của gia
đình trong phát triển xã hội, và
đặt gia đình trong mối quan hệ
“động” hơn với các quá trình
kinh tế, xã hội chung.
PGS. TS. TRẦN THỊ MINH THI
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
_________________________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 6/2019