(TG) - Ngày 13/6, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Dân số và phát triển: Cơ hội và thách thức mới".
Tọa đàm nhằm trao đổi, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về thành tựu mà công tác dân số Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục
Nước ta đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức như: Chênh lệch mức sinh giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng. Tốc độ già hóa dân số cao; tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn nhiều ở một số dân tộc ít người; phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập… Trong đó, chênh lệch mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số là 3 thách thức lớn nhất.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Ngọc Chương, ba thách thức về công tác dân số không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng hiện chưa có giải pháp khắc phục. Việc chênh lệch mức sinh có thể do vấn đề văn hóa, tâm lý, truyền thống dân tộc từng vùng miền. Mất cân bằng giới tính có nguồn gốc xuất phát từ vấn đề phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ. Tình trạng này hiện đã có cải thiện nhất định do chính sách về bình đẳng giới, nhưng ở một số địa phương tỉ lệ sinh và mất cân bằng giới tính còn khá cao.
Vấn đề già hóa dân số là thách thức rõ nhất, cần điều chỉnh cũng như tính tới tương lai 10 năm tới đây khi số lượng người cao tuổi nước ta là khoảng 21 triệu người, cần có chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ, có chất lượng sống ổn định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh, vấn đề già hóa dân số rất đáng lưu ý. Cách đây 5 năm, mỗi năm có khoảng 1 - 1,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bước vào tuổi lao động, nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 400.000 người. Trong 4 tháng đầu năm 2019, chúng ta giải quyết 440.000 chỗ làm việc mới, nhưng chỉ có 331.000 người bước vào độ tuổi lao động. Rõ ràng, quy mô cung lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng bắt đầu mất cân đối. Đến năm 2035, dân số của chúng ta cứ khoảng 4 người thì có 1 người già, tỷ lệ phụ thuộc sẽ tăng khoảng 44%. Nếu không đi trước đón đầu, không khắc phục những tồn tại trên thì đến năm 2030 sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề...
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay chính là nhận thức về công tác dân số trong tình hình mới. Bởi 60 năm nay, nhắc đến dân số là nhắc đến giảm sinh, kế hoạch hóa gia đình. Tư duy này hiện nay vẫn còn rất nặng nề, vẫn áp vào bộ máy y tế từ Trung ương đến cơ sở. Để thay đổi điều này không thể trong một sớm một chiều, nếu tư duy chưa thay đổi thì các hành vi, biểu hiện về bộ máy tổ chức, đầu tư sẽ còn vướng. Từ vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực.
Nếu dân số Việt Nam không chuyển trọng tâm một cách trọn vẹn, không tận dụng được cơ hội dân số vàng, không thích ứng được già hóa dân số, không giảm được mất cân bằng giới tính khi sinh, không nâng cao được chất lượng dân số thì tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại; hậu quả xã hội của mất cân bằng giới tính khi sinh... sẽ ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần triển khai đồng bộ hệ thống 7 giải pháp mà Nghị quyết đã xác định, bao gồm các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng pháp luật và chính sách; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ; đầu tư và quản lý tài chính; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hợp tác quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Ngọc Chương cho hay, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương, Chính phủ cũng đã có chương trình hành động, tuy nhiên để thể chế hóa đạt kết quả tốt hơn cần khẩn trương xây dựng Luật Dân số. Trước khi có Nghị quyết 21-NQ/TW, Dự án về xây dựng Luật Dân số đã được chuẩn bị, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã xem xét, cho ý kiến, nhưng có ý kiến chưa đồng thuận, Quốc hội chưa đồng ý đưa vào chương trình của Quốc hội.
Ông Bùi Ngọc Chương chia sẻ, Dự thảo ban đầu đưa ra đang gặp nhiều khó khăn trong cách thiết kế chính sách, giải pháp, tổ chức. Đơn cử như xử lý mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền, để làm sao chỗ cần tăng, cần giảm, bảo đảm được mức hợp lý... Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ thúc đẩy Dự án Luật này sớm được trình Quốc hội.
TG (Theo TTX)