Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 27/8/2011 14:11'(GMT+7)

Ðác Lắc tập trung phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào xã Cư Pơng, huyện Kroong Búc (Đắc Lắc) dạy nghề cho nhau nhằm xóa đói, giảm nghèo.

Đồng bào xã Cư Pơng, huyện Kroong Búc (Đắc Lắc) dạy nghề cho nhau nhằm xóa đói, giảm nghèo.

Ðó là chuyện của sáu năm về trước, khi chưa có Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Còn bây giờ, theo báo cáo của Tỉnh ủy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn 7,45%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 14,98% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; theo chuẩn mới, tỷ lệ nghèo còn 20,82%, hộ cận nghèo 8,59%...

Năm 2004, Tỉnh ủy ra Nghị quyết 04 về "phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2010". Ðể nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy quán triệt Nghị quyết đó cho từng cán bộ chủ chốt và tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, cùng với đó là chỉ đạo cho Ban cán sự UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết trên từng địa bàn, phân công cụ thể cho từng ngành, từng cấp trong việc thực hiện Nghị quyết.
 
Tỉnh ủy Ðác Lắc chọn 13 buôn trên địa bàn để chỉ đạo thí điểm các mô hình, qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng. Ðác Lắc đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng mô hình thí điểm về chăn nuôi bò theo hộ hoặc nhóm hộ, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cải tạo vườn tạp... mỗi mô hình đều có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật giúp hộ gia đình. Qua đó, các hộ tự lựa chọn mô hình cho mình và được hướng dẫn thực hiện. Dù có những khó khăn trong việc triển khai, nhất là nguồn vốn, nhưng Tỉnh ủy Ðác Lắc chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của tỉnh cũng như các chương trình mục tiêu khác. Từ đó đã tháo gỡ khó khăn cho buôn, thôn và các xã khó khăn vùng sâu, vùng xa.

Riêng ngân sách tỉnh từ năm 2005 đã đầu tư trực tiếp cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó hai năm (2009-2010), UBND tỉnh cân đối vốn đầu tư cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội buôn đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 33 tỷ đồng, năm 2011 là hơn 24 tỷ đồng, số vốn này được cấp bổ sung cho các huyện, thị xã, thành phố để chủ động đầu tư phát triển hằng năm; ngoài ra còn nguồn hỗ trợ bổ sung cho xây dựng hạ tầng các buôn 29 tỷ đồng trong hai năm vừa qua và năm 2011 là 15 tỷ đồng...

Xã vùng 3 Ðác Phơi (huyện Lắc) đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình điện, đường, trường, trạm phục vụ dân sinh, đây chính là động lực giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Xã có 1.051 hộ, hơn 5.600 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 84,6%. Cái khó kìm hãm sự phát triển của Ðác Phơi trước đây là do phần đông bà con có tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất các loại cây trồng thấp, cộng với giao thông khó khăn, nên nông sản làm ra thường bị tư thương ép giá. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để tạo động lực ban đầu cho người dân có điều kiện vươn lên.
 
Từ năm 2005 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình 135, xã đã được đầu tư làm mới, nâng cấp 20 km đường giao thông nông thôn, trong đó có tám km đường nhựa đến trung tâm xã. Ðể việc làm đường thuận lợi, bảo đảm chất lượng, dựa vào quy hoạch được phê duyệt, địa phương đã tổ chức họp dân bàn bạc dân chủ, bình chọn thứ tự ưu tiên thi công trước các tuyến đoạn quan trọng, người dân được tham gia vào hội đồng giám sát, góp ý vào bản thiết kế và trực tiếp đảm nhận những phần việc thủ công. Không chỉ được đầu tư làm đường mà tất cả các hộ dân trong xã đều có điện thắp sáng, hệ thống trường học được kiên cố hóa và mở rộng phân hiệu. Bên cạnh đó, xã được đầu tư đắp đập thủy lợi buôn T’Lông, trạm bơm điện buôn Du Mah để phục vụ sản xuất.

Thực hiện Chương trình 132, 134 của Chính phủ, địa phương đã cấp đất ở, đất sản xuất cho 46 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với tổng diện tích 103,2 ha; xây dựng 290 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hơn 23.600 lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Ðồng chí Y Krang Jie, Chủ tịch UBND xã khẳng định, các chương trình, dự án đầu tư phát huy hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm từ 62% năm 2005 xuống còn hơn 44% năm 2009. Cuối năm 2010, Ðác Phơi là xã duy nhất của huyện Lắc được chọn làm điểm đầu tư xây dựng nông thôn mới, cùng sự đầu tư hỗ trợ kịp thời của Nhà nước chính là động lực để cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên.

Cư Pơng là vùng căn cứ cách mạng H5, xã Anh hùng của huyện Krông Búc, hiện có 18 thôn, buôn, 2.059 hộ, 10.811 khẩu, với bảy dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 57%. Những năm trước, đời sống của người dân còn nhiều hạn chế do canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đường sá đi lại khó khăn; năm 2004, toàn xã còn hơn 68% số hộ nghèo. Trước tình hình đó, Ðảng bộ xã đã chỉ đạo các đoàn thể, chi bộ thôn, buôn và cán bộ, đảng viên phải bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển đi lên. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 68% (năm 2004) xuống còn 13,4% (năm 2010), thu nhập bình quân tăng từ một triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/người/năm. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn xã đã nhựa hóa được 70% số trục đường liên thôn, 30% còn lại là đường cấp phối. Nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng như đập Ea Diêng, Ea Mur, với kinh phí bảy tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho hơn 2.319 ha cà-phê, 80 ha điều và hàng trăm ha hoa màu các loại.

Trong năm năm qua, các ngành chức năng ở tỉnh Ðác Lắc đã giúp cho 38.836 hộ nghèo được vay vốn với số dư nợ đến cuối năm 2010 là 442 tỷ đồng, riêng sáu tháng đầu năm 2011, giải quyết cho hơn mười nghìn hộ nghèo vay vốn với số tiền là 123 tỷ đồng, qua nguồn vốn đó, đồng bào đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống. Ðáng nói hơn là đồng bào nghèo đã thay đổi được nhận thức, chủ động hơn trong việc nâng cao trình độ sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài các nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh còn được giải ngân 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm (vốn 120) của Trung ương Hội. Nguồn vốn 120 đã tạo động lực, tiếp thêm sức cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ðó là những gam mầu sáng trong bức tranh tổng thể về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Nhìn lại công tác này, Tỉnh ủy Ðác Lắc nhận thấy, đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội tại các buôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chung có giảm, song tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao và chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Thời gian tới, Tỉnh ủy Ðác Lắc tiếp tục thúc đẩy phát triển thôn, buôn và ra Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Nguyễn Hồng/ Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất