Thứ Sáu, 20/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 22/9/2015 0:35'(GMT+7)

“Vầng trăng cổ tích” – Món quà Trung thu đặc sắc dành cho trẻ em nghèo

Ban Tổ chức Chương trình Vầng trăng cổ tích tặng quà cho học sinh trường mầm non Quang Hanh, Tp Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Ban Tổ chức Chương trình Vầng trăng cổ tích tặng quà cho học sinh trường mầm non Quang Hanh, Tp Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Để góp phần xã hội hóa công tác “Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em”, nhân dịp Tết Trung thu năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Nhà báo và Công luận, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội, Công ty Truyền thông Thiên Sơn tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 8, truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20h00 ngày 26-9-2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội trên:

  • Kênh số 128 hệ thống VTV Cab và Kênh số 30 analog
  • Kênh số 114 hệ thống SCTV Cab
  • Kênh số 71 hệ thống HTVC Cab
  • Kênh số 91 AVG
  • Kênh số 1 đầu thu KTS VTC
  • Kênh số 71 My TV
  • Kênh số 111 Next TV

    Đồng thời được tiếp sóng trực tiếp trên Kênh VOV TV trên hệ thống:

  • VTV Cab
  • Kênh số 52 AVG
  • HCA TV
  • Truyền hình Kỹ thuật số VTC…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vầng trăng cổ tích” được tổ chức thường niên nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí và ủng hộ vật chất để cùng Ban tổ chức mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng quà cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo nhân dịp Tết Trung thu.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 8 do Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn tài trợ Chính, đồng thời được nhiều cơ quan, doanh nghiệp đồng tài trợ. Tham gia biểu diễn nghệ thuật trong chương trình có NSUT Hồng Kỳ, Nghệ sĩ Mai Đình Tới, ca sỹ Phương Thảo, Ngọc Châm, Uyển My và Thiếu nhi TTVH Ba Đình. Đặc biệt, với tư cách là Đại sứ thiện chí của chương trình, đồng thời là người dẫn chương trình cùng với Thái Dũng, Hoa hậu Ngọc Hân và Thái Dũng sẽ đến với chương trình  trong bộ trang phục do tự tay Ngọc Hân thiết kế. Đó là chiếc áo dài và chiếc áo sơ mi mà cảm hứng sáng tạo được hình thành từ những bức tranh về chủ đề Trung thu của các em nhỏ ở Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từng được Hoa hậu Ngọc Hân dạy vẽ. Ngọc Hân tâm sự; “Tôi mong muốn làm được nhiều việc có ích cho xã hội, nhất là đối với trẻ em nghèo”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 8 được kết cấu thành 2 phần:

Phần 1: Những mảnh đời bất hạnh

Phần 2: Vầng trăng cổ tích

Ở phần 1: Thông qua phóng sự “Bệnh khô da sắc tố”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được biết đến hoàn cảnh éo le của bà Hà Thị Bén, dân tộc Mường ở xóm Mặc, xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ đã 71 tuổi mà chưa bao giờ được nhàn hạ tấm thân. Chồng mất sớm, một mình nuôi 11 đứa con nên nghèo khó cứ đeo đẳng cuộc đời bà như trò chơi định mệnh. Cuối năm 2012, anh Hà Văn Ất con trai bà Bén qua đời vì điện giật, đầu năm 2015, chị Hà Thị Nết, vợ anh Ất lại qua đời vì bệnh ung thư, để lại cho bà Bén hai đứa con bị bệnh hiểm nghèo là Hà Thị Nương và Hà Thị Cúc. Bà Bén cho biết, lúc mới sinh ra các cháu đều khỏe mạnh, nhưng hơn một tháng tuổi, trên cơ thể các cháu bắt đầu xuất hiện các vết thâm đen ở cổ, mặt, gáy, cánh tay và chân. Thống kê của y tế địa phương cho thấy, từ năm 1980 đến nay, địa phương này đã có 10 trường hợp mắc bệnh qua các thế hệ của 5 gia đình thuộc 2 dòng họ, trong đó có 8 trường hợp đã tử vong, chủ yếu là trước 20 tuổi.

Ngày 29-6-2015 Cục Y tế dự phòng (Bộ y tế) đã tổ chức đoàn công tác đến khảo sát các trường hợp mắc bệnh tại xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Kết quả khảo sát cho thấy, đây là trường hợp mắc bệnh “Khô da sắc tố” (có tên khoa học là Xeroderma Pigmemtosum) bệnh không lây và mang tính chất di truyền. Ở người mắc bệnh, các vùng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ bị tổn thương, rối loạn sắc tố. Bệnh có thể dẫn tới hậu quả ung thư da và tử vong.

Bệnh “Khô da sắc tố” của các bệnh nhân ở xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ cũng giống các bệnh nhân ở xã Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình. Chỉ khác nhau ở chỗ, 12 người mắc bệnh ở Mường Chiềng đều là nam, người sống lâu nhất là 30 năm, đến nay đã có 3 người chết. Đặc biệt những người mắc bệnh ở Mường Chiềng đều rất nặng, vai, lưng, cổ, mặt đều lở loét rất khó chịu. Bác sỹ cao cấp Tiến sỹ Nguyễn Duy Hưng (Bệnh viện Da Liễu) - Tổng Thư ký Hiệp hội Da liễu Việt Nam cho biết: Bệnh “khô da sắc tố” đã được phát hiện vào năm 1874. Tỷ lệ mặc bệnh ở châu Âu và châu Mỹ là 1-250.000 người, ở Nhật Bản là 1-40.000 người. Bệnh này có nguy cơ ung thư rất cao nên phải uống thuốc Retinoids để giảm nguy cơ. Hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này vì đây là bệnh di truyền gen lặn, yếu tố di truyền không biểu hiện ở ngoài da. Biểu hiện của bệnh đầu tiên là các chấm đỏ, sau chuyển màu thâm đen, sau đó da bị mất sắc tố chuyển sang màu trắng. Bệnh liên quan đến một số u tân sinh lành và ác tính ở một số vùng da hở. Do đó, hoàn toàn có thể xét nghiệm gen sớm để phát hiện bệnh và có liệu pháp chữa trị. Bệnh này 80% ảnh hưởng đến mắt (sợ ánh sáng mặt trời, viêm kết mạc, lộn mi, hủy hoại gây loét mi dưới, hỏng giác mạc) và 20% ảnh hưởng đến thần kinh (trì độn trí tuệ, điếc, tổn hại màng não, còi cọc, ốm yếu, suy dinh dưỡng). Do da rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời nên để khắc chế không cho bệnh phát triển, bệnh nhân phải tuyệt đối tránh ánh nắng mặt trời, phải hạn chế tối đa đi ra ngoài ánh nắng và chỉ nên đi vào lúc chiều tối. Nếu buộc phải đi thì phải bôi kem, mặc áo kín, đeo kính đen, đội mũ thật kín. Các khối u đã phát triển thì phải phẫu thuật, trường hợp nặng phải cấy ghép da. Ngoài ra, phải bảo vệ mắt như tắc tuyến lệ phải làm tuyến lệ nhân tạo, hỏng giác mạc phải cấy ghép giác mạc. Người mắc bệnh này có tỉ lệ bị ung thư rất cao, nguy cơ mù mắt rất cao, tâm sinh thần, trí tuệ kém phát triển. Vì vậy, phải xét nghiệm gen sớm để phát hiện bệnh và có biện pháp chữa trị. Căn bệnh này chỉ có thể “khắc chế” được, nếu bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu điều trị và dự phòng bệnh, nhưng kinh phí để chăm sóc đời sống, và tạo điều kiện ăn ở tốt cho bệnh nhân rất lớn, vì vậy cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Chúng tôi rời xóm Mặc khi trời đã xế chiều, cái xóm nhỏ ẩn mình bên con đường liên xã chỉ nhìn qua cũng biết cuộc sống của người dân ở đây còn bộn bề gian khó. Chiếc guồng nước cứ cần mẫn đưa dòng nước mát tưới vào đám ruộng bậc thang cầu mong một mùa vàng no đủ mà đâu biết được rằng, trong ngôi nhà nhỏ ở cái xóm Mặc kia đang có những đứa trẻ Hà Thị Nương, Hà Thị Cúc như mầm măng đang cố ngoi lên bước vào đời bằng tuổi thơ nhọc nhằn lam lũ.

Ở phần 2: Thông qua phóng sự “Bầu ơi thương lấy bí cùng” khán giả màn ảnh nhỏ lại được chứng kiến sự tàn phá của cơn lũ lịch sử ở Quảng Ninh cuối tháng 7-2015. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, những ngày cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh có mưa rất to ở TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn. Đây là trận mưa dài ngày lớn nhất trong vòng 40 năm qua ở Quảng Ninh. Hậu quả là toàn bộ TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả giao thông hoàn toàn tê liệt. Nhiều phường của TP. Hạ Long và P. Quang Hanh của TP. Cẩm Phả, Bản Sen của huyện Vân Đồn giao thông bị chia cắt do ngập lụt nặng nề, ở Bản Sen có nơi nước ngập sâu tới 10 mét. Tính đến chiều ngày 29-7, Quảng Ninh có 3.700 hộ dân bị ngập lụt, trong đó 43 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn, 57 ngôi nhà nước ngập đến nóc nhà, toàn tỉnh có 17 người thiệt mạng, (trong đó có 8 người của 1 gia đình), tổng thiệt hại khoảng 2000 tỷ đồng, trong đó ngành than thiệt hại khoảng 1000 tỷ đồng. Riêng ngành giáo dục của thành phố Cẩm Phả, hơn 40 ngôi nhà của giáo viên bị ngập sâu trong nước, 8 trường Mầm non, 3 trường Tiểu học, 1 trường THCS bị ngập có nơi sâu tới 2 mét, bùn đất dày đến 20cm. Nhiều trường học, thiết bị dạy và học bị hư hỏng nặng. Trường Mầm non Quang Hanh có 3 điểm trường đều bị ngập lụt, 7 phòng học bị hư hỏng, trong đó 2 phòng học của điểm trường ở Km12 có nguy cơ sập đổ phải xây dựng mới… tổng thiệt hại hơn 35 tỷ đồng.

Sau lũ lụt, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai tốn kém đến hàng chục tỷ đồng để giúp nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống. Với đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, vừa qua Ban tổ chức Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 8 đã đến thăm và tặng quà cho 800 học sinh Trường Mầm non Quang Hanh với số tiền 340 triệu đồng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự chia sẻ kịp thời của Chương trình “Vầng trăng cổ tích” là động lực tinh thần giúp giáo viên, học sinh Trường Mầm non Quang Hanh nỗ lực vươn lên thi đua “Dạy tốt, học tốt” “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Khi lũ lụt đã qua đi, và tiếng ve chẳng còn râm ran trong vòm lá báo hiệu những ngày hè đã hết và một năm học mới lại bắt đầu. Hôm nay Trường Mâm non Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh lại rộn ràng bước vào năm học mới. Sau lời khai giảng của cô Hiệu trưởng và tiếng trống khai trường rộn rã vang lên, là màn biểu diễn văn nghệ của các em học sinh làm cho ngày khai giảng năm học mới của Trường Mầm non Quang Hanh thật sự trở thành ngày hội tràn ngập niềm vui và tiếng cười con trẻ.

Làng Hữu Nghị Việt Nam hiện đang nuôi dưỡng 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam-dioxin với nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng nhiều nhất là thiểu năng trí tuệ. Các em là con của các cựu chiến binh từng chiến đấu trên các chiến trường mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Các em sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, nhưng hậu quả chiến tranh để lại cho các em là nỗi đau da cam có gia đình đã truyền sang thế hệ thứ 3. Các em là “người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Những phần quà của Chương trình “Vầng trăng cổ tích” tặng các em hôm nay là ngọn gió lành của lòng nhân ái xoa dịu nỗi đau giúp các em vươn lên trong cuộc đời còn rất dài phía trước.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm và sự quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trung thu nào Người cũng gửi thư cho các cháu bằng những lời tràn ngập yêu thương: “Trung thu trăng sáng như gương- Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng- Sau đây Bác viết mấy dòng- Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”… Giờ đây, tình cảm và sự quan tâm của Bác dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng đã trở thành trách nhiệm xã hội của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp “Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em”. Những phần quà và sổ tiết kiệm của các nhà tài trợ tặng cho trẻ em nghèo Trung thu này đã nhen lên niềm vui thật lớn, chắp cánh ước mơ cho các em bước vào đời trở thành người có ích cho xã hội.

Để giúp trẻ em nghèo được đón Tết Trung thu như bao bạn bè cùng trang lứa, thông qua Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 8, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo (mỗi ca 50 triệu đồng) cho 02 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; tặng 35 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 3 – 5 triệu đồng) cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng 50 suất học bổng (mỗi suất từ 1 – 2 triệu đồng) cho học sinh nghèo; tặng 1200 suất quà (mỗi suất 500.000đ) cho trẻ em nghèo với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.

Để góp phần xã hội hóa công tác “ Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, , tám năm qua, Chương trình “Vầng trăng cổ tích” đã hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo cho hơn 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng 800 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng 800 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng 8000 suất quà cho trẻ em nghèo trong cả nước nhân dịp Tết Trung thu với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Dưới đây là một số hình ảnh Ban Tổ chức Chương trình "Vầng trăng cổ tích" lần thứ 8 tặng sổ tiết kiệm và quả Trung thu cho các trẻ em nghèo và bị nhiễm chất độc da cam:

 

Ban Tổ chức tặng quà cho HS trường tiểu học Tây Tựu A, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.


 Ban Tổ chức tặng quà Trung thu cho các em bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hữu Nghị Việt Nam

 
Ban Tổ chức tặng quà Trung thu cho các em bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hữu Nghị Việt Nam

 
Em Hà Thị Nương và Hà Thị Cúc bị bệnh khô da sắc tố ở xóm Mạc, Thượng Cựu, Thanh Sơn, Phú Thọ

 
Người bị bệnh khô da sắc tố ở Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình

 
Nhà báo Nguyễn Văn Á tặng quà Trung thu cho HS trường mầm non Quang Hanh, Tp Cẩm Phả, Quảng Ninh.

 
Nhà báo Nguyễn Văn Á tặng sổ tiết kiệm cho hai em Hà Thị Nương và Hà THị Cúc 
 
Nhà báo Phùng Quốc Việt tặng quà Trung thu cho HS trường tiểu học Tây Tựu A, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất