Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/11/2012 23:4'(GMT+7)

Đại biểu Quốc hội được tiếp xúc cử tri ở địa phương khác

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo.

 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những điểm mới được đề cập trong kỳ họp này, đó là việc đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Đại biểu Quốc hội được phép tiếp xúc cử tri ở những nơi mình không ứng cử và cho phép đại biểu tiếp xúc cử tri càng nhiều càng tốt.

Bắt đầu từ 1-1-2013, cơ chế tài chính của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho đại biểu tiến hành tiếp xúc cử tri ở tất cả các địa phương. Và vì thế, trong kỳ họp tới, việc tiếp xúc cử tri theo hướng này sẽ được thực hiện. Với cách tiếp xúc cử tri mới này, đại biểu Quốc hội đồng bằng sẽ nắm được tâm tư của cử tri miền núi và ngược lại, nhờ thế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đại biểu Quốc hội trong việc biểu quyết thông qua các quyết sách liên quan đến các vùng miền, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đại diện Văn phòng Quốc hội cũng thông báo những kết quả hoạt động trong kỳ họp thứ 4 này. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới có xu hướng lan rộng, khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa lắng dịu. Tình hình trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Thực tiễn khách quan đã tác động không nhỏ đến nội dung hoạt động của chương trình nghị sự, bởi tại kỳ họp này Quốc hội phải tập trung xem xét, quyết định khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng.

Một trong những vấn đề được các phóng viên quan tâm là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người lấy phiếu tín nhiệm thấp có diễn ra trong cùng một kỳ họp hay không.

Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị; có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; có ý kiến của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hai năm liên tiếp.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra ngay trong kỳ họp mà người được lấy phiếu tín nhiệm rơi vào một trong các trường hợp trên, chứ không cần phải chờ đến kỳ họp sau mới bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước khi lấy phiếu tín nhiệm từ 10 đến 20 ngày, 49 đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo gửi Quốc hội để các đại biểu nắm thông tin. Trong quá trình đó, nếu đại biểu có ý kiến gì thì yêu cầu người lấy phiếu tín nhiệm giải trình trước Quốc hội.

Về câu hỏi thông tin kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có được công khai hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm thì sẽ có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, và thông tin về kết quả bỏ phiếu sẽ được công khai ở trong đó.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 1-1-2013 tới là bản đã bổ sung những ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý trong kỳ họp thứ 4 này. Vì thế, ngay sau bế mạc kỳ họp này, Ban chỉ đạo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ phải hoàn thiện dự thảo, lên kế hoạch về việc lấy ý kiến nhân dân.

ND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất