Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 21/5/2014 21:10'(GMT+7)

Đại biểu Quốc hội trông đợi những quyết sách mạnh mẽ hơn

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sau những con số được Chính phủ báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và bốn tháng đầu năm 2014 là những vấn đề đặt ra cho việc phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay để giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đó là tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, vấn đề bất động sản thời gian gần đây và việc bình ổn thị trường.

Chẳng hạn, chúng ta thấy rõ gần đây có sự biến động về giá chứng khoán, thị trường bất động sản chưa có nét khởi sắc đã ảnh hưởng đến xử lý nợ xấu, tổng cầu nền kinh tế. Việc nghẽn trong huy động vốn, tăng tín dụng khó khăn và giải ngân ngân sách, tăng bội chi để đầu tư có mục tiêu chưa có tích cực đáng kể.

Đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn việc phân tích về những vấn đề đặt ra trên và cần có quyết sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là củng cố niềm tin thị trường, ổn định tỷ giá, giá vàng và tâm lý của các doanh nghiệp hiện nay đồng thời phải ổn định tình hình các doanh nghiệp FDI trong biến động vừa qua.

Theo đại biểu, trong những năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng là nhờ doanh nghiệp FDI, do đó, những biện pháp cần thiết để giữ được nhịp độ tăng trưởng là cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp và thu hút FDI.

"Tôi mong rằng, kỳ họp này Quốc hội và Chính phủ sẽ có quyết sách mạnh mẽ hơn so với những giải pháp trong báo cáo," đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên, bốn tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của kinh tế thế giới suy thoái và những yếu kém của nội tại nền kinh tế đất nước, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế Việt Nam đã từng bước tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện biến động hiện nay, việc phấn đấu đạt được những chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2014 đề ra sẽ cần phải có sự nỗ lực rất nhiều của các cấp, các ngành và toàn đất nước.

Về sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hiện nay thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp. Tỉnh Phú Yên là tỉnh có số lượng ngư dân khá lớn và trong điều kiện hiện nay để khuyến khích ngư dân bám biển góp phần giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đại biểu mong rằng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nên nghiên cứu, điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải tạo, hoán đổi tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cải thiện đời sống ngư dân.

Ngoài ra, cùng với việc đẩy nhanh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quan tâm đánh giá tác động trực tiếp của các chính sách đối với nông nghiệp và nông dân, các ngành chức năng cần tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi; nghiên cứu lập Quỹ bình ổn giá nông sản, Quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất