Thứ Ba, 20/5/2014 21:15'(GMT+7)
Đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2012
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ đã được lập, thẩm định theo trình tự thủ tục quy định, đối chiếu khớp đúng với số liệu của Kho bạc Nhà nước, được kiểm toán nhà nước kiểm toán và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp
Chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe các tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các Báo cáo thẩm tra.
Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ đã được lập, thẩm định theo trình tự thủ tục quy định, đối chiếu khớp đúng với số liệu của Kho bạc Nhà nước, được kiểm toán nhà nước kiểm toán và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, được Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đã hội đủ yếu tố để trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2012 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.058.140 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013). Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỷ đồng). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước là 112.283 tỷ đồng; vay ngoài nước là 41.843 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng
Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 nhận định Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không nói riêng và của đất nước nói chung, khẳng định vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng không; là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống tổ chức của hoạt động hàng không dân dụng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể về vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không; quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung...
Trong tổng số 202 Điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 46 Điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8% tổng số điều của Luật.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật hàng không dân dụng lần này nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Để đạt được mục tiêu đó cần xác định rõ vai trò, yêu cầu phát triển hàng không dân dụng trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không dân dụng; xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động hàng không dân dụng.
Việc xây dựng, sử dụng sân bay, cảng hàng không cũng cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rõ thực trạng, từ đó có biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống sân bay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực.
Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định trong văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định và phù hợp với thực tiễn để quy định trong Luật, nhất là về các quy trình, thủ tục nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tính khả thi để công dân thực hiện quyền đã được Hiến pháp quy định; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước...
Đảm tính độc lập của hoạt động xét xử
Tờ trình dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhận định thực tiễn thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cho thấy tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân ở Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập. Chất lượng xét xử của các tòa án chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội...
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tổ chức tòa án, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Các tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay đang được tổ chức theo địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nên được coi là các tòa án địa phương; việc phân định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp tòa án còn chồng chéo và không phù hợp...
Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Việc xây dựng dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Dự thảo Luật gồm 11 chương, 80 điều.
Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra đánh giá dự án Luật có nhiều quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Ủy ban cơ bản, tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật, nhất là phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các Tòa án nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng Tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam./.
QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)