Thứ Năm, 28/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 27/8/2012 20:38'(GMT+7)

"Đại chiến" công nghệ và chiêu bài kiện tụng

Hai mẫu điện thoại di động Samsung và Apple được quảng cáo tại một cửa hàng ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Hai mẫu điện thoại di động Samsung và Apple được quảng cáo tại một cửa hàng ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Tòa án Liên bang Mỹ tại bang Ca-li-pho-ni-a ngày 24-8 chính thức ra phán quyết buộc hãng công nghệ Samsung của Hàn Quốc phải bồi thường cho Apple hơn 1 tỷ USD do vi phạm 6 bằng sáng chế của “Quả táo khuyết”. Cuộc chiến về bản quyền công nghệ lâu nay vẫn không lúc nào ngừng nóng bỏng và đằng sau những vụ kiện tụng nhiều "như cơm bữa", phải chăng là chiêu bài quảng cáo thương hiệu đang được các “ông lớn” trong ngành sản xuất điện thoại ưa chuộng?

Theo phán quyết của Tòa án Liên bang Mỹ, một số mẫu điện thoại và máy tính bảng của Samsung đã vi phạm bằng sáng chế của Apple liên quan đến màn hình cảm ứng, bắt chước giao diện… Phán quyết trên đã chính thức khép lại phiên tòa kéo dài trong gần một tháng giữa hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng là phiên tòa lớn nhất trong số các cuộc chiến bằng sáng chế với số tiền bồi thường kỷ lục trong lịch sử các phán quyết về bản quyền.

Sau khi chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với hãng điện tử Hàn Quốc, Apple đã đưa ra tuyên bố trên tờ Thời báo Niu Y-oóc: “Phiên tòa không chỉ là về bản quyền hay tiền bạc. Nó là về những giá trị - giá trị của phát minh và việc làm ra những sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi tạo sản phẩm để phục vụ khách hàng chứ không phải để cho các đối thủ sao chép. Đây sẽ là thông điệp rõ ràng cho các hành vi sao chép”.

Trong khi đó, Samsung lại cho rằng, phán quyết của Tòa án “là một tổn thất cho người tiêu dùng Mỹ” và sẽ dẫn tới việc có ít lựa chọn hơn và giá cả cao hơn đối với các khách hàng trong lĩnh vực điện thoại di động thông minh. “Thật không may là luật bản quyền lại bị xuyên tạc để giúp một công ty có được vị thế độc quyền đối với những công nghệ mới, những công nghệ mà Samsung và các công ty khác cũng góp phần phát triển hằng ngày” - Samsung phản bác trong một tuyên bố bằng văn bản.

Cách đây không lâu, Apple cũng đã “dính” một cuộc chiến pháp lý về bản quyền khác khi Motorola nộp đơn kiện Apple và yêu cầu tòa án thi hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm di động của “Quả táo khuyết” do đã vi phạm một số công nghệ của Motorola như ứng dụng thông báo email, nhắc nhở địa lý, ứng dụng nghe nhạc, xem phim và gọi điện. Trước đó, Apple lại là hãng đâm đơn kiện Motorola với cáo buộc vi phạm một số bằng sáng chế của iPhone.

Đều là những “ông lớn” về công nghệ trong một môi trường đầy tính cạnh tranh như ngành sản xuất điện thoại di động, kiện tụng có thể vẫn được xem là vũ khí hiệu quả để các hãng thực hiện những cuộc bứt phá, khẳng định thương hiệu của mình đồng thời đẩy lùi đối thủ.

Chưa cần biết thực hư những vụ kiện đó ra sao, được mất thế nào, nhưng nhãn tiền vẫn là lợi ích về mặt truyền thông, tôn vinh thương hiệu. Bởi, kiện tụng chính là một cách quảng cáo hiệu quả, giúp các hãng điện thoại di động trở thành trung tâm của báo giới và truyền thông. Cách kiện tụng rùm beng đã và đang khiến dư luận hướng mắt dõi theo và chắc chắn, các thương hiệu này sẽ được chú ý đến nhiều nhất.

Cứ nhìn vào vụ Apple-Samsung nói trên sẽ thấy, thương hiệu của hai hãng này đã được “đánh bóng” như thế nào nhờ một khối lượng khổng lồ giấy mực mà báo chí đã bỏ ra. Không hẳn là một kế hoạch được sắp đặt từ A đến Z, nhưng biết đâu, đó cũng là một phần trong chiến lược quảng cáo thương hiệu của những đại gia công nghệ trên thế giới.

Từ đó để thấy, trong các cuộc khẩu chiến liên quan đến bản quyền công nghệ ngày một phổ biến giữa các hãng điện thoại di động, vẫn đang ẩn chứa một cuộc chiến truyền thông khác. Nhưng cho dù những chiêu bài quảng cáo đó có tinh vi như thế nào thì tên tuổi và giá trị đích thực của mỗi sản phẩm, dù sản xuất bởi Samsung, Apple hay của những hãng ít tiếng tăm hơn, sẽ chỉ được quyết định nhờ vào sự nhìn nhận và đánh giá khách quan của người tiêu dùng./.

(Vũ Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất