Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 25/8/2012 8:44'(GMT+7)

Du lịch tàu biển: Chưa khai thác đúng tầm

Khách Quốc tế tham quan Vịnh hạ Long trên một con thuyền du lịch khá... tuềnh toàng!

Khách Quốc tế tham quan Vịnh hạ Long trên một con thuyền du lịch khá... tuềnh toàng!

Nước ta có hơn 3.200 km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam với 125 bãi biển đẹp, hơn 3000 đảo lớn nhỏ. Du lịch biển đảo Việt Nam cũng được nhiều du khách quốc tế biết đến với những điểm đến hấp dẫn như vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô - được ghi danh vào CLB những vịnh đẹp nhất thế giới hay các bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu… Theo đánh giá của một số chuyên gia, biển Việt Nam có đầy đủ “3S” (sun - ánh nắng mặt trời, sea - biển trong xanh, sand - bãi cát đẹp, mịn) dễ làm say lòng du khách quốc tế. Hầu hết các hãng lữ hành quốc tế ở nước ta đều giới thiệu, hướng dẫn, tổ chức cho du khách quốc tế đi tham quan, nghỉ mát, thưởng ngoạn tại các địa danh du lịch biển mỗi khi đặt chân đến Việt Nam.

Tiềm năng du lịch biển rất lớn, nhưng vẫn chưa được “đánh thức” và đầu tư khai thác một cách đúng mức. Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, một trong những đơn vị nhiều năm qua tổ chức các tua du lịch tàu biển cho du khách quốc tế, cho biết: Phần lớn du khách nước ngoài đến nước ta bằng đường tàu biển nhưng khi cập cảng lên bờ, họ chỉ đi tham quan với thời gian ngắn trên đất liền rồi tiếp tục hành trình đến nước khác. Việt Nam chưa trở thành điểm giao khách đến, tiễn khách đi như một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Nếu chỉ khai thác du lịch tàu biển ở “dạng thô” như vậy, du lịch tàu biển Việt Nam khó có thể mang lại hiệu quả bền vững.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là dọc tuyến bờ biển của nước ta chưa đầu tư xây dựng một cảng chuyên dụng nào dành riêng cho tàu du lịch. Thời gian qua, các tàu biển chở khách vào Việt Nam phải cập bến và neo đậu nhờ tại các cảng hàng hóa. Mà nói đến loại cảng này thì thiếu đủ thứ, từ chỗ nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, trạm điện thoại, cửa hàng miễn thuế, quầy bán hàng lưu niệm đến các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí… cho du khách. Một trung tâm du lịch tầm cỡ như TP Hồ Chí Minh, du lịch tàu biển cỡ lớn cũng không thể cập cảng Nhà Rồng, mà phải đậu ở các cảng xa làm cho du khách tốn không ít thời gian mới di chuyển được vào trung tâm thành phố. Các trung tâm du lịch lớn khác của nước ta như Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… cũng nằm trong tình trạng tương tự như vậy.

Có thể xây dựng thương hiệu du lịch tàu biển Việt Nam?

Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi Việt Nam không chỉ giàu tiềm năng và có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển đảo, mà xu hướng khách quốc tế tham gia loại hình du lịch này ngày càng tăng. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, 3 năm trở lại đây, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển liên tục tăng, trong đó 7 tháng đầu năm 2012 đã có gần 38.000 lượt khách, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2011. Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách đến bằng đường biển, doanh thu từ du lịch tàu biển sẽ chiếm 10% tổng số doanh thu toàn ngành (hiện nay là 3-4%).

Tuy vậy, muốn biến mục tiêu trên thành hiện thực, theo các chuyên gia, ngành Du lịch và các địa phương có lợi thế về du lịch biển phải chú trọng đầu tư nhân tài, vật lực để xây dựng thương hiệu từ chính nội lực. Nhưng Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quy hoạch cũng như hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch biển, đảo.

Từ góc độ của một nhà quản lý, ông Nguyễn Huyên, Phó tổng giám đốc Công ty Saigontourist cho biết: Đối với các doanh nghiệp du lịch, phải đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo gắn với văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, phải chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch biển vừa có sức khỏe tốt, nghiệp vụ, kỹ năng giỏi, vừa thông thạo ngoại ngữ, say mê yêu nghề để làm tốt vai trò là “nhịp cầu nối thân thiện” với du khách quốc tế.

Theo ông Kelvin, Giám đốc khu vực châu Á Hãng tàu biển quốc tế Royal Caribean (Xin-ga-po), Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu biển lớn trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có thể nối tuyến du lịch trên biển với Xin-ga-po với tần suất mỗi tuần khoảng 2 chuyến, mỗi chuyến 3.600 khách. Tuyến khai thác du lịch tàu biển chính ở Việt Nam sẽ là Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Khách du lịch đường biển có mức chi tiêu cao, vì thế du lịch tàu biển có thể mang lại nguồn thu lớn. Nhưng muốn khai thác có hiệu quả du lịch đường biển, Việt Nam cần phải đầu tư nâng cấp hạ tầng, các dịch vụ du lịch cao cấp, nhất là cảng tàu du lịch chuyên dụng./.

(Theo: Huyền Anh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất