Trước việc Nguyễn Đức Kiên, nhân vật có liên quan đến một số ngân hàng cổ phần, bị bắt, nhiều người đã hốt hoảng thái quá và hệ quả là chuốc lấy những thiệt hại không nhỏ.
Sự hốt hoảng thái quá
Rõ nhất và lớn nhất trước hết là thị trường chứng khoán. Chỉ với 3 phiên lao dốc (21, 22, 23/8), VN-Index đã giảm từ 437,4 điểm xuống còn 392,8 điểm, tức là giảm 44,6 điểm, hay giảm 10,2%; HNX-Index giảm từ 70,7 điểm xuống còn 61,2 điểm, tức là giảm 9,5 điểm, hay giảm 13,4%. Đó là tốc độ giảm chung.
Đối với một số mã cổ phiếu còn giảm cao hơn tốc độ giảm chung. Giá trị giao dịch cũng bị sụt giảm mạnh. Giá trị vốn hoá thị trường cũng bị sụt giảm mạnh.
Bị giảm với tốc độ 2 chữ số chỉ trong 3 phiên cả về điểm số, cả về giá trị giao dịch, cả về giá trị vốn hoá thị trường là một hiện tượng chưa từng xảy ra trong hơn 12 năm ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là sự thiệt hại lớn đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cũng là sự thiệt hại của các công ty niêm yết – quan trọng hơn là tác động tiêu cực đối với tâm lý, đối với lòng tin trên thị trường.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ giá xuống để đẩy mạnh mua ròng, một số nhà đầu cơ trong nước tranh thủ làm giá, lướt sóng. Còn phần lớn các nhà đầu tư theo đám đông lại hoảng hốt bán tháo.
Một sự biến động lớn khác là thị trường vàng. Giá vàng SJC ngày 23/8 đã ở mức 44,7 triệu đồng/lượng, tăng hơn 2,08 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước, tương đương tăng 4,9%. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã tăng từ 1 triệu đồng/lượng trước đó lên trên 2 triệu đồng /lượng.
Sự tăng giá vàng ở trong nước do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do giá vàng thế giới tăng mạnh, từ dưới 1600 USD/ounce, vượt qua mốc này với nhiều phiên liên tiếp và hiện đã ở mức 1668 USD/ounce – cao nhất trong 5 tháng qua, do đồng USD giảm giá (hiện USD-Index xuống mức 81,61 điểm), do chứng khoán Mỹ lên cao nhất trong 4 năm qua, do giá các hàng hoá khác tăng đáng kể, do các nhà đầu tư vàng đẩy mạnh mua vào (quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust từ đầu tháng 8 đến nay đã mua ròng hơn 33 tấn),… Có nguyên nhân do thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, người dân rút tiền ở các kênh khác dồn tiền để “trú ẩn” vào vàng,…
Một sự biến động lớn nữa là người dân đi rút tiền tiết kiệm gửi ngân hàng mặc dù chưa đến hạn, nhất là những ngân hàng thương mại có tin đồn Nguyễn Đức Kiên là thành viên hoặc có đầu tư.
Những bài học cần thiết
Có nhiều bài học được rút ra từ sự bất ổn trên một số thị trường mấy ngày qua, nhưng có thể phân thành 3 nhóm. Đó là sự phòng ngừa; nhà đầu tư, người dân; các biện pháp xử lý khi xảy ra.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đảm bảo an toàn hệ thống không chỉ cho ACB mà còn cho toàn hệ thống trên cả nước, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất có thể để ACB vượt qua khó khăn hiện nay. |
Sự phòng ngừa là hết sức cần thiết, không bao giờ thừa, không bao giờ được chủ quan thoả mãn, bởi trong điều kiện của kinh tế thị trường chưa đầy đủ, lại mở cửa hội nhập trong thời toàn cầu hoá, đặc biệt khi thế giới biến động phức tạp khó lường như hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Cơ cấu lại là đúng hướng và cần thiết để chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững, nhưng cần hết sức đề phòng sự lợi dụng để thôn tính, thâu tóm của các nhóm lợi ích.
Sự phòng ngừa quan trọng là việc minh bạch, công khai và tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, bởi nếu công tác này mà yếu kém, thì đây là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích lợi dụng.
Nhà đầu tư, người dân cần bình tĩnh tránh hốt hoảng thái quá, bởi nếu không sẽ gây ra hai hiện tượng. Hiện tượng thứ nhất là bản thân thường chuốc lấy thiệt thòi. Bình thường thì đầu tư theo đám đông, theo phong trào nên khi có sự biến động, thì phát sinh bán tháo – đã tranh mua ở “đỉnh” trước đây, nay lại tranh bán ở “đáy” – thua lỗ lớn là điều hiển nhiên. Hiện tượng thứ hai là tạo sóng cho các nhà đầu cơ làm giá, “cá mập” thu lợi, thâu tóm,. còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì lĩnh đủ…
Việc xử lý khi hiện tượng xảy ra, nếu không tốt sẽ vừa tốn kém về kinh tế để khắc phục hậu quả, vừa kéo dài, vừa tác động xấu đến lòng tin mà phải mất nhiều công sức, thời gian mới xây dựng được. Thời gian qua, ngay khi có sự biến động, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều biện pháp khẩn cấp để xử lý và bước đầu đã chặn được sự “hoảng hốt” thái quá.
Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã có những khuyến cáo và có một số biện pháp để ổn định tâm lý cho thị trường. Kết quả thị trường chứng khoán đã đảo chiều vào ngày thứ Sáu (24/8). VN-Index đã tăng 1,76%, HNX tăng 3,07%. Giá trị giao dịch đã đạt 1716,3 tỷ đồng, cao gần gấp đôi ngày hôm trước. Đáng lưu ý các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, nhưng giá trị thấp hơn, trong khi các nhà đầu tư trong nước mua bán mạnh hơn. Lực mua mạnh diễn ra ở nhiều mã, trong đó có các mã ngân hàng, như ACB, VCB, MBB, CTG, STB. Tuy nhiên vẫn cần có nhiều biện pháp để hồi phục thị trường chứng khoán một cách bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp để chặn cơn sốt vàng. Ngày 23/8 đã có 2 văn bản (Quyết định 1623/QĐ-NHNN và Thông tư 24/TT-NHNN) nhằm ổn định thị trường vàng, trong đó khẳng định độc quyền vàng miếng thuộc về nhà nước và sẵn sàng xem xét cho phép các tổ chức tín dụng vay, cho vay vàng để bảo đảm thanh khoản. Giá vàng thực tế đã chững lại và giảm xuống gần 1 triệu đồng/lượng.
Đối với người dân đang tiền gửi tại các ngân hàng, cần phải nắm bắt chủ trương của đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là “trong giai đoạn hiện nay, không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát”. Trả lời báo chí vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, khi có một ngân hàng gặp sự cố thì tất cả các ngân hàng phải cùng hỗ trợ và Ngân hàng Nhà nước cũng phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Với các giải pháp tích cực, các thị trường đã dần ổn định trở lại. Nhưng đó là kết quả bước đầu. Chưa thể chủ quan thoả mãn mà cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng hơn là có các biện pháp căn cơ để ổn định vững chắc./.
Chinhphu.vn