Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 21/4/2016 10:13'(GMT+7)

Đại hội Đảng Cuba thông qua định nghĩa về mô hình CNXH

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Raul Castro tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII, ở La Habana ngày 19/4. (Nguồn: THX/TTXVN)

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Raul Castro tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII, ở La Habana ngày 19/4. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tiếp nối những chuyển biến tích cực được thực hiện từ đại hội khóa trước, đại hội lần này không chỉ tái khẳng định hướng đi xã hội chủ nghĩa có tính tất yếu tại đảo quốc Caribe, mà còn vạch ra lộ trình và mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như xây dựng đất nước lên một tầm cao mới. Đại hội đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội của “Hòn đảo Tự do."

Ngoài việc bỏ phiếu bầu các ứng cử viên trẻ tuổi vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, việc Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Raúl Castro được bầu lại vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Cuba và ông José Ramón Machado tiếp tục giữ vị trí Bí thư thứ hai thể hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Cuba chú trọng sự kế thừa trong quá trình cải cách và trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. 142 Ủy viên Trung ương khóa mới có tuổi đời trung bình là 54,5 tuổi. 

Chủ tịch Castro đã khẳng định rằng: “5 năm tới là giai đoạn bản lề, song chắc chắn đây không phải là một tiến trình vội vàng.” Giới chức Cuba cũng hy vọng những nhân tố trẻ tuổi sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho những quyết sách phát triển đất nước Cuba trong giai đoạn tiếp theo, góp phần giúp chèo lái đất nước vượt qua những thử thách trước mắt và lâu dài.

Một trong những kết quả nổi bật của đại hội lần này là các đại biểu đã thông qua 5 nghị quyết về 5 báo cáo đã được trình trước đại hội trong phiên toàn thể đầu tiên và 4 phiên họp nhóm sau đó. Đáng chú ý nhất là việc đại hội thông qua nghị quyết “Định nghĩa mô hình kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa của Cuba" - nội dung có tính lý luận nhất trong số các chủ đề thảo luận của đại hội. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Cuba tìm kiếm một định nghĩa chính xác cho mô hình phát triển kinh tế-xã hội mà quốc gia này theo đuổi. 

Văn kiện này đã thể hiện một cách tổng hợp những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội Cuba, dựa trên nhân phẩm, bình đẳng và tự do hoàn toàn của con người, song song với việc vạch rõ những chuyển biến chính cần có để phù hợp với khoảnh khắc lịch sử. 

Bí thư thứ nhất Raul Castro nhận định “những văn kiện lần này bao hàm các vấn đề rộng lớn và phức tạp, và sẽ đánh dấu hướng đi của tiến trình cách mạng Cuba, của Đảng Cộng sản và xã hội Cuba trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững, có liên quan chặt chẽ với nhau."

Trong bối cảnh đất nước Cuba đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, giới phân tích nhận định công cuộc xây dựng đất nước sắp tới của nhân dân Cuba còn nhiều thách thức và chông gai, cả trên phương diện đối nội và đối ngoại.

Về đối nội, một trong những thách thức đang đặt ra đối với Cuba là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách có hiệu quả với tốc độ được đẩy mạnh. Không thể phủ nhận sau gần 5 năm triển khai các nghị quyết Đại hội Đảng VI, kinh tế Cuba đã có nhiều khởi sắc. 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những thành công về kinh tế-xã hội trong thời gian qua vẫn còn khiêm tốn và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh của đất nước. 

Đánh giá tổng thể trong 5 năm qua, nhiều biện pháp cải cách của Cuba mới chỉ là bước tiến nhỏ và kết quả của các cải cách chưa thực sự tạo sức bật cho nền kinh tế. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với công cuộc phát triển kinh tế chính là việc chưa thể thống nhất hệ thống "tiền tệ kép" phức tạp, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của nền kinh tế. Việc loại bỏ hệ thống này là một nhiệm vụ đầy thách thức, bởi có thể tác động đến sự ổn định tiền tệ, cán cân tài chính và sự bất bình đẳng. 

Ngoài ra, Cuba cũng cần giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng tài chính hợp lý, kiểm toán minh bạch và những đảm bảo về pháp lý để thu hút vốn nước ngoài chảy vào nước này, từ đó phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế.

Những yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Cuba. Ngoài nguyên nhân chủ yếu do lệnh cấm vận kinh tế hà khắc của Mỹ chưa hoàn toàn được dỡ bỏ, tình hình kinh tế không mấy sáng sủa do giá dầu thế giới giảm cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế quốc đảo này.

Trong bối cảnh Chính phủ Cuba coi năm 2016 là năm cốt lõi để tăng hiệu quả trong chi tiêu công và hưởng lợi từ xu hướng giá cả toàn cầu ở mức thấp, La Habana cần cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và sử dụng nguồn lực hiện có một cách hợp lý.

Ngoài những thách thức về phát triển kinh tế trong nước, Cuba cũng phải cảnh giác trước các mối đe dọa bên ngoài. Ngành ngoại giao Cuba đã rất năng động trong 5 năm qua, mà thành quả là việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ và xúc tiến cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu. Với Cuba, bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường bên ngoài lành mạnh cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong bối cảnh tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế đang diễn ra ở đảo quốc Caribe này cần có sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và năng lượng từ bên ngoài. 

Tuy nhiên, tại đại hội, Chủ tịch Raul Castro cảnh báo rằng các ý định của Washington với La Habana vẫn không thay đổi, cho rằng "mục tiêu của Mỹ vẫn giữ nguyên và chỉ có phương pháp là thay đổi." 

Do đó, giới phân tích cho rằng thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Cuba đối với Mỹ chính là hợp tác để phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, nền độc lập, hệ thống chính trị và mô hình xã hội chủ nghĩa mà La Habana kiên định theo đuổi. Cuba cũng cần nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch tuyên truyền và vận động chính trị rộng lớn đối với toàn dân, đặc biệt là giới trẻ, để có thể cân bằng mục tiêu phát triển đất nước, song vẫn đảm bảo giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với những thách thức trong quá trình xây dựng đất nước, nhân dân Cuba anh em còn rất nhiều việc phải làm để đưa đất nước đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, kiên cường và bền bỉ của một dân tộc anh hùng cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Cuba, "Hòn đảo Tự do" nhất định vượt qua những chông gai, thử thách để đưa đất nước phát triển và bước vào kỷ nguyên mới, như khẳng định của lãnh tụ Fidel Castro, "tư tưởng người Cộng sản Cuba sẽ còn mãi, nếu các bạn lao động chăm chỉ và giữ gìn phẩm giá, các bạn có thể tạo ra mọi thứ mà con người cần"./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất