Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và hành chính của cả nước, vì vậy, xây dựng Thủ đô đẹp là xây dựng hình ảnh cho đất nước.
Xác định được tầm quan trọng đó, công tác quy hoạch luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhất là khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Qua nhiều thế hệ lãnh đạo, tiêu chí chỉ đạo xuyên suốt là “làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch,” nhằm nâng cao tầm vóc Thủ đô, khẳng định vai trò đô thị quan trọng của cả nước, có sức hút và tác động với khu vực, cũng như giải quyết những tồn tại của đô thị hiện có.
Hoàn thiện tầm vóc Thủ đô
Hà Nội sau khi quy hoạch đã trở thành một đô thị rộng lớn với diện tích 3.3446,6 km2, quy mô dân số khoảng 6,7 triệu người. Với tầm vóc và vị thế mới, những người làm quy hoạch Hà Nội đã bắt tay vào việc tái thiết một hình ảnh Thủ đô với diện mạo mới, văn minh-hiện đại.
Cách đây hơn 10 năm, Thủ đô còn có những ngôi nhà thấp nhỏ, sập sệ, đồng ruộng sình lầy... Hiện nay, bộ mặt đô thị Hà Nội đã được thay đổi rõ rệt. Nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại mọc lên như: Trung Hòa-Nhân Chính, Linh Đàm, Mỹ Đình, Royal City, Vincom Long Biên, Time City... hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối, đường vành đai 3, đường sắt đô thị, hệ thống xử lý thoát nước được triển khai theo quy hoạch.
Đặc biệt, hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội đã được cải thiện từng bước, với việc mở ra những đại lộ lớn: Pháp Vân-Cầu Giẽ, Thăng Long-Nội Bài, Láng-Hòa Lạc, đường 5 kéo dài, đường Võ Nguyên Giáp... hệ thống cầu vượt sông Hồng liên tiếp được xây dựng tạo ra hình ảnh của một thành phố hai bờ sông Hồng sầm uất và tráng lệ.
Để hoàn thiện hơn quy hoạch chung của Thủ đô, từ năm 2008 đến nay, thành phố Hà Nội đã triển khai cụ thể hóa hàng trăm đồ án quy hoạch như: quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cây xanh công viên... Qua việc hoàn thiện quy hoạch, Hà Nội lần đầu tiên có quy chế về quy hoạch kiến trúc chung, góp phần quản lý, giải quyết những bất cập của đô thị Hà Nội; có một số đô thị vệ tinh mới; khu chức năng để phát triển công nghiệp, giáo dục, y tế; khu đô thị hành lang xanh.
Thực hiện theo quy hoạch, nhiều tuyến đường, công trình được mở ra, tạo bộ mặt thành thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Điển hình như việc tạo lập tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Nhật Tân-Nội Bài đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương phía Bắc Thủ đô.
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh vui mừng chia sẻ, việc đầu tư mở tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Nhật Tân-Nội Bài qua địa phương đã tạo động lực mới giúp các địa phương phía Bắc Thủ đô phát triển. Hai bên tuyến đường đã được quy hoạch xây dựng nhiều đô thị cao tầng, trung tâm tài chính, trung tâm giới thiệu nông sản... Đó sẽ là cơ hội đổi đời cho người dân địa phương từ việc thực hiện các công tác hậu cần cho trung tâm thương mại, tài chính ở hai bên đường; đồng thời kéo theo sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận.
Có thể thấy, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch kiến trúc của Thủ đô luôn gắn chặt và góp phần to lớn vào sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, ở góc nhìn gần, đô thị Hà Nội vẫn còn không ít những bất cập như: Thiếu sân chơi, vấn đề bảo tồn khu nhà cũ, nhà cổ, quản lý các đô thị mới, tăng dân số cơ học, ô nhiễm môi trường... đang là những thách thức cho người làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch của Thủ đô.
Hài hòa giữa mới và cũ
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.
Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đây sẽ là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước.
Về những giải pháp để phát triển đô thị trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, về nguyên tắc chung, thành phố Hà Nội chỉ đạo phải đảm bảo đô thị phát triển bền vững giữa bảo tồn chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử với việc xây dựng các đô thị mới, giữa khu đô thị và nông thôn; giữ gìn và phát huy các giá trị tiêu biểu của các khu vực hình thái đặc thù của Thủ đô.
Ông Nguyễn Thế Hùng, giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết thêm, hàng năm, trên cơ sở quy hoạch các quận, huyện, thị xã, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội đều báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch nhằm đảm bảo với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, để kiểm soát đô thị bền vững, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc xác định chức năng sử dụng đất, mà còn quy định cụ thể các hình thái không gian cho từng khu vực, nhằm phát huy những giá trị cảnh quan, đặc trưng của mỗi vùng miền, khi thực hiện quy hoạch cho các địa phương.
Bằng tình yêu thiết tha với Thủ đô Hà Nội, mong muốn Thủ đô có sự khác biệt trong quy hoạch, ông Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, trong quá trình quy hoạch và quản lý quy hoạch cần tạo ra gương mặt đô thị Hà Nội có nét riêng trong hình ảnh chung của đất nước.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Lê Văn Lân cũng chỉ rõ, Hà Nội đáng yêu là bởi có không gian đô thị đặc trưng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa ẩn mình trong cảnh quan sông hồ dài rộng... Bởi thế, trong quá trình làm quy hoạch những người làm quy hoạch phải đảm bảo hài hòa giữa yếu tố bảo tồn và phát triển...
Bên cạnh những công trình hiện đại thì Hà Nội cũng cần có thêm nhiều Đường Lâm, Kiêu Kỵ, Bát Tràng để giữ lại những bản sắc, nền tảng của hoạch định chiến lược, tạo lập những không gian đô thị, mang dấu ấn riêng biệt.
Ở góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội đặt vấn đề, Hà Nội cần quan tâm quy hoạch những điểm vui chơi công cộng. Trên thực tế, Hà Nội rất thiếu những “phòng khách đô thị”. Bởi, quảng trường không chỉ là nơi để mít tinh mang tính chính trị mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng... Nếu phù hợp hơn, tại những khu đô thị lớn như: Mỹ Đình, Bắc Thăng Long, có những quảng trường rộng lớn để người dân có chất lượng sống tốt hơn.
Ông Phạm Hùng Cường nhận định, cũng có thể người làm quy hoạch đã thiết kế ra những quảng trường, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng đủ to đẹp, nhưng khi thực tế triển khai, các cấp chính quyền, nhà đầu tư lại thực hiện nhỏ đi để dành đất cho những dự án nhà cao tầng, sinh lời hơn, dẫn đến việc lập quy hoạch và thực hiện không đồng nhất, tạo bộ mặt đô thị có sự khấp khểnh.
Nhìn ở góc độ đầu tư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để đô thị Hà Nội phát triển đẹp, hiện đại không chỉ cần một đồ án quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh, mà cần có một nguồn lực tài chính đủ lớn để biến quy hoạch thành hiện thực. Theo tính toán, Hà Nội cần khoảng 100 tỷ USD để thực hiện quy hoạch trong 20 năm tới.
“Trước hết thành phố Hà Nội cần đa dạng hóa và huy động nguồn lực kết hợp hài hòa giữa nguồn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa vốn vay thương mại từ các tổ chức ngân hàng quốc tế. Thêm nữa, Hà Nội cần chủ động và đề xuất nguồn tài chính thông qua cơ chế chính sách kích thích thu hút nguồn vốn FDI để đầu tư cho triển khai các quy hoạch,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Hy vọng với tình yêu Thủ đô, với những yêu cầu mới, thách thức mới được quan tâm giải quyết, những người làm quy hoạch và quản lý quy hoạch của Thủ đô sẽ tạo ra diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội theo hướng: Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại./.
Theo TTXVN