Như đã được khẳng định nhiều lần qua các nguồn phát ngôn chính thống,
đây sẽ là Đại hội Đảng cuối cùng mà thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc
Cách mạng 1959 dẫn dắt, và quan trọng nhất là vạch ra lộ trình và mục
tiêu cụ thể cho giai đoạn phát triển đất nước sắp tới qua việc đánh giá
toàn diện những kết quả đạt được trong quá trình Cập nhật mô hình kinh
tế-xã hội được triển khai trong 5 năm qua, đưa ra sự khẳng định bằng
thực tiễn con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa mà mình đã chọn lựa.
Có thể nói Đại hội Đảng VI năm 2011 chính là cột mốc định hướng con
đường phát triển của Cách mạng Cuba trong giai đoạn lịch sử mới, thông
qua việc thể chế hóa những thay đổi trong mô hình kinh tế và tham vấn
toàn dân để đạt đồng thuận cao về hướng đi ấy.
Trong 5 năm qua, Cuba đã tiến “không ngừng, nhưng không vội” - như khẩu
hiệu mà Chủ tịch Raul Castro đã đề ra - với việc cấp phép và tạo điều
kiện bước đầu cho các hợp tác xã phi nông nghiệp tự quản và các thành
phần kinh tế tự doanh phát triển và thay thế một số doanh nghiệp nhà
nước đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng ăn uống hay vận
tải công cộng, tinh giảm biên chế nhà nước, ban hành Luật Đầu tư, xây
dựng Đặc khu phát triển Mariel - nơi có cảng biển nước sâu duy nhất của
Cuba hiện tại - nhằm biến nơi đây thành điểm thu hút đầu tư, công nghệ
nước ngoài chính và đầu tầu phát triển kinh tế đất nước.
Trong khi đó, sự thận trọng được thể hiện qua việc hoãn thống nhất hai
đồng tiền peso nội tệ và peso chuyển đổi do tác động to lớn có thể có
đối với hệ thống kinh tế và đời sống của người dân, chưa xóa bỏ chế độ
tem phiếu do ảnh hưởng có thể có đối với những thành phần xã hội nhạy
cảm nhất hay buộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải ký hợp đồng
lao động với công dân Cuba qua cơ quan trung gian nhà nước để đảm bảo
không có hiện tượng bóc lột.
Về khía cạnh xã hội, Cuba đã khẳng định sẽ duy trì và củng cố hệ thống y
tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí, đầy tính nhân văn và chất lượng cao
của mình, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Hướng đi đó không hề dễ dàng, như nhận định của nhật báo Granma trong
bài xã luận mới ra gần đây: “Vì đây không phải là một thử nghiệm trong
lồng kính khử trùng, mà là những chuyển đổi cốt lõi của cả một xã hội
với quyết tâm không thể lay chuyển là không áp dụng những liệu pháp sốc
của các nước tư bản và không được bỏ mặc bất cứ thân phận trong xã hội.
Và tất cả những điều đó phải tiến hành trong bối cảnh khủng hoảng kinh
tế quốc tế và trong cuộc bao vây cấm vận độc hại và hiện hữu trong mọi
khía cạnh đời sống đất nước.” Nhưng đó là con đường mà Đảng Cộng sản
Cuba đã xác định theo ý chí và với sự ủng hộ của tuyệt đại đa số người
dân.
Hướng đi đã được xác định, nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần này sẽ là xác
định “tốc độ” cần có của quá trình Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội, để
làm sao “đoàn tàu cách mạng” Cuba vừa không bị tụt hậu với những đổi
thay của thời đại, vừa không bị đẩy nhanh quá mức tới ngoài tầm kiểm
soát và “mất lái”. Để thực hiện nhiệm vụ then chốt này, gần 1.000 đại
biểu dự Đại hội sẽ phân tích, thảo luận và biểu quyết thông qua 6 văn
kiện chính, trong đó bao gồm các nội dung đánh giá lại thực trạng kinh
tế Cuba giai đoạn 2011-2015; đánh giá việc triển khai 313 chủ trương Cập
nhật mô hình kinh tế-xã hội (hiện đã hoàn thành 21% các chủ trương);
phương hướng cập nhật của chính các chủ trương này trong giai đoạn
2016-2021; định nghĩa mô hình phát triển kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa
của Cuba (văn kiện được nhận định là mang tính lý luận nhất trong 6 văn
kiện); chương trình phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2030 và tổng kết
đánh giá việc hoàn thành các mục tiêu chính trị mà Hội nghị trung ương 1
khóa VI đã thông qua vào tháng 1/2012.
Những phương hướng mà Đại hội đưa ra chắc chắn cũng phải được đặt trong
bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt là môi trường quanh Cuba, và những thành
tựu đối ngoại gần đây của La Habana.
So với năm 2011, các chính phủ theo đường lối tả khuynh và tiến bộ thân
thiện với Cuba tại Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela, đang gặp nhiều khó
khăn hơn, chủ yếu do việc giá dầu thô và các mặt hàng nguyên liệu-sản
phẩm xuất khẩu chính của các nước này - sụt giảm nghiêm trọng trên thị
trường quốc tế và những diễn biến chính trị bất lợi trong nước. Đổi lại,
nhờ vào cuộc đấu tranh ngoại giao bền bỉ và kiên cường của mình, Cuba
đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và hai nước đang tiếp tục
thương lượng bình thường hóa quan hệ, giảm bớt phần nào tình thế bị bao
vây cấm vận của Hòn đảo Tự do. Cuba cũng đã chính thức bình thường hóa
quan hệ với Liên minh châu Âu và đang dần mở cánh cửa với các thị trường
vốn quốc tế thông qua một loạt thỏa thuận giảm nợ với Câu lạc bộ Paris,
Nga, Nhật Bản v.v…
Điểm lại những bước đi của Cuba trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VII, có
thể dự đoán Đại hội lần này sẽ tiếp tục đưa ra những nghị quyết tạo
thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước,
đặc biệt là các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ; khuyến khích đầu tư vào các
lĩnh vực ưu tiên như du lịch, năng lượng, công nghệ sinh học; cải cách
hành chính theo hướng tinh giảm bộ máy nhà nước và đấu tranh chống tệ
quan liêu, thậm chí có thể cả bộ máy bầu cử; đẩy nhanh cải cách chế độ
lương bổng và đãi ngộ theo hướng thu nhập phụ thuộc vào kết quả làm
việc, cùng các biện pháp khác nhằm nâng cao năng suất lao động, đặc biệt
là trong lĩnh vực nông nghiệp; áp dụng chế độ chức vụ theo nhiệm kỳ.
Như trên đã đề cập, mức độ sâu rộng của những thay đổi này, cũng như
những thay đổi khác có thể có, tùy thuộc vào việc Đại hội xác định “tốc
độ” nào của quá trình Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội là phù hợp với
thực trạng, nhu cầu của Cuba và bối cảnh quốc tế.
Hoàn toàn tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển của dân tộc
chính là một trong những mục tiêu xuyên suốt của Cách mạng Cuba, mà Đại
hội Đảng VII sắp tới sẽ là một minh chứng mới.
Với lòng quả cảm, tính quật cường, tinh thần hào hiệp và sức sáng tạo
không ngừng mà Đảng và nhân dân Cuba đã chứng minh trong chặng đường đấu
tranh đầy gian khó nhưng cũng rất hào hùng trong gần 6 thập kỷ qua, có
thể tin tưởng rằng Cuba sẽ gặt hái những thành công trong giai đoạn lịch
sử mới, để tiếp tục là ngọn cờ đầu, là điểm tựa niềm tin của phong trào
tiến bộ tại Mỹ Latinh./.
Theo TTXVN