Theo Independent, dự thảo luật mới được đưa ra sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, giữa làn sóng buộc các công ty lớn phải trả thuế đúng luật.
Dự kiến dự thảo sẽ bao gồm các điều luật yêu cầu doanh nghiệp có thu nhập hơn 600 triệu bảng Anh (khoảng 855 triệu USD) một năm phải công khai hoạt động nộp thuế với cơ quan kiểm tra, công khai lợi nhuận và tài khoản tại các quốc gia công ty này có hoạt động kinh doanh trong lãnh thổ EU.
Từ sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, một điều khoản mới đã được đưa ra, yêu cầu các công ty công bố số tiền họ kiếm được tại các “thiên đường thuế." Một bản báo cáo tài chính khác về lợi nhuận công ty tại các nơi khác trên thế giới sẽ được coi như một tài liệu riêng biệt.
Theo tờ The Guardian, Chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker rất ủng hộ quyết định thúc đẩy các sáng kiến này. Tuy nhiên, nhiều nhà vận động chiến dịch đã chỉ trích những quy định mới này là không có hiệu quả, và hoạt động kinh doanh tại châu Âu của các công ty đa quốc gia có thể sẽ bị cản trở. Nhiều người thì lo ngại rằng các thành viên EU vẫn chưa có quan điểm chung về định nghĩa một “thiên đường thuế."
Ngài Hill, Ủy viên của Anh tại Ủy ban châu Âu sẽ là người trình bày kế hoạch này. Ông cho biết đây là một đề xuất đầy tham vọng và đã được cân nhắc kỹ càng để nâng cao sự minh bạch về thuế. Đề xuất này không chỉ đơn thuần là phản ứng với Hồ sơ Panama, mà còn có liên quan chặt chẽ tới công tác về minh bạch thuế và các "thiên đường thuế."
Với việc các ngân hàng, công ty khai mỏ và khai thác lâm sản hiện đã thuộc diện áp dụng các quy định, đề xuất này kỳ vọng sẽ làm tăng tỷ lệ minh bạch của các công ty hoạt động tại châu Âu lên khoảng 90%. Tuy nhiên, quyền lực của EU trong việc giải quyết các vấn đề về thuế vẫn còn là một dấu hỏi./.
TTXVN