Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 29/11/2016 21:35'(GMT+7)

Đại lễ tưởng niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Đại lễ Hoằng Pháp toàn quốc 2015. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đại lễ Hoằng Pháp toàn quốc 2015. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đến dự có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, các ban, ngành, chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đông đảo tăng ni, Phật tử.

Tại Đại lễ, các đại biểu đã cùng tưởng nhớ công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Phật hoàng Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 7/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh.

Năm 21 tuổi (1279), Trần Nhân Tông được vua cha truyền ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc, có đóng góp to lớn cho đất nước.

Vua Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông vào năm 1285 và 1288 với những chiến công oanh liệt: Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết lẫy lừng.

Sau khi đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, Đức vua đã củng cố triều đình, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến. Năm 41 tuổi (1293), Đức vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng.

Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam, đặt nền tảng cho tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp, nhân dân và ​tăng ​ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

Kế tiếp tinh thần đó, thế kỷ 20, dòng họ Trần lại có một người con ưu tú, hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng Phật pháp và dân tộc - cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII.

Khi nước nhà thống nhất, trong tinh thần hòa hợp, tứ chúng đồng tu, Hòa thượng đã cùng chư tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo tiến hành sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm vững mạnh trên mọi phương diện.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, gần 70 năm hoạt động, Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, là một trong những ​trưởng lão hòa thượng lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay, dù ở cương vị nào, Hòa thượng đều hoàn thành trọng trách, làm cho hình ảnh người tu sỹ Phật giáo đi vào lòng người bằng những việc làm cụ thể, vì đạo nhưng không quên đời./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất