Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ngày 31/8, Hãng tin CNA của Đài Loan (Trung
Quốc) nhận định các công trình lấp biển xây đảo của Trung Quốc ở Biển
Đông đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc chiến lược trong khu vực và Bắc Kinh
sẽ đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa cũng như tuyên bố một vùng nhận
dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.
Trong báo cáo trình Viện Lập pháp về sức mạnh quân sự của Trung Quốc,
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã bắt đầu
đổ cát lên Đá Gạc Ma, một trong hơn 50 bãi cạn và đá ngầm trên Biển
Đông.
Trung Quốc sau đó tiến hành lấn biển xây đảo tại 6 bãi đá khác và đang
xây một bến cảng, nhiều sân bay cùng các cơ sở hạ tầng khác. Phúc trình
này nói thêm rằng nay Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa
các đảo mới để sử dụng như những tiền đồn ở Biển Đông. Ngoài việc tuyên
bố chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây, Bắc Kinh sẽ
tuyên bố một ADIZ trong khu vực.
Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất công tác cải tạo đất, kể
cả xây nền móng cho một đường băng dài 3.000 mét trong khu vực trên bãi
Đá Subi, có khả năng phục vụ các máy bay lớn nhất của Không quân.
Bản tin nói rằng các công trình bồi đắp phần lớn đã hoàn tất kịp thời
trước khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Washington
trong 2 tuần nữa. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc sử dụng các tàu nạo
vét của Trung Quốc ở Biển Đông đã giảm khoảng 90% trong mấy tuần gần
đây.
Trong khi đó, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý về
chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phản đối
mạnh mẽ các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông cũng luôn là chủ đề được quan tâm của các nước trong
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) ở Malaysia, Thông cáo chung
của Hội nghị cũng nhấn mạnh đã thảo luận sâu rộng các vấn đề về Biển
Đông và tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây
và đang diễn ra ở khu vực này; ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ
trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin
và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa
bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã bày tỏ quan ngại về tình
trạng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận bất cứ biện pháp hạn chế đi lại
nào ở Biển Đông./.
(Vietnam+)