Phát biểu tại cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên
hợp quốc, bà Power cho biết các nước như Nga và Trung Quốc sẽ hưởng lợi
nếu nếu vị thế của Mỹ tại Liên hợp quốc suy giảm do việc ngừng đóng góp
ngân sách.
Bà nhấn mạnh nếu Mỹ không thể hiện vai trò lãnh đạo tại Liên hợp quốc sẽ
có những nước khác thay thế, nhiều nước trong số đó không ủng hộ quan
điểm của Washington về cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề nhân
quyền.
Phát biểu của bà Power được đưa ra sau khi một dự luật về cắt toàn bộ
ngân sách đóng góp của Mỹ tại Liên hợp quốc được trình lên Thượng viện
Mỹ xem xét nếu không huy bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
lên án các khu định cư của Israel.
Mỹ hiện là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên hợp quốc với 22%
cho ngân sách hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và 28%
cho quỹ gìn giữ hòa bình với tổng ngân sách đóng góp hàng năm là 8 tỷ
USD.
Lời cảnh báo của bà Power được đưa ra ở thời điểm khi chỉ còn một tuần nữa là Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức.
Ngày 28/12 vừa qua, ông Trump chỉ trích Liên hợp quốc hoạt động không
tương xứng với tiềm năng và không giải quyết được các vấn đề toàn cầu.
Trước đó, chỉ vài ngày sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết yêu
cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng
Palestine, ông Trump ngày 26/12 đã lên tiếng bày tỏ hoài nghi về tính
hiệu quả trong hoạt động của cơ chế đa phương này, đồng thời khẳng định
cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc sẽ khác ngay sau khi ông nhậm chức.
Trước đó, ngày 5/1, trong báo cáo dài 13 trang trước khi rời cương vị
đại sứ, bà Power cũng cảnh báo các lợi ích của Mỹ, trong đó có an ninh
quốc gia, sẽ bị tổn hại nếu nước này rút lui khỏi vai trò lãnh đạo tại
Liên hợp quốc. Bà cho rằng các quốc gia khác sẽ theo Mỹ nếu Mỹ tiếp tục
lãnh đạo. Trái lại, nếu thiếu vắng sự lãnh đạo của Washington, "khoảng
trống trên vũ đài toàn cầu sẽ gây tổn hại lớn đối với lợi ích của Mỹ."
Bà Power nêu bật những lý do để Mỹ cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ với
Liên hợp quốc, trong đó có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các cuộc xung
đột tại Syria, Libya và Nam Sudan, tình trạng biến đổi khí hậu, cũng
như cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu./.
Theo TTXVN