Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 24/10/2013 9:26'(GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chăm lo cho khoa học nước nhà

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí.

Trong Điếu văn đọc tại Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở cương vị nào, Đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới...”.

Cũng trong lễ tang, cùng với việc nhắc lại những tài năng về mặt quân sự, nhiều nhà khoa học đã không quên đánh giá cao những quan tâm, cống hiến, đóng góp của Võ Đại tướng đối với việc chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật nước nhà. Đó là điều mà tôi rất tâm đắc, vì tôi có vinh dự đã được Đại tướng giao cho nhiệm vụ cùng với tập thể các nhà khoa học chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Từ năm 1976, Đại tướng đã được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác phát triển khoa học kỹ thuật, tiến tới xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau khi nhận Chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ về vấn đề này, tập thể các nhà khoa học đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập đến đặt vấn đề: Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam như Trung ương đã chỉ đạo.

Qua trao đổi, trong kết luận, Đại tướng đã chỉ ra rằng: Muốn thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thì trước hết phải xem dân tộc Việt Nam trong lịch sử đã có truyền thống khoa học kỹ thuật chưa. Có người cho rằng dân tộc ta có truyền thống Anh hùng dựng nước và giữ nước, trong đó chủ yếu phát triển về khoa học xã hội và nhân văn, còn khoa học kỹ thuật thì không có, hoặc rất chậm phát triển, thậm chí có người coi chúng ta "chân trắng" về lĩnh vực này.

Đại tướng suy nghĩ nhiều và cuối cùng triệu tập tôi lên giao nhiệm vụ là phải làm rõ trong lịch sử dân tộc ta đã có truyền thống khoa học kỹ thuật chưa, trình độ đến đâu?

Tôi vinh dự, vui mừng được Đại tướng giao việc, và thấy rằng sự cần thiết phải làm một công trình về khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam, trên cơ sở tập hợp trí tuệ tập thể của các nhà khoa học. Thời gian chúng tôi được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị là 2 năm, tính từ năm 1977. Như vậy công trình phải hoàn thành trong năm 1978 để đến năm 1979 có thể ra mắt được. Qua đó tạo cơ sở và điều kiện tích cực cho việc thúc đẩy sự ra đời của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Tôi tin tưởng phấn khởi, lo lắng nhưng quyết tâm.

Để tập hợp được sự đóng góp đầy đủ nhất về trí tuệ của các nhà khoa học ở những lĩnh vực khác nhau, chúng tôi đã phân công nhau ra, từ làm đề cương, nghiên cứu, chắp bút... với quyết tâm đến đầu năm 1979 phải có "sản phẩm hoàn chỉnh" có thể in và phát hành được.

Tập thể các nhà khoa học đã nhiệt tình hưởng ứng đề nghị của đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, đồng thời có phần tin cậy ở trách nhiệm của Viện Sử học Việt Nam. Chúng tôi tích cực làm việc và công trình đã được hoàn thành vào năm 1978.

Sau khi xét duyệt, kiểm tra, thấy tương đối đạt, chúng tôi được đồng ý cho in ấn, phát hành với số lượng 10.200 cuốn, dầy 435 trang, khổ 14 x 21, được Ủy ban Khoa học xã hội đánh giá tốt, trao cho giải thưởng Sách hay của năm 1979.

Còn nhớ, sau khi hoàn thành bản thảo, trước khi in chúng tôi đã báo cáo với Đại tướng nhiều lần. Đại tướng cho triệu tập một cuộc họp bao gồm nhiều nhà khoa học cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, có tới hơn 300 người. Tôi được phép trình bày nội dung, trong đó khẳng định rằng: Đúng là Việt Nam có truyền thống khoa học xã hội và nhân văn. Về khoa học kỹ thuật, mặc dù không rõ nét nhưng không phải là không có, bởi nhờ có khoa học kỹ thuật mà dân tộc ta mới sinh sôi nảy nở và trường tồn, dân số từ vài triệu người theo thời gian đã phát triển lên vài chục triệu người. Người Việt có tài năng, có sức khỏe và bản lĩnh bảo vệ đất nước, trong đó có vai trò của trí tuệ khoa học kỹ thuật...

Hôm đó tôi đã lần lượt trình bày những nội dung liên quan đến việc khẳng định dân tộc ta có truyền thống về khoa học kỹ thuật, được Đại tướng và các đại biểu cổ vũ, vỗ tay đến 3 lần.

Trước hết,  tôi trình bày về lịch sử dân tộc ta từ thời cổ đại đã có kỹ thuật luyện kim đúc đồng, từ đồ đồng sang đồ sắt. Đặc biệt là thời đại đồ đồng, biểu hiện sinh động là những di sản còn lưu giữ lại đến ngày nay thông qua các cổ vật trống đồng (trống đồng Đông Sơn, trống đồng Hữu Chum, trống đồng Ngọc Lũ, v.v…). Nghiên cứu, phân tích khoa học thấy rằng trống đồng, thạp đồng, các dụng cụ bằng đồng đều có những hợp kim, có độ bền dẻo dai; mũi tên đồng đều có độ cứng, sắc, nhọn; đặc biệt là âm thanh của trống đồng có các "nốt" phù hợp với âm nhạc hiện đại, tức là có nội dung khoa học âm nhạc - độ dày tuy mỏng nhưng âm thanh rất hay, mà bây giờ chúng ta làm lại cũng khó có thể "theo kịp"  được. Về mặt toán học, những hoa văn trang trí trên trống đồng cho thấy có biểu hiện của số học và kỷ hà học. Về mặt xã hội nhân văn, đã biểu lộ rõ được cả 3  thế giới (thiên đường, nhân gian và âm phủ)... Rõ ràng đây là một "tập đại thành" của cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà khoa học tự nhiên được khẳng định ở trình độ của thời đại đó.

Khi tôi sang Inđônêxia, Nhật Bản, nhiều đồng nghiệp đều nói rằng, thời đại đồ đồng của Việt Nam xưa khá rực rỡ. Thông qua những kỷ vật về đồ đồng ở Inđônêxia và Nhật Bản được trưng bày, đều khẳng định và đánh giá khá cao về nghệ thuật đúc đồng của người Việt thời cổ đại...

Khi tôi nói đến đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã vỗ tay tán thành.

Tiếp đó tôi nói về nông nghiệp Việt Nam, trong đó khẳng định những yếu tố khoa học liên quan đến canh tác lúa nước, đến trị thủy thủy lợi... những điều này càng được nhân lên và bổ sung thành một ngành mà bây giờ ta gọi là khoa học, thời bấy giờ gọi là chuyên thâm nông nghiệp trị thủy thủy lợi. Nhờ có khoa học này mới có thể duy trì được cuộc sống của Việt...

Tôi nói đến đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục vỗ tay cổ vũ.

Cuối cùng, tôi nói về y học, trong đó nhấn mạnh đến truyền thống y học của dân tộc ta; khẳng định một nền y học dân tộc từ xa xưa đã bao gồm cả khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn xã hội. Cụ thể là việc cha ông ta đã biết vận dụng khoa học khí tượng thiên văn địa lý; sử dụng những chất hoá học (thạch tín, thủy ngân, lưu huỳnh...) để sát trùng diệt khuẩn.v.v.. Tóm lại, nền y học dân gian của người Việt từ xa xưa đã đạt đến những trình độ về khoa học kỹ thuật nhất định...

Điều chúng tôi vui mừng nhất là sau khi hoàn chỉnh bước đầu, công trình đã được nhiều nhà khoa học đọc, duyệt và góp ý; sau khi báo cáo lên, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý cho phép tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người, rồi nhanh chóng cho xuất bản...

Nhờ có sự chỉ đạo và động viên, cổ vũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự nhiệt tình đóng góp của các nhà khoa học đồng nghiệp, nên công trình đó của chúng tôi đã được ghi nhận và có sức sống.

Và trong những ngày tháng này, khi Võ Đại tướng vừa mới đi xa, chúng tôi lại càng thấy vô cùng biết ơn, kính trọng, khâm phục sự chỉ đạo của Đại tướng đối với chúng tôi lúc đó. Chính từ những ý kiến gợi mở của Đại tướng đã giúp chúng tôi cố gắng nỗ lực để có được những cống hiến nhất định cho sự nghiệp phát triển khoa học của nước nhà.

Sau khi công trình "Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử" ra đời, vào những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, chúng tôi tiếp tục được Đại tướng giao nhiệm vụ. Xin dẫn ra đây 2 bức thư của Đại tướng gửi cho tôi:

Thư gửi ngày 22 tháng 2 năm 1982:

“Thân gửi đồng chí Văn Tạo, Viện phó Viện Sử học.

Để chuẩn bị bài phát biểu về “Vấn đề khoa học và kỹ thuật” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đề nghị đồng chí cho biết ý kiến:

1. Nội dung nên đề cập đến những vấn đề gì?

2. Vấn đề nào đồng chí cho là quan trọng nhất?

Do thời gian có hạn, đề nghị đồng chí phát biểu bằng giấy khoảng 2 trang (đánh máy hoặc viết tay) và gửi đến cho tôi (30 Hoàng Diệu), càng sớm càng tốt, trước ngày 28 tháng 2 năm 1982.

Văn".

Thư gửi ngày 20 tháng 7 năm 1985:

"Thân gửi đồng chí Văn Tạo, Viện Sử học, Ủy ban Khoa học xã hội.

Trong lúc nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật, tôi đang nghiên cứu vấn đề:

Cách mạng khoa học - kỹ thuật ở nước ta trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đề nghị đồng chí có ý kiến gì về vấn đề quan trọng này (về đặc điểm và nội dung chung, quy luật chung cũng như lĩnh vực khoa học chuyên ngành đồng chí phụ trách) thì viết thư cho tôi, 3 - 5 trang hoặc dài hơn cũng được, đánh máy hay viết tay cũng được.

Đồng chí có tư liệu gì về vấn đề trên (nhất là về khoa học - kỹ thuật trên thế giới) thì giới thiệu tên sách, nếu được thì gửi cho mượn.

Tôi mong đến cuối tháng 7 năm 1985 sẽ nhận được những ý kiến sơ bộ của đồng chí.

Rất cám ơn.
Thân,
Võ Nguyên Giáp”

Trong khoảng những năm từ 1980-1985, việc thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam luôn được Võ Đại tướng quan tâm chỉ đạo sát sao. Những lần được gặp gỡ, báo cáo, chúng tôi đều trao đổi và thống nhất rằng: Việc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được ghi trong các nghị quyết đại hội và nghị quyết của Trung ương, đều quan tâm đến việc xây dựng tổ chức, quản lý, chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật, trong đó danh từ Viện Hàn lâm đã được nhắc đến.

Ở thời điểm đó, trong các cuộc mạn đàm hoặc giải lao ở các hội nghị, hội thảo, nhiều nhà khoa học đều quan tâm đến việc tổ chức Viện Hàn lâm như thế nào? kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản chủ nghĩa ra sao? Có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải tập hợp các nhà trí thức; bồi dưỡng, đào tạo có trình độ Viện sĩ hoặc được công nhận danh hiệu Viện sĩ; đề cử các vị có uy tín đầu ngành vào cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm... Cũng lại có người nói nếu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Viện Hàn lâm thì tuyệt vời...! Và cũng có những ý kiến khẳng định rằng Đại tướng rất khiêm tốn, chắc chắn không nhận làm Chủ tịch Viện Hàn lâm!

Quả thật, ở thời điểm đó, chúng ta có một đội ngũ đông đảo những nhà khoa học đầu ngành. Về cơ giới kỹ thuật quân sự thì có Trần Đại Nghĩa; về giáo dục có Tạ Quang Bửu; về toán học có Lê Văn Thiêm; về giáo dục học có Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân; về y học có Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước; về địa chất có Nguyễn Văn Triển; về khoa học xã hội có Trần Đức Thảo, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu.v.v... các vị ấy đều xứng đáng trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm khoa học và có thể đứng ra làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch của Viện này.

Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chúng tôi luôn hy vọng và mong muốn Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nhanh chóng được ra đời ở thời điểm đó, tiếc rằng những khó khăn về kinh tế từ khoảng những năm 1978 đến 1986, khiến cho việc thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam chưa được thực hiện.

Cho đến hôm nay, khi cúi đầu kính viếng Hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ rằng: Với việc cho ra đời Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Khoa học kỹ thuật Việt Nam mới đây, chắc Đại tướng sẽ vui mừng nơi Chín Suối. Bởi, lúc sinh thời Đại tướng đã từng mong mỏi, ước vọng rằng, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam sẽ được ra đời, hoàn chỉnh và phát triển, tiến lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.

Tôi nhớ, một lần Hội Sử học đến chúc thọ Võ Đại tướng, tôi được ngồi gần và được Đại tướng cho phép phát biểu. Tôi đã xin phép thưa rằng: Thưa Anh Văn, em vô cùng kính trọng Anh, biết ơn Anh. Trong nhà em có Bàn thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, em luôn luôn để ảnh anh ngang tầm đó và gia đình nguyện rằng sau này anh quy tiên sẽ được mãi mãi dâng hương thờ phụng Anh trong từ đường gia tộc.

Giữa năm 2012, Phu nhân của Đại tướng - nhà sử học Đặng Bích Hà có cuộc gặp mặt với các nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà sử học. Tại đây, nhiều ý kiến đã đề nghị: Sau khi Đại tướng quy tiên, thì nhà 30 Hoàng Diệu, Chính phủ nên giữ làm Nhà lưu niệm - Bảo tàng Võ Nguyên Giáp. Bởi đây không chỉ lưu niệm về một vị Đại tướng, mà còn là nơi ghi dấu về những "dữ liệu lịch sử" liên quan đến sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng./.

GS. Văn Tạo
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất