Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/10/2013 22:10'(GMT+7)

Tránh hậu hoạ - đừng chủ quan

Nước lũ đã làm cho Cầu Khe Lành, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị hư hỏng nặng. (Ảnh: Phan Đình Quân/TTXVN)

Nước lũ đã làm cho Cầu Khe Lành, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị hư hỏng nặng. (Ảnh: Phan Đình Quân/TTXVN)

Ở nước ta, hằng năm bão, lũ thường gây hậu quả hết sức nghiêm trọng với con người và xã hội. Cuối tháng 9, khi cơn bão số 10, một cơn bão có sức tàn phá, hủy hoại lớn vừa đi qua, việc khắc phục hậu quả còn đang được chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung tiến hành thì bão số 11 lại ập đến, cấp tập và dồn dập.

“Đòn đánh” hiểm ác của thiên nhiên tiếp tục “bổ” xuống, thử thách sức chịu đựng của người dân miền Trung. Nhân dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, dải đất nhỏ hẹp thuộc các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi lại gồng mình, dồn sức chống chọi với bão lũ, thiên tai. Trước khi bão về, chính quyền, LLVT và các cơ quan chức năng đã có những biện pháp để phòng, tránh cũng như để giảm tối đa sự thiệt hại của thiên tai, trong đó chủ động kêu gọi tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi về trú bão an toàn. Người dân tích cực chằng, chống nhà cửa và chuẩn bị dự trữ nhu yếu phẩm đề phòng bão và nước ngập dài ngày. Ở các khu vực vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất cao, lực lượng chức năng đã vận động nhân dân di chuyển, tránh trú ở những nơi an toàn. LLVT địa phương, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã chuẩn bị phương án, phương tiện, sẵn sàng cơ động cứu dân. Chính quyền các tỉnh cũng chỉ đạo các hồ thủy điện đã xả bớt lượng nước dự trữ, để điều tiết nước hợp lý trong bão, tránh mắc sai lầm như một số địa phương khi đối phó với cơn bão số 10. Như vậy, những việc làm ấy của chính quyền và nhân dân đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thế nhưng, sức công phá của cơn bão số 11 vẫn hết sức nặng nề. Tính đến ngày 18-10, bão và mưa lũ đã làm 18 người chết, 92 người bị thương. Bão và mưa lũ cũng làm trên 13.000 nhà bị sập, trôi, tốc mái, hư hỏng; 87.382 nhà bị ngập; 587 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng. 7.810ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; khoảng 5.060ha diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp cùng hàng trăm nghìn cây ăn quả, cây xanh bị ngã đổ và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Vật chất có thể lấy lại được bằng thời gian, nhưng đau lòng và đáng nói hơn cả là trong số 18 người đã chết, có không ít những cái chết do chủ quan. Mưa, nước lũ, đường ngập… đã được lực lượng chức năng cảnh báo từng giờ. Thế nhưng, nhiều người vẫn chủ quan, coi thường, bất chấp hiểm nguy, tiếp tục đi trong lũ để rồi tiếp tục có những cái chết đau lòng đến với xã hội trong khi bài học từ việc xe Inova bị trôi trong lũ tại Nghệ An vẫn còn nóng hổi và nhức nhối trong dư luận cả nước.

Sinh mạng con người vốn là thứ quý giá nhất, nhưng ở ta, nhiều người lại thờ ơ với việc này. Hiện tượng này cũng cho thấy việc tuyên tuyền, giáo dục để mỗi người có kỹ năng, phương pháp phòng, tránh thiên tai; tìm lối thoát trong những hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn chưa được coi trọng và tiến hành chưa “tới”, nhiều người vẫn thơ ơ với các hiện tượng này.

Dẫu biết rằng, bão lũ, thiên tai là khó tránh, nhưng có những hệ quả đau lòng lại do sự chủ quan và do chính con người gây ra. Dẫu biết rằng, thiên tai “hỏa, thủy’ là vô cùng nghê gớm, nhưng để hạn chế thấp hơn thiệt hại từ thiên tai thì phải có kế hoạch phòng, tránh. Phương châm “4 tại chỗ” là một giải pháp cơ bản, căn cơ, tránh hậu họa. Nhưng để thực hiện được thì chính những người dân phải coi trọng và có trách nhiệm cao tự bảo vệ mình, tự phòng tránh. Chủ quan, khinh thường thiên tai rất dễ mắc phải những hậu quả kho lường./.

Mạnh Thắng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất