(TG) - Khả năng sáng tạo trong kinh doanh của phụ nữ rất lớn, các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới cần hướng mạnh tới việc thúc đẩy năng lực phát triển kinh tế cho phụ nữ.
Theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ và lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 25%. Không ít doanh nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ có quy mô phát triển rất lớn và thành công nhờ biết quản lý doanh nghiệp và phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Năm 2011, trong khuôn khổ "Ngày Sáng tạo Việt Nam", hàng chục sản phẩm, đề tài sáng tạo về phát triển kinh tế đã được tôn vinh. Trong đó, đề tài “Kinh nghiệm sản xuất lúa nước” được công nhận sáng tạo cấp toàn quốc là sở hữu của phụ nữ.
Không dừng lại ở phạm vi trong nước, tại Giải thưởng "Doanh nhân nữ Mekong" do “Tổ chức Tư vấn các thị trường mới nổi” thực hiện ở 3 nước Lào, Campuchia, Việt Nam (từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2013) nhằm khuyến khích sự phát triển của cộng đồng doanh nhân nữ khu vực, 7 nữ doanh nhân Việt Nam có giải pháp kinh doanh và sản phẩm hữu ích đã đoạt giải. Trong đó, có 2 giải đặc biệt được đi dự Diễn đàn Toàn cầu lần thứ 5 về Đổi mới và tinh thần doanh nhân tại Nam Phi năm 2013; 5 giải khác được nhận tiền mặt hỗ trợ mở rộng sản xuất, thực hiện ý tưởng kinh doanh đã đề xuất.
Có thể khẳng định, tiềm năng sáng tạo trong kinh doanh, năng lực phát triển kinh tế của phụ nữ là rất lớn. Tuy nhiên, theo một khảo sát do Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) thực hiện mới đây, phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong kinh doanh do thiếu cơ hội được đào tạo về quản lý doanh nghiệp, về tài chính cũng như ít được tham gia vào các mạng lưới kinh doanh. Đặc biệt, các nữ doanh nhân vừa phải làm công việc kinh doanh rất bận rộn, nhưng vẫn phải làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ, người con dâu trong gia đình. Vì vậy, thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình dẳng giới đến 2020 cần quan tâm giúp các doanh nhân nữ có điều kiện nâng cao năng lực quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo mở rộng thị trường, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mới, có tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng thành công trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội... thông qua các hình thức hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và giới thiệu tới cộng đồng.
Cần khuyến khích và hỗ trợ kinh phí thực hiện cho các đề xuất, dự án, chương trình có ý tưởng sáng tạo nhằm đến việc giải quyết các thách thức, khai thác tiềm năng và thúc đẩy quyền kinh tế cho phụ nữ. Cụ thể là các đề án, chương trình thúc đẩy phát triển nữ doanh nhân trong điều hành doanh nghiệp, hộ kinh doanh (cải thiện điều kiện kinh doanh cho phụ nữ, cân bằng giữa công việc kinh doanh và gia đình, xóa bỏ các rào cản về giới…); tăng quyền năng cho phụ nữ trong kinh doanh và sản xuất (tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực thường do nam giới đảm nhiệm, thúc đẩy đào tạo chuyên môn cho phụ nữ…); tạo việc làm tốt bền vững cho phụ nữ (đối xử công bằng và đảm bảo sức khỏe, an toàn, phúc lợi, mức lương, phát triển kỹ năng, giảm thiểu tổn hại cho phụ nữ trong thị trường lao động, tăng khả năng tiếp cận việc làm tốt cho phụ nữ).
Nam giới cần chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái để các doanh nhân nữ có thêm thời gian, điều kiện tập trung nhiều hơn cho công việc kinh doanh, quản trị doanh nghiệp./.
Việt Anh