Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 21/10/2013 16:44'(GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người trao truyền lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, song cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hào hùng song cũng không ít thử thách và khó khăn của Đại tướng cùng  tấm gương mẫu mực thực hành nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” vẫn luôn sâu đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ông vẫn như đang đồng hành cùng dân tộc, vẫn là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay bước tiếp hành trình của cha ông và các thế hệ đàn anh vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh.

Tài thao lược của vị Đại tướng nhân dân

Sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình, lớn lên khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, sớm có lòng yêu nước và tham gia cách mạng, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã trở thành người cộng sản. Đã từng là một thầy giáo dạy Lịch sử ở trường Thăng Long, là nhà báo… vị Đại tướng huyền thoại lại nhưng chưa từng được đào tạo về quân sự. Có điều tố chất mưu lược của người cầm quân trong Ông sớm bộc lộ rõ và cũng sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện và tin tưởng. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, người Anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã tự trau dồi và cùng đoàn quân ấy trưởng thành trong đấu tranh cách mạng. Cùng với thời gian, tài cầm quân và bản lĩnh người đứng đầu lực lượng vũ trang cách mạng của Ông đã được khẳng định cùng với những chiến thắng đánh bại đội quân của phát xít Nhật, cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tiếp tục hành trình của cuộc đấu tranh giải phóng, trong những năm gian lao kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công vĩ đại… Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, tháng 1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp- khi ấy Ông mới 37 tuổi. Tiếp đó, sau chiến thắng Biên Giới 1950, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953… tên tuổi của Ông gắn liền với quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và mệnh lệnh “1- Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. 2- Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, điểm xuyên suốt trong tư duy của Đại tướng là vận dụng sự linh hoạt uyển chuyển, phối hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh hiện đại, giữa lối đánh nhỏ và lối vận động chiến ở quy mô tập trung… Thực tế những năm đảm nhận trọng trách Tổng Tư lệnh, Đại tướng luôn thực hành 3 nguyên tắc cầm quân: Tôn trọng đối thủ; không đánh bằng quân số giống như đối thủ; không đánh theo cách đánh đã được chuẩn bị của đối thủ"...

Trong quân đội, Đại tướng thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu quý trọng những ngưòi có đức có tài, mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ của cấp dưới, khi gặp khó khăn thì cùng nhau bàn bạc để tìm cách vượt qua. Trong những ngày chiến đấu gay go ác liệt ở Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nhiều lần viết thư tâm tình với chiến sĩ, nêu rõ thuận lợi, khó khăn của hai bên ta, địch, phương hướng phấn đấu của ta và triển vọng thắng lợi của chiến dịch để mọi người thông suốt, quyết tâm xông lên tiêu diệt địch... Ông là hiển hiện chân dung anh bộ đội Cụ Hồ, luôn gần dân, gắn bó với dân, mà khi đi thì dân tiếc, khi sắp đến thì dân mong.

GS lịch sử quân sự nổi tiếng Cecil Currey - tác giả cuốn sách "Chiến thắng bằng mọi giá", từng đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp sánh ngang với Alexander đại đế cũng nhấn mạnh rằng: "Các tướng Pháp không bao giờ hiểu được điều này. Họ đến từ một quốc gia mà trong nhiều thế kỷ, quan điểm xuyên suốt vẫn là: Mục tiêu quân sự luôn phải được quan tâm tối ưu trên chiến trường, Bởi thế, với họ, kiểm soát được các vùng đất quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ"; "Còn tướng Giáp lại không hề vướng vào định kiến ấy, mà ông hiểu rằng điều cần nhất là sự ủng hộ của nhân dân. Người Pháp không bao giờ biết tận dụng "đồng minh" này và rơi vào cảnh phải chiến đấu một mình, trong khi tướng Giáp luôn yêu cầu chiến sĩ phải vận động quần chúng khi không trực tiếp chiến đấu"…

Và theo đó, những đạo quân làm nên chiến thắng của đất nước Việt Nam đất khộng, người không đông ấy chính là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nên luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối trên mọi phương diện của nhân dân Việt Nam. Nói về tài thao lược và nghệ thuật cầm quân của Đại tướng, TS Vũ Tang Bồng -Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam từng nhận định: Thời kỳ chống Pháp là minh chứng rõ tài năng của Đại tướng ở cương vị một chỉ huy quân sự trực tiếp, trước khi được nâng tầm trở thành một vị tướng chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ sau này.

Chiều sâu nhăn văn trong tư tưởng quân sự của Đại tướng họ “Võ”

Trong tư tưởng của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bảo vệ lực lượng, bảo vệ sinh mạng người lính của mình là mối quan tâm thường trực nhất, vì rằng: "Một chiến thắng lớn nhất là chiến thắng có được với số người phải hy sinh nhỏ nhất". Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ở cả Điện Biên Phủ trong những năm chống Pháp và rừng Trường Sơn những năm chống Mỹ đã làm rõ hơn chân dung vị Đại tướng nhân hậu cả trong từng suy nghĩ và hành động.

Đại tướng từng kể lại, quyết định trọng đại chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Bien Phủ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình, nhưng quyết định ấy – một quyết định nhân văn, tránh sự hao tổn xương máu cho quân lính ấy đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954 lẫy lừng. Cũng viết về quyết định ấy của Anh Văn, Đại tướng nước Anh - Peter Macdonald khẳng định: “Cách triển khai trận đánh Điện Biên Phủ và hậu quả của nó đã làm cho chiến trận này trở thành một cuộc chiến đấu mang tính quyết định nhất trong mọi thời đại và ghi tên Võ Nguyên Giáp vào các sử sách”.

Những người lính, những người cộng sự và rất nhiều tướng lĩnh từng được làm việc cùng Ông trong hai cuộc trường chinh chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ trọn vẹn nền độc lập, tự do của dân tộc và sự thống nhất Tổ quốc đã kể lại rằng: Điều mà ông luôn trăn trở, đau đáu nghĩ trước khi bắt đầu một trận đánh hay một chiến dịch không phải là tiêu diệt được bao nhiêu địch, mà chính là làm sao để mỗi chiến thắng ấy tốn ít máu xương của người lính nhất. GS. TSKH Vũ Minh Giang – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Quyết định của Đại tướng, ngoài tài thao lược về quân sự, còn có chiều sâu của lòng nhân ái, của trí tuệ, bởi những cân nhắc ấy xuất phát từ suy nghĩ  tránh sự hy sinh, đổ máu của bộ đội. Đó là điều cho tôi cảm xúc rất đặc biệt. Vì thông thường, sau mỗi quyết định của một vị tướng thành danh, đằng sau mỗi chiến thắng là không ít sinh mạng của người lính. Trong trường hợp này, Đại tướng là một vị tướng nhân ái, bên cạnh một vị tướng trí tuệ. Lòng nhân ái rất lớn trong Ông, chủ nghĩa nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự tiếp nối và phát triển chủ nghĩa nhân văn truyền thống trên lĩnh vực quân sự của dân tộc ta nói chung và của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung nói riêng. Chúng ta đánh giặc bằng văn hóa và thắng giặc bằng văn hóa… nên nói như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Tổng Tư lệnh không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả giá bằng bất kỳ giá nào về xương máu chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Không bao giờ, không bao giờ Tổng Tư lệnh chấp nhận như vậy. Tất cả xuất phát từ trái tim của Anh. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”…

Sự vĩ đại của Ông không chỉ nằm ở thiên tài quân sự, ở khả năng tổ chức và lãnh đạo một cuộc chiến tranh nhân dân ở một nước nghèo, kinh tế kém phát triển, vũ khí khí tài nghèo...; ở việc cổ vũ, động viên những người lính ở ngoài chiến trường cũng như khi đã trở về hậu phương; ở việc phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của những người lính, của nhân dân cho độc lập, tự do của Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh... mà còn chính là chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân văn của tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp. Ông không chỉ luôn tiếc xương máu của mỗi người lính, Ông còn trân trọng tình cảm của họ dành cho mình. Giọt nước mắt của những người lính tuôn rơi khi nghe tin Ông bị tử nạn ở chiến trường (dù đó là thông tin không chính xác) cũng làm ông xúc động nghẹn ngào... Thế mới biết ông là thành trì vững chắc trong lòng những người lính đến độ nào.

Là người sống gần như xuyên suốt gần cả thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, Đại tướng đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm, đồng thời cũng là người chép lại những trang sử ấy thông qua những tác phẩm được rất nhiều bạn đọc yêu mến: “Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”… Trong những trang sử vẻ vang ấy, hiển hiện chân dung thống soái Võ Nguyên Giáp vừa là nhà hoạt động thực tiễn, vừa là nhà lý luận, đồng thời là nhà sử học chân chính.

Người trao truyền tinh thần yêu nước và đoàn kết cho các thế hệ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người xứng danh với câu đối “Văn lo vận nước, Văn hóa Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ thành Văn” đã luôn thể hiện tính sâu sắc và nhân văn trong từng ứng xử của mình. Là một người đã luôn phải đối diện với những thách thức của chiến tranh, Ông không chỉ vượt qua khó khăn, thử thách, chết chóc và mất mát, mà còn luôn lạc quan hướng đến tương lai. Bất kỳ nhiệm vụ nào Tổ quốc và nhân dân giao phó, Ông cũng hoàn thành bằng tâm huyết và trí tuệ của mình.

Không chỉ gương mẫu, đi đầu, truyền cảm hứng cho quân và dân ta trên hành trình đấu tranh gian khó, hướng đến tương lai tươi đẹp, Ông còn mở rộng tấm lòng với cả những người ở phía đối địch với mình. Trong hồi ức của mình, Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người vô cùng tinh tế. Khi nói chuyện với người Mỹ, ông không dùng từ “thất bại” mà dùng từ “sai lầm” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Bởi theo Ông, khi người khác “sai lầm” thì vẫn còn có thể sửa chữa được... Trân trọng quá khứ bằng đôi mắt của tương lai, bài học của quá khứ sẽ là nguồn sức mạnh để hướng đến tương lai, Đại tướng đã chia sẻ với con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy rằng: “Ông Kennedy là người đã để cho cuộc chiến tranh của Mỹ lún sâu ở Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng, lúc ông bắt đầu thấy mình sai lầm thì rất tiếc là ông bị ám sát”. Câu trả lời của vị Đại tướng lừng danh từng đánh bại rất nhiều tướng lĩnh của quân đội Pháp và Hoa Kỳ đã không chỉ làm dịu lòng một người con, mà còn là cho điều ông tâm niệm về chiến tranh- chiến thắng, quá khứ- tương lai trở nên sâu sắc và nhân văn hơn bao giò hết. Ông là vị Đại tướng của nhân dân, sống mãi trong lòng nhân dân! Và đó cũng là một trong những lý do đưa Ông trở thành một trong những danh tướng của thế kỷ XX và mọi thời đại.

Ông ra đi trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với những khó khăn chung của tình hình thế giới và của riêng Việt Nam... Kính yêu và có niềm tin yêu trọn vẹn vào vị Đại tướng của nhân dân, hàng vạn, hàng triệu người nối tiếp nhau, xếp hàng, đoàn kết và yêu thương nhau hơn trong dòng người dài như vô tận ấy vào viếng Ông tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu- Hà Nội, và tiễn đưa Ông về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất Mẹ Quảng Bình... Sự biểu thị tình cảm sâu rộng, chân thành, tự nguyện, tự giác đến thế của mọi người dân Việt Nam không phân biệt trẻ, già, nam, nữ, thành phần... trong những ngày qua cho thấy dường như cả dân tộc đã gắn kết lại trong một nỗi đau chung.

Những kỷ niệm về người Anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam và dấu ấn về vị chỉ huy có tâm, có tầm, có tài trưởng thành trong đấu tranh cách mạng không thể phai mờ trong ký ức các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế, trong đó có không ít những người đã từng ở bên kia chiến tuyến... đã thức tỉnh, lay động lòng người, thắp lên một ngọn lửa đoàn kết, nhân văn, thắp lên một khát vọng sống có ích, sống có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu cao đẹp, trong cộng đồng dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ cảm nhận được từ Đại tướng không chỉ là hình ảnh một người anh hùng với những chiến công lừng lẫy, mà chính là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, quý giá kết tinh trong cuộc đời, tư tưởng và tấm gương  đạo đức của Ông- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Ông, lớp trẻ hôm nay thêm tin tưởng hơn vào lý tưởng cách mạng, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông và bao vị tiền bối cách mạng đã dấn thân, đã lựa chọn, đã không tiếc máu xương để giành được, bảo vệ và kiên định thực hiện, đó là độc lập dân tộc và CNXH.

Sự ra đi ấy dường như có sức mạnh kết nối mọi trái tim những người dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều bạn trẻ- thế hệ rường cột của nước nhà. Ông ra đi và trao truyền lại tình yêu Tổ quốc và nhân dân, lòng khoan dung nhân hậu, ý chí và khát vọng độc lập, tự do; tinh thần "Dĩ công vi thượng"... để người mỗi người đón nhận, nhân lên và sống, học tập và lao động tốt hơn. Đó mới chính là giá trị lớn lao, vĩ đại mà vị Đại tướng để lại. Ông đã đi vào lòng dân, đi vào lịch sử dân tộc và thời đại. Nói như GS Phan Huy Lê, sự nghiệp cách mạng và con người vĩ đại của Đại tướng đã được khẳng định từ khi Ông còn sống, không phải chỉ đến khi Ông rời xa trần thế. Ông ra đi và sống mãi trong lòng dân tộc và lịch sử. Thiên tài quân sự, phẩm chất cao quý của Ông sẽ đưa Ông - Bác Giáp kính yêu trở thành tượng đài trong lòng nhân dân... Trong sự tôn vinh Đại tướng, đồng chí Nguyễn Trọng Kim - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận thấy lấp lánh trong giới trẻ niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh vì là người Việt Nam. Đó không phải là hiệu ứng đám đông, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành trong nhận thức, suy nghĩ, là khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, của ý chí nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc Việt Nam. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi nhận trong lòng dân muôn thuở không mờ phai. Lịch sử vốn công bằng, những gì Đại tướng phấn đấu và đạt được, sự ghi nhận, tôn vinh của nhân dân khi Ông ra đi cho thấy Ông sống mãi, sẽ hiển thánh- GS. TSKH Vũ Minh Giang khẳng định… Với ý nghĩa đó, sự ra đi của Đại tướng, tình cảm trọn vẹn của nhân dân dành cho Đại tướng không chỉ là sự tri ân Ông, đó còn là thông điệp nhắc nhở những người ở lại phải sống và hành động với tinh thần “Dĩ công vi thượng” như Ông đã từng quán triệt và thực hiện suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất