Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 11/10/2013 16:20'(GMT+7)

Những giờ phút quý giá bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với lãnh đạo tập thể cán bộ, phóng viên Tạp chí Tư tưởng - Văn hoá (1999)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với lãnh đạo tập thể cán bộ, phóng viên Tạp chí Tư tưởng - Văn hoá (1999)


Điều may mắn của chúng tôi là được làm công tác tư tưởng – văn hóa – báo chí ở Trung ương, ngay từ đầu đã nghĩ có dịp đến thăm Đại tướng. Tạp chí Tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Trung ương sau là Tạp chí của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã có nhiều dịp mời Đại tướng viết bài và qua việc này được đến thăm, báo cáo làm việc, được gần vị tướng văn võ song toàn.

Chủ đề thứ nhất Tạp chí chúng tôi muốn khai thác Đại tướng là: Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong một số đồng chí phát biểu sớm nhất việc nghiên cứu tư tưởng của Bác Hồ như một hệ thống tư tưởng sâu sắc có tính tất yếu lịch sử. Tôi nhớ một buổi sáng đầu mùa hè 1991 mang Giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo sang gặp Đại tướng ở nhà số 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Phút đầu thật cảm động và thiêng liêng. Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký giới thiệu tôi. Đại tướng vui mà điềm tĩnh, nói luôn mấy câu khá dài: Hoan nghênh tuyên huấn. Việc này lớn lắm. Phải nghiên cứu kỹ. Chưa có bài ngay được. Tôi vừa lo thì lại mừng ngay vì Đại tướng cho tôi mượn hai cuốn băng ghi lời Đại tướng, giáo sư Trần Văn Giàu, anh Trần Trọng Tân... ở một số hội thảo; đề tặng tôi một bài phát biểu ở hội nghị Ấn Độ: “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” đã in thành cuốn sách mỏng, giấy đẹp, bìa dày. Đại tướng bảo: Tùy ý sử dụng. Tôi đề nghị: xin viết thành bài của Đại tướng. Đại tướng đồng ý giao cho tôi soạn để Đại tướng duyệt. Một tuần sau mang bản thảo sang, tôi mừng quá, vì được Đại tướng động viên: “Viết được. Văn cậu có nhịp đấy”. Đại tướng nói vui với hai đồng chí thư ký: “Nó làm thế đấy”. Vì mỗi câu nói của Bác Hồ tôi đều chép ra một mảnh giấy nhỏ (thường gọi là fise) ghi rõ Bác nói ở đâu, in trong sách nào, Nhà xuất bản nào, in năm bao nhiêu, trang mấy. Hôm đó tưởng là nhanh, song Đại tướng rất cẩn thận và sâu sắc, sửa lần một, lần hai,... nên tôi càng được dịp may, sang báo cáo bài viết nhiều lần. Và kết quả là bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đăng Tạp chí Tuyên truyền số tháng 4 năm 1991. Hôm mang Tạp chí sang 30 Hoàng Diệu, chúng tôi kéo cả Tòa soạn đi, được quây quần quanh Đại tướng, được chụp ảnh và được cho phép quay phim.

Có lẽ khi nói về Bác Hồ thì Đại tướng nói một cách tâm đắc, cởi mở và đầy tự hào nhất. Hai ý tôi nhớ mãi lời Đại tướng: Hãy nhớ lời Bác Hồ dạy là “Dĩ công vi thượng” tức là bao giờ cũng đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên; “Nhiệm vụ được giao tôi đã hoàn thành, chỉ còn một việc từ nay cho đến cuối đời là nghiên cứu và động viên mọi người học Bác Hồ Chí Minh”.

 

Chủ đề thứ hai chúng tôi khai thác Đại tướng là về Công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên (1994), Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa mời Đại tướng viết bài: Công tác tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bao giờ chúng tôi cũng làm công văn trang trọng, song đều nhận được sự ân cần của Đại tướng. Đại tá, Thư ký Nguyễn Huyên kể: Nhiều việc lắm, nhiều báo mời viết lắm, cả mấy đề tài nghiên cứu nữa, song “Cụ” bảo Tuyên huấn mời thì nên cố gắng. Dịp đó, Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, do anh Đặng Quang Ngọc làm Giám đốc, cũng mời được Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang nói chuyện ở Câu lạc bộ Ba Đình.

Về công tác tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được nghe Đại tướng nói về những khó khăn gian khổ ngòai mặt trận, về diễn biến tư tưởng của cán bộ và chiến sĩ, nhất là của tướng lĩnh. Đương nhiên mặt tích cực, quyết chiến, quyết thắng vẫn là chủ yếu. Song điều đặt ra là phải nhất trí cao, nhất trí tuyệt đối về mọi vấn đề. Đại tướng kể lại và nhấn mạnh nhiều nhất là tính dân chủ trong công tác tư tưởng. Phải thật sự dân chủ và tin tưởng. Phải nói hết, nói rõ những băn khoăn, tranh luận thẳng thắn: Đánh có thắng không, có dám đánh không, đã đủ điều kiện chưa. Chắc chưa?. Đại tướng đặt rất cao công tác chính trị, công tác Đảng ngoài mặt trận. Cán bộ với cán bộ, cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ và chiến sĩ, tất cả phải hiểu nhau, thương nhau. Ở đó, tính gương mẫu xung phong và tình thương đồng đội của cấp chỉ huy có tính quyết định đặc biệt để đánh thắng.

Về các vấn đề văn hóa, điều ngưỡng mộ của tất cả những ai được gặp và làm việc đều thấy tầm uyên bác của Đại tướng như một nhà khoa học trong nghiên cứu, tiếp cận vấn đề, cách hướng dẫn người khác cùng làm việc, đặc biệt là các vấn đề văn hóa-văn nghệ, văn hóa và nâng cao dân trí. Một lần nói về công tác tư tưởng và văn hóa, Đại tướng nói rất đậm về vai trò của văn hóa trong xây dựng xã hội, trong giáo dục, nâng cao con người. Nhân đó Đại tướng động viên: “Ngành các đồng chí, Ban các đồng chí, Tạp chí các đồng chí quan trọng đấy”. Hôm đó, đến thăm Đại tướng có cả các anh bên Cục Tư tưởng-Văn hóa Tổng cục Chính trị: Đồng chí Minh, Đại tá Cục trưởng, đồng chí Đại tá Phó cục trưởng Mai Thế Chính, đồng chí Trung tá Nguyễn Duy Thủy xưng “cháu”. Còn tôi quen rồi, cứ xưng “em” như với Thày giáo Đại tướng của mình. Tạp chí chúng tôi và Cục Tư tưởng-Văn hóa “thân” nhau từ đó.

Chủ đề thứ baTruyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2004), Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa thuộc Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Cục Tư tưởng-Văn hóa Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng cùng nhau biên soạn và xuất bản một cuốn sách làm tài liệu tuyên truyền với cả trong và ngoài quân đội. Ý tưởng nảy sinh từ ngày 7-5-2004 tại cuộc gặp gỡ nói trên, làm trong mấy tháng để kịp mừng ngày 22-12.

Chúng tôi báo cáo, xin Đại tướng có bài. Thế là trong vài tuần, chúng tôi lại được làm việc với Văn phòng Đại tướng, được Đại tướng góp ý và phê duyệt. Bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ” đăng trước nhất, tiếp đến các bài về những chặng đường xây dựng và trưởng thành của quân đội ta; tư liệu về những chiến thắng lớn nhất trong lịch sử quân đội mà Đại tướng là Tổng tư lệnh; các tấm gương chiến đấu anh hùng và thành tích khen thưởng của các quân binh chủng, các địa phương, mọi miền đất nước. Những thành tích thời kỳ đổi mới, trong đó có nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Cuốn sách hoàn thành, được Đại tướng khen. Hôm đó, cả hai đơn vị cùng đến thăm và trình sách. Đại tướng rất vui, trò chuyện với hai đơn vị. Tôi có mấy câu thơ xin phép đọc mừng Đại tướng:

Kính chào Đại tướng ngày lịch sử

Sáu mươi năm quân đội trưởng thành

Hùng vĩ đoàn quân từ ngày xưa ấy

Anh cả nét cười vẫn rất đàn anh.

 

Kính mong Đại tướng ngoài trăm tuổi

Vui với non sông vững như thành

Vui tình Tướng – Sĩ. Toàn dân kính

Xin nguyện cùng theo bước chân Anh !

Tất cả vỗ tay. Đại tướng vừa vỗ tay vừa cười rất tươi. Phóng viên Thu Hòa và Thu Hiền của Tạp chí chụp được kiểu ảnh rất đẹp, một trong những nụ cười đáng nhớ nhất cho đến cả hôm nay.

Từ những nội dung nghiên cứu và tuyên truyền qua những lần được làm việc xây dựng bài viết với Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên càng quan tâm cho Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa trong nhiều năm từ thập kỷ cuối thế kỷ trước sang mấy năm đầu thiên niên kỷ này hầu như thường năm chúng tôi đều qua thăm Đại tướng.

Điều hạnh phúc nhất tôi nhận thấy là dường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta sau khi về nghỉ có nhiều khách đến thăm nhất, cả trong nước và nước ngoài. Tuần nào cũng có khách, ngày nào cũng có khách, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Sáng hai ba đoàn khách. Chiều có hôm ba bốn đoàn. Riêng tôi đều được xếp lịch trước, nhưng trung bình ba lần thì hai lần chuẩn bị đến giờ lại nghe điện thoại anh Huyên bảo lui lại nửa tiếng, có khi một tiếng vì có Đoàn này, Đoàn khác vừa tới, ở xa về.

Đại tướng rất rộng mở đồng ý tiếp khách. Do đó Đại tá Huyên vất vả nhất là xếp lịch tiếp khách và chuẩn bị để Đại tướng tiếp khách. Có những cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật, nhiều cựu chiến binh cao tuổi, cán bộ đương chức và nghỉ hưu chỉ vì mến mộ muốn đến gặp, không ít trường hợp được Đại tướng đồng ý tiếp. Bạn tôi, anh Vương Quốc Thái, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng là một trường hợp như vậy. Có lần anh lên với Đại tướng chỉ để kể mấy chuyện tham nhũng, tiêu cực mà anh biết như “mách” với Đại tướng. Có cô giáo in tập thơ riêng cũng đến báo cáo mời Đại tướng có lời động viên.

Những năm sau này, khi sức khỏe Đại tướng xuống dần, Đại tá Nguyễn Huyên đề xuất sáng kiến để Đại tướng tiếp một lúc hai ba Đoàn. Và đến thời kỳ sau, theo yêu cầu của bác sĩ, mỗi ngày chỉ để Đại tướng tiếp khách 20 phút. Thế là, các Đoàn đến gần như cùng một lúc, như ngày hội về với Đại tướng. Căn phòng tiếp khách trở nên chật chội, ai cũng ôn tồn, trật tự, tuy ai cũng muốn được ngồi gần Đại tướng.

Tôi lại có một cơ may. Đó là khi nghỉ công tác, tôi về Hội cựu giáo chức Việt Nam. Từ trước đó, năm 2004, tại Đại hội lần thứ nhất, thành lập Hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới dự và được Đại hội suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội cựu giáo chức Việt Nam, cùng giáo sư Trần Văn Giàu đồng Chủ tịch danh dự của Hội. Từ năm 2005 đến năm 2010 cứ đến Ngày sinh của Đại tướng (25-8) Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội lại dẫn Đoàn cán bộ của Trung ương Hội đến thăm Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu. Tôi lại được cùng Đoàn gặp Đại tướng, gặp Đại tá Thư ký Nguyễn Huyên như ngày nào.

Đó là những câu chuyện thường tình mà đến nay đã trở thành kỷ niệm. Có những chi tiết không bao giờ quên. Đó là dịp Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa chúng tôi và Cục Tư tưởng-Văn hóa đến thăm chúc mừng Đại tướng nhân ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi bàn nhau tìm món quà gì, thật khó. Cuối cùng, chúng tôi đi mua hai cây tùng thật đẹp ở vườn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tất yếu, các đồng chí Bách khoa không lấy tiền. Chúng tôi mua hai chiếc chậu cảnh to và đẹp, đặt cây vào và đưa lên ô tô của Cục Tư tưởng-Văn hóa, đến thăm Đại tướng.

Đại tướng xúc động khi đồng chí Tổng biên tập Phạm Huy Vân phát biểu mừng Đại tướng và được Đại tướng hỏi chuyện thời kỳ anh Vân là thiếu sinh quân. Sau khi đồng chí Minh, Đại tá, Cục trưởng phát biểu, Đại tướng nói chuyện rất cởi mở. Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả của “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” đọc bài thơ vui cho Đại tướng nghe. Tôi cũng hăng hái xin đọc mấy câu:

Kính biếu Anh Văn đôi chậu hoa

Song Tùng dáng đứng với sơn hà

Kính mong Đại tướng luôn luôn khỏe

Vui cùng thắng lợi Tổ quốc ta !

 

Năm mươi năm đất nước nở hoa

Hoa thắng trận Điện Biên rực rỡ

Kính dâng Đại tướng Võ – Anh Văn

Cây Tùng cây Bách vững ngàn lần.

Đại tá Thư ký Nguyễn Huyên mời Đại tướng và mọi người ra sân chụp ảnh. Hôm ấy có cả phóng viên truyền hình. Tôi xin được ghi lại vào ống kính mấy cảnh trước đây ở 30 Hoàng Diệu này. Đại tướng đồng ý. Thế là tôi được đi bên Đại tướng quanh sân, vòng ra vườn, ngồi ghế đá dưới giàn cây. Mọi người cũng đi theo như một buổi diễn lại để quay phim.

Lại một lần không thể nào quên. Một buổi sáng tôi đến đọc bản thảo để Đại tướng sửa. Chưa vào làm việc, câu đầu tiên Đại tướng hỏi:

- Tình hình Trung Đông đến đâu rồi?

Tôi thật bất ngờ, hơi hoảng nhưng trấn tĩnh được ngay vì tối hôm trước tôi có xem thời sự trên ti vi, thế là nói được mấy câu tóm tắt. À, như vậy Đại tướng ngày ngày vẫn theo dõi tình hình quốc tế và trong nước. Hoặc đây là kiểm tra xem cán bộ tuyên huấn có nắm được gì không.

Một lần đang làm việc bài vở, Đại tướng nói: “Theo mình, mục tiêu của thời đại bây giờ là độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và vấn đề môi trường. Cậu thấy thế nào?”. Lại một lần đột ngột, song tôi hiểu rằng Đại tướng vẫn còn quan tâm cả những vấn đề lý luận của thời đại nữa. Từ cuối thế kỷ trước, Đại tướng đã hỏi như thế. Bây giờ nhớ lại mới thấy rõ bậc Đại Nhân, Đại Trí, Đại Dũng, Văn Võ Song toàn. Một nhà khoa học uyên bác. Một nhà văn hóa tầm cỡ lớn lao. Một nhân cách cao cả. Đúng là Đại tướng của toàn dân.

Những điều trên đây tôi chưa viết ra. Nhưng đến hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tôi xin viết mấy trang như một nén nhang tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Bác Hồ vĩ đại./.

TS. Đỗ Khánh Tặng

Phó Tổng thư ký, Hội cựu giáo chức Việt Nam, 

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí  Tư tưởng-Văn hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

 

 

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất