Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 31/12/2013 9:4'(GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng cựu chiến binh Việt Nam


                                              
Vị tướng huyền thoại của lịch sử Việt Nam thời hiện đại đã ra đi trong niềm tiếc thương của đồng bào cả nước, của những người đã và đang khoác trên mình bộ quân phục màu xanh hòa bình cho Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với lịch sử ra đời và quá trình tiến lên chính quy, hiện đại của Quân đội ta, của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Đảng lãnh đạo, được nhân dân tin theo.

Theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, ngày 22/12/1944, tại núi rừng Vũ Nhai, đội quan 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, nhưng đều mang trong lòng bầu nhiệt huyết cách mạng, dưới sự chỉ huy của Anh Văn đã mau chóng lập những chiến công đầu tiên, mở đường cho quá trình khởi nghĩa của đồng bào ta khắp từ miền núi về miền xuôi, đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám7 năm 1945, dưới ngọn cờ đỏ sao vàng, Anh Văn lại cùng với những chiến sỹ dũng cảm của mình bước tiếp cuộc trường chinh cứu nước. Từ một đội quân nhỏ bé phát triển thành đội quân bách chiến, bách thắng, làm nòng cốt cùng toàn dân đi suốt quá trình từ Cách mạng tháng Tám đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiếp bước trên đường đổi mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, "đi dân nhớ, ở dân thương"; hùng dũng xông pha trận mạc, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù cho dù chúng mạnh gấp nhiều lần về vũ khí. Sau trận chiến, chính những người lính ấy lại hăng hái lao động, sản xuất. Thực sự đó là một quân đội mang truyền thống “ngụ binh ư nông” từ thời Lý- Trần. 

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, trung với Đảng, hiếu với dân; sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng giao, khi Tổ quốc cần. Vai mang quân hàm Đại tướng, là người được phong hàm Đại tướng sớm nhất trong lịch sử quân đội Nhân dân Việt Nam; tuy chưa qua trường lớp huấn luyện cũng như chưa qua các chiến trường khốc liệt của chiến tranh thế giới lần thứ hai như những tướng của Pháp, của Mỹ, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáo đã trở thành vị tướng huyền thoại trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam, đánh bại chính những tướng từng nổi danh trong chiến tranh thế giới thứ 2. Có được điều đó là vì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận thức sâu sắc rằng: Sức mạnh của Quân đội ta là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Sức mạnh đó đã giúp quân đội ta lập nên những chiến công hiển hách mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là thắng lợi của chiến dịch Lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đó là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáo đã đi vào những chiến công huyền thoại, từ những trận đầu rất khiêm tốn như Phay Khắt, Nà Ngần, cho đến những đại chiến dịch. Với Đại tướng, đánh phải chắc thắng mới đánh, mà đã đánh thì phải quyết đánh cho bằng thắng, đánh giặc bằng ý chí và tư duy chiến lược, tư duy sáng tạo với sự vận dụng linh hoạt, táo bạo binh thư vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, của từng chiến trường. Thế trận lòng dân là tư tưởng chiến tranh độc đáo, là sự kết tinh tư tưởng giữ nước của các bậc tiền bối như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi.

Từ một giáo viên dạy sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cầm quân, trở thành Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng buộc nhiều vị tướng của đối phương phải kính nể không chỉ vì tài thao lược mà còn vì phong cách rất lịch thiệp, đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc. Đại tướng là một tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, một nhân cách lớn. Ở Ông, chúng ta cảm nhận được đầy đủ các phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cộng sản: "Trí - Dũng - Liêm - Trung - Nhân - Tín". Cùng với thiên tài quân sự, Đại tướng còn là một nhà chính trị, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà văn hóa…. có tầm chiến lược đóng góp xứng đáng và toàn diện vào sự lãnh đạo chung của Đảng, cuả dân tộc.

Đại tướng cũng là một trong những học trò tiếp thu, truyền bá tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách có hiệu quả nhất; là người hết lòng, hết sức phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân, nêu cao tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng. Thường xuyên gần gũi để học tập và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng bào, chiến sỹ.

Học tập đạo đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã phấn đấu, rèn luyện binh nghiệp, tu dưỡng đạo đức cách mạng; được nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc. Noi theo tấm gương Đại tướng, các tướng lĩnh và chiến sỹ của Quân đội ta đã trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là một phần thưởng vô cũng quý báu mà nhân dân ta ghi ơn và tôn vinh Quân đội của mình. Đó là nét "đặc biệt" của quân đội ta mà Đại tướng là người dày công xây dựng và rèn luyện. 

Đại tướng đã đi xa nhưng di sản mà Anh Văn để lại cho Đảng, cho dân, cho quân đội ta thật vô cùng to lớn. Đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân: Toàn dân, toàn diện, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh. Đó là tấm gương đạo đức cách mạng: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", với phương châm ứng xử "dĩ công vi thượng", "dĩ dân vi bản". Đó là đức khiêm nhường, lao động sáng tạo cống hiến không mệt mỏi, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không hề toan tính cá nhân.

Năm 2013 sắp khép lại. Có nhiều sự kiện để người ta nhớ, nhưng dấu mốc mà người dân Việt Nam mãi mãi khắc ghi là sự kiện không thể quên- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta, đi theo Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối, gặp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhập vào hàng ngũ các vị "thánh" trong lòng nhân dân ta. Tư tưởng và hình ảnh của Đại tướng sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Và kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vừa qua là lần đầu tiên quân đội ta vắng bóng vị Đại tướng kính yêu của mình. Vào những ngày này, những người cựu chiến binh cảm thấy bồi hồi, tướng nhớ vị Đại tướng của mình, hướng về vùng đất Quảng Bình, nơi phần mộ Đại tướng đặt tại Vũng Chùa, Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch - Tỉnh Quảng Bình (Quê hương Đại Tướng), giữa khúc ruột miền Trung, nơi đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Tin tưởng chắc chắn rằng nơi yên nghỉ của Đại tướng sẽ nhanh chóng trở thành một địa danh mang nhiều giá trị thiêng liêng về cuộc đời, sự nghiệp của một người con trên quê hương Quảng Bình anh hùng./.

 Đinh Văn Cay-Nguyễn Chí Thơm
(Hội Cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa)
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất