Ngày 25/12, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên phổ biến tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng chí Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Trung đã đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp, cộng tác rất hiệu quả với các cơ quan chức năng, phản ánh nhiều nội dung rất hữu ích trong lĩnh vực quản lý, trao đổi thông tin về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, báo chí đã thông tin kịp thời về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa bão lụt, về hội thảo thực phẩm chức năng, Hội nghị quốc tế Codex lần thứ 45, việc quản lý chất lượng sữa, nguyên liệu sữa; phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Một số các thông tin cảnh bảo mất an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng giải quyết trong thời gian qua như thông tin thực phẩm kém chất lượng tại các chợ cóc; thông tin rượu giả, thực phẩm giả, phụ gia thực phẩm.
Các thông tin quản lý về an toàn thực phẩm tập trung vào các vấn đề chính như: nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm; thực phẩm chức năng; rượu giả hoá chất dùng trong sản xuất giá đỗ, đậu; sử dụng phụ gia, hoá chất cấm trong bảo quản chế biến thực phẩm; buôn bán gà thải loại, nội tạng động vật, nước đá bẩn…
Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phổ biến kiến thức, tuyên truyền về vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng, cảnh báo về an toàn thực phẩm…
Từ tháng 1 – 9/12/2013, toàn quốc ghi nhận có 160 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.238 người mắc, 4700
người đi viện và 28 trường hợp tử vong. Số vụ ngộ độc lớn (hơn 30 người
mắc) là 37 vụ (4000 người mắc, 3648 người đi viện và không ghi nhận
trường hợp nào tử vong).
So sánh cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc giảm 5
vụ, số người mắc giảm 102 người, số người đi viện tăng 404 người, số
người tử vong giảm 6 người. Số vụ ngộ độc lớn không đổi, số mắc giảm 112
người.
|
|
Trong Quý I-2014, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung đề nghị công tác tuyên truyền tập trung vào nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2014. Nội dung truyền thông là:
Một là, tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm;
Hai là, tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở kiến thức và sức khoẻ của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Ba là, đưa tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn cả nước.
Bốn là, biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm là, chỉ rõ các vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong công tác quản lý VSATTP, nêu rõ trách nhiệm của các nhà quản lý, của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và từng cá nhân, tập thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tại các sự việc cụ thể. Thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn đọng trong công tác quản lý ATTP của các nhà quản lý, lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền.
Sáu là, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn Luật ATTP, Thông tư quy định bảo đảm an toàn thực phẩm
Khẩu hiệu đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Giáp Ngọ 2014 là:
1. Vì Tết Giáp Ngọ an khang thịnh vượng, hãy sử dụng thực phẩm an toàn
2. Hãy nghĩ đến người tiêu dùng, không sử dụng phụ gia thực phẩm độc hại
3. Sử dụng thực phẩm không an toàn là tự tìm đến bệnh tật
4. Lựa chọn thực phẩm sạch cho bữa ăn an toàn, sức khoẻ
5. Bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng
6. Lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn để chế biến thức ăn cho gia đình
7. Lựa chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khoẻ.
8. Chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao sức khoẻ, hạnh phúc của nhân dân
9 .Cảnh giác với thực phẩm kém chất lượng
10. Để bảo vệ sức khoẻ của bạn và gia đình, hãy lựa chọn thực phẩm an toàn
11. Thực phẩm sử dụng nhiều hoá chất độc hại là huỷ hoại sức khoẻ của bạn
12. Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
13. Ban quản lý các Lễ hội nêu cao vai trò trách nhiệm trong bảo đảm ATTP
14. Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
15. Đảm bảo ATTP là trách nhiệm và lương tâm của người chế biến thực phẩm.
16. Đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
|
|
Thu Hằng