Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 11/6/2018 13:1'(GMT+7)

Đắk Lắk: Công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm kịp thời, đúng tiến độ, tập trung trọng tâm


Ngày 11/6, đoàn công tác Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) do đồng chí Văn Thị Thanh Mai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk về hoạt động công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh.

Thiết thực triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị


Cấp ủy các cấp của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, như: việc quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng đất đai và môi trường; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, khai thác cát làm sụt lở đất nông nghiệp; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; bổ nhiệm cán bộ quản lý lãnh đạo ở các cấp...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, lựa chọn những nội dung trọng tâm, đột phá để triển khai thực hiện; tiêu biểu như: Huyện ủy Ea Súp: “Đổi mới phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo hướng dân chủ, quyết đoán, sâu sát, cách mạng và khoa học. Kiên quyết đấu tranh, phê bình, kiểm điểm và xử lý nghiêm đối với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các hành vi tham ô, tham nhũng, lạm quyền để trục lợi cá nhân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt”; Huyện ủy Ea Kar: Hoàn thành việc di dân, tái định cư, định canh cho đồng bào thôn 15, xã Cư Yang và giải quyết vấn đề đất sản xuất cho số hộ dân thiếu đất sản xuất ở 02 buôn Vân Kiều và Ea Rớt; ổn định tình hình an ninh trật tự và công việc sản xuất trong vùng dự án Đập Krông Pắc Thượng”; Huyện ủy Krông Ana: “Triển khai chủ trương xây dựng phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đẩy mạnh đổi mới phong cách, tác phong người cán bộ, công chức của huyện, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên””... Qua đó, một số vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm tại địa phương đã được giải quyết, khắc phục cơ bản.

Triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Quyết định số 534-QĐ/TU, ngày 12/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong thời gian qua, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động và có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đa số cán bộ, công chức, viên chức phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã nêu cao tính gương mẫu, đi đầu để đảng viên và quần chúng học tập, noi theo trên các lĩnh vực.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Qua đó, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thống nhất triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đã thực hiện ở 20 cơ quan cấp tỉnh; 15/15 huyện, thị xã, thành phố và 184/184 xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; phục vụ tốt việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, người có công...

Đúng và trúng trong thực hiện Nghị quyết số 27 về xây dựng đội ngũ trí thức

Triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, trong những năm qua, tỉnh đã luôn chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy hết vai trò, năng lực sáng tạo, tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Tính từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã bố trí chi từ nguồn ngân sách địa phương trên 60 tỷ đồng cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đạt xấp xỉ 0,5% tổng chi ngân sách địa phương. Số đề tài khoa học ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống đạt khoảng 65% - 70%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc sắp xếp các chức danh công tác gắn với chức danh nghề nghiệp là giải pháp sử dụng, phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức, đồng thời tạo điều kiện giao lưu, học hỏi về chuyên ngành công tác và tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ trí thức.

Công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm cũng được tăng cường, hiện có 622 đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bình quân hàng năm có khoảng 70 đối tượng lập hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ và khoảng 15% trong số đó được công nhận quyền sở sữu trí tuệ đối với sản phẩm đã đăng ký.

Các chính sách thu hút nhân tài, chính sách thu hút trí thức trẻ qua đào tạo chính quy, những cán bộ có trình độ Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ về các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được tỉnh tích cực triển khai thực hiện; khuyến khích đội ngũ trí thức tăng cường về cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Trong quản lý, bố trí công tác cho trí thức, các cấp uỷ, chính quyền có nhiều phương thức quản lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức được quan tâm; chú trọng đến vị trí, vai trò của trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 03 trường đại học, 05 trường cao đẳng và nhiều trường trung cấp nghề. Việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cũng như sự đa dạng về hình thức đào tạo đã bổ sung đáng kể đội ngũ trí thức cho địa phương hàng năm.

Đồng thời, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thường xuyên làm tốt việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của tỉnh; tạo điều kiện và cơ chế để đội ngũ trí thức thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của cấp ủy Đảng và chính quyền, đặc biệt là các đề án, dự án, công trình quan trọng, có liên quan tới lĩnh vực xã hội và môi trường như các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, quy hoạch dân cư...

Bên cạnh đó, việc thực hiện hoạt động đối thoại giữa trí thức và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đã cởi mở, dân chủ hơn. Hàng năm, Tỉnh ủy đều tổ chức gặp mặt đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, báo giới nhân dịp đầu xuân. Đối với các vấn đề quan trọng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng tổ chức cho cán bộ, công chức là trí thức được bàn bạc, thống nhất, nhất là trong các lĩnh vực tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển, các văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ trí thức luôn được các cấp quan tâm thực hiện; thường xuyên quán triệt, giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua nhiều hình thức cho đội ngũ trí thức.
 

Chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk

Trong những năm qua, song song với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh luôn được Đảng bộ quan tâm đặc biệt. Tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra mục tiêu “…Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo hướng văn minh, hiện đại gắn kết chặt chẽ với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng Tây Nguyên”. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có vai trò của đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo, bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cơ bản được giữ gìn và phát huy. Cụ thể như sau:

Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất phong phú, đặc sắc, mỗi dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa, độc đáo riêng, góp phần tạo nên sắc thái văn hóa đa dạng. Hàng năm, Ban Tuyên giáo phối hợp các ngành chức năng tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; đã lập danh mục gần 100 lễ hội truyền thống của các dân tộc Êđê, Mnông, J’rai… thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời người, vòng cây lúa và các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp; tiến hành phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, như: Nghi lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe, kết nghĩa anh em, cúng cầu mưa, cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, cúng vào nhà mới, ăn cơm mới, lễ cưới truyền thống…Đặc biệt tại các kỳ Lễ hội cà phê được (tổ chức 02 năm một lần), hàng trăm các tiết mục văn nghệ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung Đắk Lắk nói riêng đã được phục dựng, biểu diễn đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc nơi đây.

Xác định vai trò quan trọng của các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, gắn liền với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; khi tham gia thảo luận, đề xuất các chủ trương và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động định hướng, phối hợp các cấp, các ngành khảo sát, đánh giá sự tác động môi trường kinh tế, xã hội đến bản sắc đồng bào các dân tộc thiểu số; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc như: định kỳ hai năm một lần, tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên, gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm duy trì và phát huy văn hóa truyền thống ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến như tổ chức Lễ hội dân gian Văn hóa Việt Bắc của đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc (tại huyện Krông Năng); Lễ hội Hảng Pồ của đồng bào Nùng (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ), Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, Nùng (huyện Cư M’gar) vào tháng Giêng âm lịch hàng năm… Việc tổ chức tốt các lễ hội truyền thống trên địa bàn đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan du lịch…

  Chú trọng công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với tuyên truyền ngăn chặn, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như: tục nối dây, người chết để lâu trong nhà, tục tảo hôn, cúng trừ con ma bệnh… Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyên truyền viên cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số về việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khơi dậy và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, xây dựng đời sống tiến bộ.

 Tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo duy trì tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; tham mưu chỉ đạo tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” hàng năm; đây là hoạt động quan trọng trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk. “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” được tổ chức ở tất cả các địa phương, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng; trình diễn trang phục, ẩm thực dân tộc; phục dựng các nghi lễ cổ truyền; hội thao các dân tộc thiểu số; trưng bày, triển lãm văn hóa các dân tộc… thu hút sự quan tâm của Nhân dân, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo nghệ nhân và đồng bào các dân tộc thiểu số…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Lăk khẳng định, việc triển khai công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm ở Đắk Lắk kịp thời, đúng tiến độ, tập trung trọng tâm và trọng điểm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 
Đồng chí Nguyễn Cảnh cũng nhấn mạnh lại một số nội dung xoay quanh các chủ đề, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh; vai trò công tác tuyên giáo trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk; việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; công tác tuyên truyền, giáo dục về đại đoàn kết toàn dân tộc, chống âm mưu và thủ đoạn kích động, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh… Trong đó, đồng chí chú trọng về những nội dung khó khăn, vướng mắc mà công tác tuyên giáo hiện nay đang gặp phải; đồng thời, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Cảnh cũng đề nghị Tạp chí Tuyên giáo sẽ dành một khoảng dung lượng phù hợp trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên in và Tuyên giáo điện tử để phản ánh thực tiễn trong hoạt động công tác tuyên giáo của các tỉnh, thành ủy, địa phương cơ sở để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng như ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất