Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 8/6/2018 9:51'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng hợp tác, liên kết vùng của Cần Thơ với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long


Thường trực Thành ủy Cần Thơ làm việc với đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức và Văn phòng Chính phủ

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đã ký kết thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020. 

Trong quá trình liên kết, hợp tác, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương và sự chủ động của các sở, ngành trong xây dựng kế hoạch tổ chức ký kết hợp tác, nên đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành giữa Thành phố Cần Thơ và các tỉnh. 

Tuy nhiên, công tác liên kết, hợp tác thời gian quan vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế; việc triển khai các nội dung liên kết chỉ mới diễn ra ở mức ban hành kế hoạch, tổ chức hội thảo, hội nghị, ít triển khai trong thực tiễn; việc xác định các nội dung còn mang tính dàn trải trên nhiều lĩnh vực, chưa đánh giá hết tiềm năng, lợi thế cũng như nhu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu của mỗi địa phương để có giải pháp manh tính tập theo nguyên tắc “có qua có lại” để từ đó triển khai trong thực tiễn. 

Trong thực tế, nhiều công trình, dự án mang tính chất vùng, đặt trên một hoặc nhiều địa phương vẫn do ngân sách Trung ương đầu tư, các địa phương chỉ có thể kiến nghị Trung ương quan tâm, sớm triển khai thực hiện nên rất bị động; đối với các công trình, dự án có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phần lớn các địa phương đều tính toán việc đầu tư sao cho có lợi cho địa phương mình, chưa coi trọng vấn đề hỗ trợ cho các địa phương khác, song song đó nguồn vốn ngân sách địa phương hạn chế cũng góp phần làm chậm trễ việc triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác. Đặc biệt, mối liên kết song phương, nhằm hỗ trợ nhau phát huy hết tiềm năng lợi thế và khắc phục những hạn chế của từng địa phương chưa được triển khai trong thực tế…

Trao đổi thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Cần Thơ cho rằng, trong thời gian qua việc liên kết vùng mặc dù có đầy đủ cơ sở pháp lý, nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu "đầu tàu" chỉ đạo điều hành, do đó cần phải có sự tham gia của Chính phủ thì sự liên kết vùng mới mang lại hiệu quả.

Tiến sĩ Tim Mc Grath, Trưởng nhóm cố vấn chính sách Tổ chức GIZ cho biết trên cơ sở những thông tin tại buổi làm việc, đoàn công tác sẽ có những định hướng trong việc thực hiện các chương trình, dự án trong tương lai. Tổ chức GIZ cũng mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt sẽ xem xét các địa phương cần quan tâm hỗ trợ về mặt kỹ thuật gì từ Tổ chức GIZ để phát huy tốt mối liên kết vùng trong thời gian tới./.

 

Tấn Vĩnh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất