Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:18'(GMT+7)

Đắk Lắk: Hiệu quả của mô hình phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng ở Hòa Xuân

Ông Nguyễn Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cho biết: Xã có 5 thôn, 3 buôn và 1 khu dân cư với 1.765 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 7 15 hộ . Theo khảo sát của ngành y tế, đến đầu năm 2013 toàn xã có 8 người bị lây nhiễm HIV/AIDS (trong đó 7 người là đồng bào dân tộc thiểu số), 5 người phát hiện lây nhiễm mới trong năm 2013. Nguyên nhân lây nhiễm là đồng bào thiếu kiến thức phòng chống HIV/AIDS, một số bị lây nhiễm từ người thân. Thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS còn phổ biến trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trước thực trạng trên, tháng 10/2013, xã Hòa Xuân được Ủy ban Dân tộc, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xây dựng mô hình điểm “ Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên”. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lây nhiễm HIV, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. 


Để thực hiện mô hình, Ủy ban Dân tộc và chính quyền xã Hòa Xuân xác định tuyên truyền là hoạt động trọng tâm. Xã đã triển khai tập huấn chuyên môn cho các ngành, đoàn thể, các già làng, trưởng buôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín…tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề tại Nhà văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS xã Hòa Xuân tổ chức hội thi “Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng”, thu hút đông đảo đồng bào của xã và các buôn, các thôn lân cận tham dự. Xã cũng tổ chức cho 3 buôn ký cam kết “Không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội” và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của xã cam kết gia đình “Không có người nhiễm HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”. 

Trong quá trình triển khai mô hình, xã Hòa Xuân đã tuyên truyền, nhân rộng những cá nhân điển hình, tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS như chị H’đum Êban - cán bộ truyền thông của Trạm Y tế. Với ưu thế là người địa phương chị H’đum tích cực tổ chức các buổi nói chuyện về HIV/AIDS với bà con. Vào các ngày cuối tuần chị H’đum còn xuống tận nhà dân để hướng dẫn đồng bào cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Ông Y Prôk Pyă, buôn Drây H’Linh, xã Hòa Xuân cho biết: Đây là lần thứ 2 trong năm gia đình ông được chị H’đum đến tận gia đình để tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cấp phát tạp chí, sách báo tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Theo ông Y Prôk, chị H’đum là người địa phương, hướng dẫn bà con bằng hai thứ tiếng Việt và Êđê nên đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, tin và làm theo. Ông Y Prôk mong muốn có nhiều buổi truyền thông ở gia đình bởi theo ông truyền thông ở nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi gia đình chỉ có 1 thành viên được tham dự, còn khi cán bộ xuống tận nhà thì các thành viên đều được tiếp xúc, hiệu quả tuyên truyền cao hơn. 

Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, nội dung phong phú và với những tuyên truyền viên người đồng bào tại chỗ am hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại xã Hòa Xuân đã đạt được những kết quả tích cực. Xã huy động được 100% ban, ngành, đoàn thể xã tham gia; tăng 20% tỷ lệ người dân trong độ tuổi 15-49 hiểu đúng về HIV/AIDS và có thái độ tích cực đối với người lây nhiễm . Các mục tiêu, chỉ tiêu của mô hình đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đặt ra. 

Tây Nguyên nói chung Đắk Lắk nói riêng chưa phải là “điểm nóng” về HIV/AIDS nhưng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ này. Từ khi Ủy ban Dân tộc triển khai mô hình điểm Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Xuân, đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đồng bào không những hiểu đúng, không kỳ thị phân biệt đối với người bị lây nhiễm HIV mà cùng giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Ông Đỗ Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đánh giá : mô hình truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Xuân là điểm sáng nên nhân rộng tại các tỉnh Tây Nguyên./.

Theo Văn Cường/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất