Chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) theo chương trình toàn khóa và các chuyên đề hằng năm như: Năm 2017 - “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; năm 2018 - “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; năm 2019 - “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Theo đúng kế hoạch đề ra, hằng năm mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt nội dung chuyên đề, gắn việc học và làm theo Bác với tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là phát huy vai trò gương mẫu, tiền phong của người đứng đầu. Đặc biệt, chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII) gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách công tác quần chúng của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng thường kỳ, đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh đã thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình; chủ động phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, v.v.. để nâng cao tinh thần phụng sự nhân dân, vì nhân dân phấn đấu làm người “công bộc” mẫu mực.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại 71 xã, phường, thị trấn và 789 thôn, tổ dân phố của tỉnh Đắk Nông, 1.546 cán bộ, công chức cấp xã và 1.281 cán bộ không chuyên trách cùng 10.936 người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hướng về cơ sở, gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết yêu cầu, bức xúc của nhân dân, nâng cao tinh thần và trách nhiệm công tác; gương mẫu nói đi đôi với làm, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Từ đó, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới,v.v.. góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
Đưa việc học và làm theo Bác trở thành nền nếp, thành nhu cầu tự giác, hằng ngày theo tinh thần Chỉ thị 05, đội ngũ cán bộ cơ sở tỉnh Đắk Nông đã làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, kiên quyết phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, v.v.. Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên tại mỗi cấp ủy, mỗi địa bàn cơ sở. Từ thực tiễn, đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, mô hình sáng tạo, gương điển hình của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong “làm theo” Bác.
Cụ thể, hướng về cơ sở, mỗi cấp ủy và người đứng đầu xã, phường, thị trấn của tỉnh đã lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ sở để tập trung giải quyết như quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng đất đai và môi trường; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, v.v.. thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm phụng sự nhân dân.
Đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gần dân hơn, sát dân hơn để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; định kỳ, thường xuyên và đột xuất lấy ý kiến góp ý của nhân dân kết hợp với các hội nghị tiếp xúc cử tri, họp cộng đồng, đối thoại với người đứng đầu, sử dụng thùng thư góp ý, phiếu góp ý để nâng cao hiệu quả công tác. |
Lực lượng quân sự tỉnh Đắk Nông đã góp phần tăng cường mối quan hệ quân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với quân đội, tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể. Hướng về nhân dân, tận tâm, tận lực vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Dang đã giúp bà con các dân tộc khu vực đóng quân 178 ngày công chăm sóc cây trồng và thu hoạch mùa màng; giúp một hộ gia đình Bon Bu Sóp nuôi gà Lương Phượng lai Ai Cập mang lại hiệu quả kinh tế cao… Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, với trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức đã chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ cây giống, con giống hoặc ngày công lao động,v.v.. tạo động lực giúp họ phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đảng ủy Công an các huyện, thị xã ở tất cả các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công an nhân dân của tỉnh đã gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào thi đua “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Thông qua học tập, triển khai và viết thu hoạch đã nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, việc tất yếu phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức người công an nhân dân nói riêng; coi đó là nội dung cốt lõi để xây dựng lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông trong sạch, vững mạnh.
Thiết thực làm theo lời Bác, chị Lê Thị Liên, Bí thư Chi bộ Bản Đầm Giỏ (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) đã cùng cấp ủy các cấp vận động các nhà hảo tâm trong tỉnh chung sức tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Bản thân gia đình chị cũng đã ủng hộ tập thể 17 triệu đồng và hiến 8.000 m2 đất để xây dựng trường học. Thầy giáo Nguyễn Quang Trung có nhiều năm gắn bó với Trường THCS Quảng Hòa, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đã thông qua mạng xã hội, bạn bè và người thân kêu gọi các nhà hảo tâm mỗi người một chút, “của ít, lòng nhiều” cùng chung tay góp sức giúp đỡ để các em có thêm được những bữa ăn giàu chất dinh dưỡng, v.v..
Tiếp tục đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ cơ sở tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, với Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Qua đó, mỗi cán bộ tại địa bàn cơ sở hằng ngày tự soi, tự sửa, tự giác đấu tranh với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhất là những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, các biểu hiện cơ hội, thực dụng, cánh hẩu, lợi ích nhóm, v.v.. để mưu cầu lợi ích cho cá nhân và người thân, gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ hai, cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống người cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó, có cán bộ cơ sở, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải quán triệt, xây dựng kế hoạch phấn đấu và tự giác rèn luyện hằng năm; phải gương mẫu thực hiện trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba, mỗi cán bộ cơ sở cần nêu cao trách nhiệm gương mẫu trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công tác; rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ tùy vị trí công tác và chức trách được giao. Cụ thể, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, gương mẫu và tận tụy, chủ động và sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Mỗi cán bộ phải dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, có lý, có tình; thống nhất giữa nói và làm, đã nói thì phải làm, kiên quyết chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, lãnh đạo HĐND, UBND cần phối hợp để tiếp công dân cũng như thành lập số điện thoại đường dây nóng, thùng thư góp ý… để nhân dân kịp thời phản ánh, đóng góp ý kiến, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ tại địa bàn cơ sở. Phát huy vai trò của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân hiến kế, góp ý vào các chương trình, hoạt động của Đảng, chính quyền; tăng cường vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên tại địa bàn cư trú; lắng nghe và xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, thiết thực xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, chính quyền các cấp liêm chính. o
ThS. Nguyễn Thị Hồng Hoa
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh