CHAN CHỨA TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI, VÌ CON NGƯỜI
Cả cuộc đời cách mạng đầy gian khó song rất đỗi vinh quang của mình, Hồ Chí Minh dành hết thảy để đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, nhân dân Việt Nam được tự do, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Luôn vì lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp và con người một cách triệt để, trái tim Hồ Chí Minh không chỉ cảm thông với nỗi lầm than, cơ cực của những người dân Việt Nam bị đọa đày trong đêm trường nô lệ mà còn hòa nhịp với khát vọng giải phóng của các dân tộc bị áp bức và giải phóng con người. Coi con người là trung tâm của sự nghiệp cách mạng, tình yêu thương con người, vì con người trong Hồ Chí Minh không dừng lại trong suy nghĩ và nhận thức mà trở thành ý chí, quyết tâm tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi áp bức bất công, giành lại độc lập, tự do, giá trị làm người, đem lại những quyền cơ bản và sự phát triển toàn diện cho con người.
Vì thế, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người không chỉ nhận thức đúng về vị trí, vai trò và giác ngộ, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân góp sức trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Người còn cùng Đảng, Chính phủ thực thi những quyết sách thiết thực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã cùng Chính phủ nỗ lực và quyết tâm chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới”(2), song “tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(3). Cho nên, theo Người, Đảng và Chính phủ phải: 1) Cấp tốc thực hiện nhiệm vụ “làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”; nỗ lực thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, để “làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(4). 2) Xây dựng hệ thống pháp luật nhân văn do con người và vì con người, để giải quyết mối quan hệ giữa người với người, giữa người với công việc trên nền tảng có lý, có tình. 3) Xây dựng các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân; trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước phải phục vụ nhân dân với tinh thần “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh”… 4) Phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; trong đó, xây dựng “chủ nghĩa xã hội là trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(5)…
Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(6). Ở đời, thì phải yêu nước; làm người, thì phải thương dân, thương nhân loại bị áp bức bóc lột, vì thế, Hồ Chí Minh coi việc được làm người “công bộc”, phụng sự nhân dân là một việc làm cao thượng, đúng như Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”(7).
Suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, trước lúc đi xa, Người để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”; đồng thời dặn lại những công việc cần thiết phải làm sau khi chiến tranh kết thúc trong bản Di chúc lịch sử.
Như một Cương lĩnh hành động cho sự phát triển của đất nước sau chiến tranh, ẩn chứa bên trong tình yêu thương đối với thiên nhiên, con người và cuộc đời, Di chúc Hồ Chí Minh đề cập nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc và độc đáo về đạo đức, nhân văn, môi trường, chính sách xã hội, v.v.. nhưng bao trùm lên tất cả là chiến lược con người. Tình thương yêu vô bờ bến với con người trong Di chúc làm nổi bật giá trị của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN DI HUẤN CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI, VÌ CON NGƯỜI
Hành trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh khởi nguồn từ lòng yêu nước, thương nhân dân; viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam (6-1919) để đòi quyền tự do, bình đẳng với những khái niệm “con người và quyền con người”; đọc Tuyên ngôn Độc lập (9-1945) tuyên bố về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam,v.v.. đến khi khép lại cuộc đời mình, Người để lại bản Di chúc cùng lời dặn “đầu tiên là công việc đối với con người” và chỉ tiếc là “tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Trong Di chúc, tất cả những điều Hồ Chí Minh căn dặn Đảng cần phải làm từ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thực hiện dân chủ rộng rãi; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng đến Đảng và Chính phủ phải chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, thực hiện chính sách xã hội đối với các tầng lớp nhân dân,v.v.. đều hàm chứa nội dung liên quan đến con người và vì con người.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn lấy việc cải tạo thế giới làm mục tiêu cho mọi hành động, trong đó giải phóng dân tộc và giải phóng con người là mục tiêu thực tiễn và trực tiếp. Vì thế, xuất phát từ bản chất của cách mạng là xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới; là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi”, Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đây là một công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”, cho nên, “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”.
Vì con người, coi con người là trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động, trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn những công việc trọng đại của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo đều gắn với con người. Đó là cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân, v.v.. những người đã không tiếc máu xương, sức lực, trí tuệ và tinh thần để hiến dâng và góp sức cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn là những nạn nhân của chế độ cũ; những kẻ lầm đường lạc lối đã vì cảnh ngộ mà lạc bầy cũng được Người quan tâm, không bỏ sót…
Cụ thể, Người nhấn mạnh, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết, cho nên, với đoàn viên thanh niên; với “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”, Đảng “cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế vừa “hồng” vừa “chuyên””; phải chọn cho đi đào tạo thành “những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc” và đó là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng và đặt sự nghiệp giải phóng con người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, mỗi con người, mỗi người dân không thể có tự do, hạnh phúc nếu dân tộc là nô lệ, nghèo nàn và lạc hậu. Song, con người chỉ thực sự là động lực của cách mạng khi được thức tỉnh, giác ngộ, tổ chức, dẫn dắt bởi một chính Đảng tiền phong và một lý luận cách mạng đúng đắn, khoa học. |
“Với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình” (cán bộ, binh sĩ, dân quân,v.v.. và thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ,v.v.. thì “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người” để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”, “có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. “Với các liệt sĩ”, mỗi địa phương cần “xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm”, để không chỉ vinh danh sự hy sinh anh dũng của họ mà còn qua đó, đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân. Với phụ nữ, những người đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” và bản thân phụ nữ cũng phải cố gắng vươn lên. Với những nạn nhân của chế độ cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v.. Nhà nước phải vừa giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Còn với bà con nông dân, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm “để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”, v.v.. Làm được như vậy thì “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau trong Di chúc thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích cả cộng đồng. Đó không chỉ là “tiếng lòng” của Người để lại cho mỗi người dân đất Việt hôm nay và mai sau mà là sự kết tinh những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước; là sự chắt chiu những kinh nghiệm của một vị lãnh tụ luôn tận tâm với nước, tận hiếu với dân. Đó cũng chính là sự biểu đạt đặc sắc tư tưởng của Người về chính sách xã hội: theo nghĩa rộng, đó chính là sự bảo đảm thực hiện các quyền để con người được sống tự do, hạnh phúc, xã hội ổn định, phát triển; theo nghĩa hẹp, là sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của mỗi người dân, của những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi thiên tai, địch họa, bệnh tật,v.v..
Nửa thế kỷ sau khi Người đi xa, nhất là sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, với chủ trương, đường lối đúng đắn, với việc triển khai các chính sách, pháp luật phù hợp, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực thực hiện ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn chính sách xã hội cho con người, vì con người. Đó chính là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững.
Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định việc thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người; phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, tạo điều kiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mỗi người dân về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất,v.v..
Nhất quán quan điểm đó, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi ở; người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi” (Điều 35), v.v.. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội… quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững”(8) đã thể hiện quan điểm về chính sách xã hội phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư sâu sắc trên tinh thần “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã ký kết”(9).
Đưa quan điểm của Đảng và những căn dặn của Hồ Chí Minh trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn, các đạo luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của mỗi người dân. Chính sách đối với người có công, các chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ được bổ sung và luật hóa, đã phát huy cao độ lòng yêu nước của đồng bào cả nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cùng với đó, chính sách an sinh xã hội, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội có trọng tâm, trọng điểm, chú ý đến nhóm người yếu thế trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa,v.v.. phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được triển khai sâu rộng, không chỉ thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội mà còn thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa, hướng đến xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
----------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.15, tr.611- 623.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.361.
(3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.175, 272.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.81.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.17.
(6) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Pháp lý, H, 1990, tr.174.
(8), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.134-135, 167.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương
ThS. Phùng Thị Phương Loan
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk