(TG)-Mặc dù là địa phương không có biển, đảo, nhưng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền về biển, đảo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tỉnh đã chủ động biên soạn, phát hành một số tài liệu chuyên đề biển, đảo và cấp miễn phí hơn 24.340 bộ tài liệu, đề cương tuyên truyền. Trong đó có hơn 2.000 tài liệu biên soạn, in ấn bằng hình thức sổ tay, bỏ túi cho lực lượng đoàn viên, thanh niên. Từ năm 2008 đến nay, riêng hệ thống tuyên giáo Đắk Nông đã tổ chức trên 120 cuộc tuyên truyền chuyên đề, hoặc có nội dung liên quan đến vấn đề biển, đảo cho trên 18.907 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Cao điểm là năm 2014, trong và sau thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hoạt động tuyên truyền miệng được tổ chức liên tục, đến từng tổ chức cơ sở đảng; gặp trao đổi, cung cấp thông tin với chuyên gia, công nhân nhà thầu Trung Quốc đang trực tiếp xây dựng nhà máy Alumil Nhân Cơ... Thư viện tỉnh xây dựng “Góc biển đảo” với 500 đầu sách phục vụ bạn đọc. Tỉnh đoàn Đắk Nông xây dựng kế hoạch tổ chức được 36 hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ có lồng ghép chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, thu hút hơn 4.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh biên soạn tài liệu hỏi - đáp pháp luật với trên 1.500 tờ; xây dựng được 01 đĩa hình có nội dung tuyên truyền pháp luật cấp phát về cơ sở; Tổ chức tuyên truyền tập trung thông qua họp dân định kỳ hàng quý và "Ngày pháp luật" với trên 200 buổi cho trên 13.000 lượt người dân. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội thi Tuổi trẻ lực lượng vũ trang với biển, đảo quê hương thu hút 17 đội tham gia.
Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm tỉnh tổ chức ít nhất một hội nghị thông tin chuyên đề tình hình biển, đảo cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Trong đó có nhiều hội nghị địa phương chủ động mời các báo cáo viên trung ương trực tiếp truyền đạt. Gần đây nhất, năm 2017 đã tổ chức 02 hội nghị chuyên đề, mời các báo cáo viên là nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam, Cục Chính trị - Quân chủng Hải quân.
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan; văn hóa, văn nghệ luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, sau 10 năm toàn tỉnh đã thực hiện hơn 300 m2 panô, dựng 14 cụm panô, áp phích chiến lược, treo 3.432 m2 băng rôn về chủ quyền biển, đảo tại các trục đường chính, khu trung tâm; tổ chức lưu diễn trên 20 lượt chương trình nghệ thuật về đề tài ca ngợi biển, đảo quê hương phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng biên giới. Năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tổ chức thành công Cuộc triển lãm trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại tỉnh và 7 huyện, thị xã, thu hút hơn 11 ngàn lượt người tham quan.
Năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với Quân cảng Sài Gòn, trong đó có mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền miệng, đưa cán bộ chính trị của lực lượng Hải quân trực tiếp thực hiện nhiệm tuyên truyền ở cơ sở, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức được 02 đoàn công tác của tỉnh; nhiều cán bộ, đảng viên được thăm Trường Sa và các nhà giàn DK1 với tư cách là thành viên của các đoàn do các cơ quan Trung ương tổ chức; đặc biệt có 10 già làng, trưởng bon, buôn là người có uy tín được tham gia chuyến đi thực tế Trường Sa do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức vào tháng 5/2014. Đây là kênh thông tin tuyên truyền miệng đặc biệt hiệu quả, có tính lan tỏa cao, sau chuyến thăm tỉnh bố trí cho các Già làng đi kể chuyện ở các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, các bon, buôn trên địa bàn tỉnh./.
Hồng Sơn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông