Chủ Nhật, 17/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 24/9/2013 22:43'(GMT+7)

Đắk Nông: Huy động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn xuất phát từ thực tế là một tỉnh nông, lâm nghiệp, với gần 85% dân số sống ở nông thôn, hơn 60% lao động làm nông nghiệp, để xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, ổn định chính trị và thực hiện công tác an sinh xã hội của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ năm 2010, Đắk Nông đã chọn 6 xã trong tỉnh thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sau 2 năm triển khai tổ chức thực hiện, nhận thức của cán bộ và người dân đã có nhiều thay đổi về xây dựng NTM, đồng thời đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh. Theo đó, xác định xây dựng NTM là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp, nhất là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư (BCTMTKDC) đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Hưởng ứng phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với “Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng NTM của địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân - chủ thể trực tiếp có vai trò quan trọng và quyết định trong xây dựng NTM về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM.

Các BCTMTKDC đã tổ chức trên 2.000 cuộc họp dân ở khu dân cư để nhân dân thảo luận, bàn bạc, góp ý kiến vào dự thảo các đề án, quy hoạch xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng, làm đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng, phá dỡ cổng dậu, chỉnh trang nhà ở, xây dựng khu vui chơi thể thao, nhà văn hoá ... Nhờ phát huy được tính dân chủ trong quá trình triển khai nên phong trào đã nhận được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, kết quả, hầu hết các địa phương đã tập trung nâng cấp, sửa chữa các hạng mục xây dựng cơ bản như: Cứng hóa 257,049 km đường giao thông; 138 phòng học và đang xây dựng mới 125 phòng học; 13 nhà văn hóa thôn...

Toàn tỉnh có 61/61 xã đã phê duyệt xong quy hoạch và được triển khai lập đề án xây dựng NTM, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại có 50/61 xã đã được phê duyệt đề án và đều được rà soát theo 19 tiêu chí, 11 nội dung, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đặc biệt các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm mục đích nâng cao mức sống cho nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 43 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho hơn 3.060 lượt cán bộ từ cấp tỉnh đến thôn, buôn; đào tạo 67 lớp học nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập ổn định cho nhiều người. Nhờ đó, toàn tỉnh đã tăng thêm 47 tiêu chí so với cuối năm 2012. Cụ thể, 19/61 xã đạt từ 5 - 10 tiêu chí, 42 xã đạt dưới 5 tiêu chí; xã có số tiêu chí đạt thấp nhất là 2 tiêu chí; xã có số tiêu chí đạt cao nhất là 10 tiêu chí. Đắk Nông được đánh giá là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành công tác lập quy hoạch chung trong xây dựng NTM. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho cán bộ và người dân hiểu rõ về chương trình; kêu gọi các địa phương chủ động lồng ghép chương trình xây dựng NTM với dự án khác đã được triển khai trên địa bàn để tập trung thực hiện những tiêu chí gần hoàn thành, những tiêu chí sử dụng ít ngân sách.

Từ việc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa để xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có trên 68% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 53% thôn, buôn, bon, tổ dân phố văn hóa, 7% xã văn hóa, 76% cơ quan, đơn vị văn hóa. Có hàng trăm khu dân cư đã tổ chức vận động nhân dân bàn bạc đóng góp xây dựng Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đường làng, ngõ xóm; hầu hết các khu dân cư có phong trào tự quản về an ninh trật tự, nhiều khu dân cư là điểm sáng về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải…. Nhiều hạng mục công trình như: Hệ thống giao thông liên thôn được kiên cố hóa; các công trình thủy lợi được nâng cấp phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; cơ sở trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc được xây dựng kiên cố; các Nhà văn hóa được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu dân cư.

Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách, tạo động lực để nhân dân hăng hái tham gia hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, MTTQ các cấp, vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; kịp thời phát hiện, kiến nghị, phản ảnh với các cấp có thẩm quyền để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...

Tuy nhiên, quá trình chung sức xây dựng NTM của MTTQ các cấp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò chủ thể của mình đối với xây dựng NTM; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ thôn, buôn, bon còn hạn chế nên lúng túng trong triển khai thực hiện; xây dựng NTM đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và sự đóng góp của nhân dân có hạn; sự quan tâm và tập trung chỉ đạo chương trình ở một số địa phương còn hạn chế, chất lượng công tác quy hoạch còn bất cập, mới quan tâm đến tiêu chí hạ tầng chưa chú ý đến các tiêu chí văn hóa.... Một số xã chưa nắm chắc về 19 tiêu chí nên đánh giá hiện trạng chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến lộ trình thực hiện các tiêu chí cho từng năm chưa sát thực, có biểu hiện chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên; một số địa phương chưa coi trọng phát huy dân chủ và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn...

Để khắc phục những mặt hạn chế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong những năm tới, cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức thành viên và sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân trong việc tham gia xây dựng NTM. Từ đó, đồng lòng chung sức đóng góp vào sự thành công xây dựng NTM.

Hai là, phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội và giám sát các công việc, hạng mục thi công tại các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM; phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề xuất với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng NTM.

Ba là, tăng cường tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động. Phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch trong việc “Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”, tạo tiền đề trong việc xét công nhận danh hiệu “Thôn, buôn, bon, Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”.

Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là BCTMTKDC gắn với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, làm cho nội dung công tác Mặt trận ngày càng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn; lồng gắn việc tổng kết, biểu dương “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” với biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM vào dịp tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” 18/11 hàng năm, góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM../.


Nguyễn Ngọc Vân
 Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất