Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Kinh tế phục hồi ấn tượng nhờ các quyết sách đúng, kịp thời
Thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu đều đánh giá, năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, đó là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc, mức GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2022 giảm mạnh (tăng 5,9% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong quý III/2022) nhưng nước ta vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu nêu lên một số băn khoăn: Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục sụt giảm, mặc dù tốc độ sụt giảm thấp hơn so với năm 2021, ở mức 0,2%; Mức đóng góp vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng sụt giảm ở mức 1,36% so với năm 2021, so với các nước trong khu vực mức đóng góp của vốn tài sản ICT của Việt Nam ở mức rất thấp. Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ 33,4 điểm năm 2020 xuống còn 20,1 điểm năm 2022.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), đây đều là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp, thể hiện ở năng suất và chất lượng lao động còn thấp, tăng trưởng và đóng góp của TFP suy giảm, đóng góp của kinh tế số và mức độ đổi mới sáng tạo còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả môi trường của tăng trưởng đang ở mức báo động. “Đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan”- đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu rõ.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo kế hoạch, Chính phủ cần phải có giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện, các quý còn lại của năm nay phải đảm bảo tăng bình quân từ 7,5 - 8%.
Cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp căn cơ, liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhấn mạnh: Nếu làm được, sẽ bảo đảm an ninh kinh tế vì hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, tỷ lệ nội địa hóa đang rất thấp, đại biểu Tạ Đình Thi nói: Trong dự án thủy điện, hiện nay chúng ta mới chủ động được khoảng 30%, với nhiệt điện là 25%, điện khí 7%, với lĩnh vực điện gió tỷ lệ phụ thuộc là 100%. Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông. Tuy nhiên, chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó. Như trong lĩnh vực du lịch, chúng ta có rất nhiều tiềm năng; thời điểm dịch COVID-19, Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt.
Đồng tình với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã góp phần giúp kinh tế - xã hội phục hồi và vượt qua những khó khăn trong năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) nhận định: Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội theo báo cáo của Chính phủ cho thấy, chúng ta có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Bước sang năm 2023, mọi khó khăn đang dần lộ diện, nhất là từ hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. “Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chưa được 16% là chưa đạt. Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không có tháo gỡ và sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả giai đoạn sau này”, đại biểu nói.
Đảm bảo tốc độ tăng trưởng phải bằng cả giải pháp cấp bách và lâu dài
Ở tổ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, năm 2022, đất nước nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát. Nhưng năm 2023, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh thương mại thế giới suy giảm, xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp cắt đơn hàng, tác động đến người lao động, an sinh xã hội đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải có sự tập trung, có cả giải pháp cấp bách và lâu dài.
Băn khoăn về việc nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng bên trong của nước ta chưa phát huy tốt, hạ tầng còn khó khăn từ giao thông đến y tế, nhưng đầu tư công lại "không dùng hết tiền", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Năm 2022 còn dư gần 20% đầu tư công với gần 135.000 tỷ đồng không sử dụng đến. Nếu tất cả số tiền này được sử dụng, không chỉ tạo thêm thu nhập những người trực tiếp sản xuất hàng hóa, mà nó còn kích thích vận tải phát triển, nông nghiệp phát triển, thương mại phát triển. Đây là sự lãng phí thời cơ và sự lãng phí này đã kéo dài, cần phải đề cập đến.
Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu thực trạng lương của người đi làm không đủ trang trải cuộc sống. Theo đại biểu, đất nước đã thống nhất 48 năm, kinh tế đạt nhiều thành tựu, GDP bình quân đầu người đã hơn 4.000 USD mỗi năm nên mức tiền lương tối thiểu phải được tính toán đảm bảo mức sống tối thiểu.
“Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đi gặp nhiều công nhân, người lao động, làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng, sống sao được" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Cũng trong sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tổ về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư dự án đường từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận.
Các đại biểu đã thảo luận về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Hạnh Quỳnh (TTXVN)