Hội thảo về chính sách lao động nữ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc diễn ra sáng 25/9 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm thảo luận, làm rõ hơn thực trạng việc thực hiện chính sách lao động nữ hiện nay, nhất là trong các doanh nghiệp; tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để tham gia vào quá trình bổ sung, sửa đổi Bộ Luật Lao động, trong đó có chương quy định về lao động nữ.
Theo các đại biểu dự hội thảo, hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề liên quan đến lao động, quan hệ lao động. Hệ thống chính sách hiện hành đã quy định rõ các chính sách lao động nói chung, trong đó có những đặc thù cho lực lượng lao động nữ. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với lao động nữ đã thể hiện rất rõ là luôn tạo cơ hội bình đẳng cho lao động nữ với nam giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động. Trong các văn bản Luật (Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật Lao động) đều có các quy định làm rõ các quyền của người lao động, trách nhiệm của Nhà nước và người sử dụng lao động; các chính sách của Nhà nước về cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ…
Tuy nhiên, giữa chính sách và thực tế vẫn còn một khoảng cách không nhỏ và không phải ở đâu và bao giờ quyền lợi của lao động nữ cũng được đảm bảo. Theo PGS.TS Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bảo hộ lao động, hiện nay môi trường làm việc và tình trạng sức khoẻ của người lao động ở nước ta nói chung và nữ lao động nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Môi trường làm việc vẫn còn bị ô nhiễm bởi các yếu tố như bụi, ồn, hơi khí độc… Kết quả khảo sát của Viện cho thấy, có tới 40,26% lao động, trong đó phần lớn là nữ bị các bệnh liên quan đến môi trường như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi…
Về việc thực hiện luật pháp lao động, các chính sách, chế độ cho lao động nữ thời gian qua cũng được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm thực hiện nhưng thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, quyền lợi của lao động nữ vẫn chưa được đảm bảo. Theo điều tra mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại một số khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông nữ lao động hàng năm có đến 10% nữ công nhân nghỉ thai sản nên công ty tuyển người khác thế chỗ; hầu hết công nhân trong các doanh nghiệp đều phải làm thêm giờ nhưng được trả mức lương quá giờ không đúng cam kết của công ty; lao động nữ thường có thu nhập thấp…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trưởng Ban nữ công Tổng Liên đoàn cho rằng, để thực hiện tốt các quy định của pháp luật, trước hết phải nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị và người lao động. Tổ chức công đoàn cần thúc đẩy tuyên truyền về bình đẳng giới và cải thiện điều kiện của nơi làm việc; đồng thời phải tập trung thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ với công cụ thiết thực nhất là phải thương lượng và xây dựng các thoả ước lao động tập thể có chất lượng với các điều khoản cao hơn trong quy định của Luật, trong đó có các điều khoản dành riêng cho lao động nữ./.
(VOVNews)