Thứ Ba, 26/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 1/3/2017 21:3'(GMT+7)

Đảm bảo Cổng dịch vụ công quốc gia tương tác với Cổng thông tin một cửa

Đây là một nội dung trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương liên quan đến cải cách hành chính, vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 28/2/2017.

Đảm bảo Cổng dịch vụ công quốc gia tương tác với Cổng thông tin một cửa

Tính đến hết năm 2016, đã có 36 thủ tục hành chính được xử lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, với tổng số bộ hồ sơ đã được xử lý là 180.000 bộ.

Phó Thủ tướng nhận định, việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Do đó, cải cách hành chính của Bộ Công Thương có tác động lớn tới sự phát triển của nền kinh tế.

Qua báo cáo của Bộ Công Thương và đánh giá của các Bộ, cơ quan cho thấy trong năm 2016, Bộ Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính. Sáu nội dung cải cách hành chính đã được quan tâm chỉ đạo đồng bộ.

Tiêu biểu như, trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã công bố đầy đủ các thủ tục hành chính, là một trong những bộ đầu tiên hoàn thành công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả, bãi bỏ, đơn giản hóa được 39% thủ tục hành chính; đã triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; công tác hiện đại hóa hành chính đã được tập trung đẩy mạnh, Bộ Công Thương đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Về kiến nghị của Bộ Công Thương với vấn đề giá trị pháp lý của giấy phép điện tử, Phó Thủ tướng chỉ đạo, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với các cơ quan hành chính nhà nước, các bộ, cơ quan phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có thể truy cập, kiểm tra và khai thác thông tin.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn và ứng dụng giấy phép điện tử trong quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện một cách thông suốt.

Đối với việc triển khai một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 (Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 - PV), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành cần tập trung triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm lộ trình thực hiện theo kế hoạch tổng thể, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp công nghệ bảo đảm sự tương tác giữa Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia với Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đảm bảo Cổng dịch vụ công quốc gia tương tác với Cổng thông tin một cửa

Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ là nơi tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương là một trong những nhiệm vụ Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai, tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết năm 2016, cơ quan này đã hoàn thành xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và gửi Bộ TT&TT, đề xuất nguồn kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để triển khai thực hiện. Tại thời điểm cuối tháng 1/2017, hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 từ một số bộ, ngành, địa phương lên hệ thống thử nghiệm.

Cơ chế một cửa quốc gia là một hệ thống tích hợp gồm Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn), hệ thống thông quan của cơ quan hải quan cùng các hệ thống cấp phép của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ khác. Ngày 12/11/2014, Tổng cục Hải quan đã khai trương Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và công bố triển khai chính thức cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế.

Tiếp đó, vào ngày 8/9/2015, đã diễn ra lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Trong năm 2016, tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Tài chính đã phối hợp với 10 bộ, ngành tham gia triển khai cơ chế một cửa quốc gia với 36 thủ tục, 180.000 bộ hồ sơ và khoảng 8.000 doanh nghiệp tham gia.

Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2014 hướng tới mục tiêu tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức 4; tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN, sẵn sang về mặt kỹ thuật để kết nối vào trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam là thành viên./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất