Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đồng chủ trì hội
nghị.
Chính sách góp phần quan trọng cải thiện đời sống của đồng
bào
Vùng dân tộc và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên
của đất nước, là địa bàn sinh sống của 54 dân tộc Việt Nam, trong đó có 53 dân
tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước.
Trong
những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vùng dân tộc và miền
núi, hình thành hệ thống chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ với nguồn lực
đầu tư ngày một nhiều hơn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã
hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho
đồng bào.
Theo Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn 2006-2012, các chính sách
đối với địa bàn vùng dân tộc và miền núi được thể chế hóa qua gần 160 văn bản
quy phạm pháp luật gồm 14 Nghị định của Chính phủ; 40 Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ; 27 văn bản phê duyệt các đề án… Ngoài ra, trên cơ sở tình hình thực
tế, các địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách thực hiện
trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
Tiếp theo Chương trình 135 giai
đoạn 1, chính sách trong giai đoạn 2006-2012 đã tập trung giải quyết những vấn
đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi, tạo đà cho khu vực này
phát triển, như: đầu tư cơ sở hạ tầng các xã thôn bản đặc biệt khó khăn; Chương
trình giảm nghèo nhanh, bền vững của 62 huyện nghèo; chính sách hỗ trợ hỗ trợ
đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo, đời sống khó khăn; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách
đầu tư hỗ trợ định canh định cư.
Về kinh phí thực hiện chính sách, mặc dù
trong điều kiện suy thoái kinh tế, ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, song
trong giai đoạn 2006-2012 ngân sách nhà nước đã bố trí cho các chương trình,
chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ
đồng.
Với đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự chỉ
đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ở địa phương
và với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, kết quả đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt
nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển
theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng được đầu tư
phát triển.
Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ,
99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học cơ sở, 12,9% số
xã có trường trung học phổ thông. Mạng lưới y tế phát triển nhanh, hệ thống bệnh
viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế,
77,8% xã chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn có cán bộ y
tế.
Giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư
đã phủ sóng phát thanh trên 90% và sóng truyền hình đạt gần 80%, số xã có bưu
điện văn hóa xã là 98,7%. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị
thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống
chính trị cơ sở.
Tình hình chính trị-xã hội được ổn định, an ninh-quốc
phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi
mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước.
Thực hiện đồng bộ các chính sách cho đồng
bào
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vùng
đồng bào dân tộc và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất
là tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi cao nhất cả nước (khu vực miền núi
Tây Bắc năm 2012 là: 28,55%, miền núi Đông Bắc 17,39%; Tây Nguyên 15,58%; các
tỉnh Bắc Trung bộ 15,01% trong khi tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,64%). Bên cạnh
đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư, song vẫn còn yếu và
thiếu, thường xuyên chịu sự tàn phá của thiên tai, bão lũ.
Hệ
thống cung cấp và tiếp cận các dich vụ cơ bản như: giáo dục, y tế, thông tin
truyền thông... còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát
triển, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chất lượng nguồn nhân
lực vùng dân tộc và miền núi còn thấp.
Những tồn tại, hạn chế trên, ngoài
nguyên nhân khách quan về xuất phát điểm, còn không ít nguyên nhân chủ quan như:
Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò trọng yếu của vùng dân tộc và
miền núi, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc của một số cán bộ các cấp
chưa sâu sắc; năng lực tham mưu đề xuất chính sách dân tộc của các bộ ngành, địa
phương còn hạn chế; phương pháp xây dựng các chính sách chưa xác định tầm nhìn
chiến lược.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, từ
thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, một số bài học kinh nghiệm
được rút ra là: Cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa Nghị
quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ
và thống nhất. Cần thường xuyên quan tâm nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của
đồng bào, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát huy dân
chủ cơ sở, giải quyết những bức xúc của người dân. Quan tâm tập trung nguồn lực
cho đầu tư vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết
vấn đề bức xúc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa
bàn khó khăn. Cần nâng cao vai trò tham mưu của hệ thống cơ quan làm công tác
dân tộc; coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công
tác dân tộc, cán bộ người dân tộc thiểu số…
Các Bộ, ngành cần phối hợp
chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Để
giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác
quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền
vững.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng cho biết một
số định hướng lớn trong thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới theo các Nghị
quyết, Quyết định của Trung ương như: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh
tế-xã hội cho vùng dân tộc và miền núi, nhất là các công trình trọng điểm để
phục vụ đời sống và sản xuất; g iải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh
hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết tình
trạng di dân tự do; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ cán bộ làm
công tác dân tộc từ Trung ương đến các địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục
và đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, chất lượng nguồn nhân lực là
yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi. Cần đảm
bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải,
lãng phí; điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng
xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn.
Thảo
luận tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đánh giá những mặt đạt được, những
tồn tại còn hạn chế trong việc triển khai chính sách vùng dân tộc và miền núi,
đồng thời đề xuất việc bổ sung, sửa đổi các chính sách về kinh phí hỗ trợ cho
công tác di dân, tái định cư, đào tạo cán bộ và dạy nghề cho đồng bào dân
tộc.
Rà soát các chính sách, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho vùng dân
tộc và miền núi
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhấn mạnh, vùng dân tộc và miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng đối với
đất nước cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng,... Đảng và Nhà nước luôn
quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy vùng dân tộc và miền núi phát triển
nhanh và bền vững.
Những năm vừa qua , mặc dù phải đối mặt với rất nhiều
khó khăn, thách thức , song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của cả hệ thống
chính trị và sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, nước ta đã thực hiện có hiệu
quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đã quan tâm chỉ đạo
thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách đối với vùng dân tộc và miền
núi.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu
rõ, vùng đồng bào dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách
thức, trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách phát triển với
vùng đồng bằng còn chênh lệch; hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư
nhưng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Theo Thủ tướng,
những yếu kém, tồn tại ngoài nguyên nhân khách quan về xuất phát điểm, còn không
ít nguyên nhân chủ quan cần phải hết sức quan tâm khắc phục như: Nhận thức về
công tác dân tộc, vị trí, vai trò trọng yếu của vùng dân tộc và miền núi của một
số cán bộ các cấp chưa sâu sắc; n ăng lực tham mưu đề xuất chính sách dân tộc
của các bộ ngành, địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực thi chính sách ở
nhiều nơi còn kém hiệu quả.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của
Đảng và Nhà nước về phát triển đối với vùng dân tộc và miền núi, coi đây là một
nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm từng bước thu hẹp chênh lệch về trình độ
phát triển giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên
cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, đề xuất các cơ chế, chính
sách đối với vùng dân tộc và miền núi cho phù hợp với điều kiện thực tế,
đồng thời nghiên cứu, đổi mới cơ chế, biện pháp tổ chức thực hiện
để nâng cao hiệu quả của chính sách dân tộc và miền núi.
Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung mạnh vào xóa đói
giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi theo hướng nhanh hơn và bền vững hơn. Thực
hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cả về trước mắt và
lâu dài; hết sức tránh trình trạng tái nghèo; kịp thời hỗ trợ đồng bào, không để
hộ đồng bào nào bị thiếu đói trong vùng bị thiên tai, lũ lụt hay trong mùa giáp
hạt. Cần h ỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế hộ
gia đình, tăng gia trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao mức sống. Cùng với đó,
tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, làm giàu từ
rừng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương
tiếp tục quan tâm giải quyết tình trạng đồng bào di cư tự do; cảnh giác cao độ
trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động, gây mất đoàn
kết, chia rẽ dân tộc, đồng thời quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh,
nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các
bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các chính sách,
chương trình, dự án đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng tới thực hiện
chính sách hỗ trợ đồng bào về nhà ở, vốn phát triển sản xuất; huy động các nguồn
lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng núi, vùng sâu, vùng
xa; quan tâm chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề cho đồng bào vùng
dân tộc và miền núi.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xem xét
và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Dân tộc liên quan
đến chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào
dân tộc; chính sách hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du
canh du cư; Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; Đề án hỗ
trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người./.
Theo TTXVN