Theo GS.TS. Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định, thiên tai trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp với những yếu tố cực đoan, khó lường gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Thiên tai đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Trong điều kiện BĐKH làm gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần suất và cường độ, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng tránh thiên tai của cả hệ thống chính trị, xã hội. Để tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, bảo đảm phát triển KT-XH theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam, một số vấn sau rất cần được quan tâm giải quyết một cách căn cơ. Vấn đề BĐKH không chỉ gây nên hệ lụy về thiên tai mà nó cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến vấn đề an ninh nguồn nước (ANNN). Thực tế, nguồn nước đang suy thoái trầm trọng và khan hiếm nước diễn ra tại nhiều nơi. Do đó, cần có sự lồng ghép, tích hợp các vấn đề thích ứng với BĐKH-PCTT ANNN. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thì vấn đề cảnh báo và ứng phó với các hiện tượng cực đoan xảy ra rất nhanh, rất nguy hiểm trên phạm vi hẹp. Việt Nam trong những năm gây đây, có những minh chứng rõ rệt của BĐKH toàn cầu ảnh hưởng đến sự thay đổi khí hậu địa phương, với sự gia tăng về tần suất của nhiều hiện tượng cực đoan xảy ra rất nhanh, trên một phạm vi hẹp (dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét).
Cần xem xét và thể chế hóa, có chính sách phù hợp đối với vấn đề chia sẻ rủi ro thiên tai với người dân, doanh nghiệp và với Chính phủ. Trong bối cảnh thiên tai xảy ra ngày càng cực đoan và gây thiệt hại lớn cho kinh tế, xã hội, các nước trên thế giới có xu hướng chuyển dịch từ cơ chế tài chính thụ động sang chủ động trong việc giải quyết các hậu quả của thiên tai, thảm họa. Do đó xét về dài hạn, cần phát triển thị trường bảo hiểm thiên tai trong nước để chia sẻ rủi ro với người dân, doanh nghiệp và với Chính phủ.
|
Để tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, bảo đảm phát triển KT-XH theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam, vấn đề thích ứng với BĐKH trong phòng tránh thiên tai giai đoạn sắp tới có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình tổng thể PCTT Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg trong đó các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và năng lực quản lý điều hành trong PCTT: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; hoàn thiện tổ chức.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, kỹ năng PCTT: Rà soát, xây dựng và chuẩn hoá hệ thống tài liệu để nâng cao nhận thức, kỹ năng về PCTT. Xây dựng tài liệu, bổ sung nội dung PCTT vào chương trình giảng dạy các cấp học và một số trường đại học chuyên ngành. Đào tạo nguồn nhân lực, bố trí trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng tham gia hoạt động thông tin, truyền thông về PCTT.
Tổ chức thường xuyên, liên tục công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về PCTT cho từng nhóm đối tượng, phổ biến kỹ năng ứng phó, bảo đảm an toàn trước thiên tai cho người dân, đặc biệt là tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lũ, sạt lở đất, lũ quét. Đầu tư hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ số trong công tác thông tin, truyền thông tại các cấp, nhất là tuyến cơ sở.
Thứ ba, nâng cao nâng lực dự báo, cảnh báo thiên tai: Tăng cường mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn quốc gia. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai phổ biến khác; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ cao. Nâng cấp, bổ sung trạm quan trắc địa chấn phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần. Xây dựng công cụ, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện; hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt đô thị theo thời gian thực. Xây dựng công cụ tính toán, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo an toàn hồ đập, cảnh báo lũ lớn, xả lũ khẩn cấp; rà soát hoàn thiện các quy trình vận hành hồ chứa thượng nguồn.
Thứ tư, tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn nhằm nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước thiên tai. Xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển theo quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều. Đầu tư sửa chữa dứt điểm đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp...
Nâng cấp các công trình cảng cá, kết hợp làm nơi neo đậu tránh, trú bão và thông tin, hậu cần nghề cá; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại các đảo và các khu vực trọng điểm. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến an toàn dân cư....
Đầu tư nâng cao khả năng chống ngập lụt cho các đô thị, nhất là ngập lụt khi mưa lớn, triều cường; xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ cảnh báo sớm ngập lụt để người dân chủ động ứng phó, giảm rủi ro do thiên tai. Xây dựng hệ thống thông tin khẩn cấp phục vụ chỉ đạo điều hành khi có tình huống thiên tai lớn, nâng cấp hạ tầng viễn thông chống chịu được với các tình huống thiên tai; sẵn sàng nguồn lực, chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng tại những vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai.
Thứ năm, nâng cao khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai: Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thống kê, đánh giá thiệt hại và xác định nhu cầu khắc phục hậu quả sau thiên tai; rà soát, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, đánh giá nhanh và đầy đủ thiệt hại do thiên tai; chuyển đôi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, phát triển các kênh thanh toán trực tuyến để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai. Nâng cao năng lực cứu trợ khẩn cấp, khôi phục sản xuất, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và bền vững trên quan điểm ‘‘xây dựng lại tốt hơn”; đa dạng hóa nguồn lực cho khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế; ưu tiên huy động nguồn lực từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Ưu tiên nguồn lực từ trung ương và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, chú trọng bảo đảm chỗ ở và sinh kế cho người dân sau thiên tai. Rà soát, bổ sung phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu trong nguồn dự trữ quốc gia cho công tác PCTT.
Thứ sáu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực phòng chống lũ, ngập lụt đô thị, khu dân cư tập trung, bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ lưu hồ chứa; nâng cao năng lực dự báo hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống xói, lở, bồi lấp cửa sông; nghiên cứu phát triển công nghệ cảnh báo, giải pháp phòng, tránh, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, vật liệu mới trong PCTT. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong PCTT, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu các cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong PCTT, tiến tới đồng bộ, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, quy trình, công cụ tính toán dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai; nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin, phương thức truyền tin; ứng dụng khoa học, công nghệ tự động hóa trong kết nối, cập nhật, phân tích dữ liệu về thiên tai để phục vụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả. Thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia trong PCTT; xây dựng và tổ chức hoạt động hợp tác với đối tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế, đào tạo và hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả sau thiên tai. Tham gia các thỏa thuận, điều ước quốc tế về quản lý tổng hợp rủi ro thiên tai, hợp tác đa phương trong PCTT như khung SENDAI, Mê Công, ASEAN,... Huy động, tiếp nhận, điều phối có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi, trao đổi chuyên gia,...).
Trên cơ sở 6 nhiệm vụ trọng tâm, tùy thuộc vào đặc điểm thiên tai điển hình từng vùng, để đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho 7 vùng vùng đặc trưng: Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Vùng Duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận); Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đô thị lớn; trên biển và hải đảo.
Có thể nói, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, đã, đang và sẽ diễn biến phức tạp khó lường theo xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Tác động của BĐKH rất nặng nề và bao trùm đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Thích ứng với BĐKH và PCTT là vấn đề rất lớn đặt ra cho các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Đất nước. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, các nội dung đề xuất phải được giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ, cần có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị, các thành phần trong xã hội và các đối tác quốc tế. Với cách tiếp cận đó, cần có sự tham gia chủ trì thực hiện của các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương theo chức năng nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công. Đồng thời, cần có sự tham gia mạnh mẽ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các địa phương chủ động xây dụng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự hỗ trợ một cách toàn diện của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, cá nhân để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả./.
Tường Vy