Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 dự báo sẽ đến sớm và gay gắt nên tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung ứng phó ngay từ cuối mùa mưa. Trong đó, ngoài các giải pháp công trình, phi công trình, chính quyền địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô sắp tới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho biết: “Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020. Nguyên nhân do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023. Hiện tại, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn dự báo sẽ gay gắt trong thời gian tới”.
Hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 tại tỉnh Bến Tre ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp khoảng 1.800 tỷ đồng. Đến hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 tiếp tục gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 1.660 tỷ đồng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng Khởi” trữ nước mưa, nước ngọt nhằm vận động mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 99% hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt; người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện như: ống hồ, lu, túi chứa nước, trải bạt trữ nước trong ao mương, đắp đập cục bộ… góp phần giảm đáng kể tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô.
Từ năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng Khởi” trữ nước mưa, nước ngọt nhằm vận động mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 99% hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt.
Ngay trong mùa mưa, nông dân Phạm Văn Nhựt, ngụ xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã trữ 8 lu chứa (mỗi lu khoảng 1m3) nước mưa bằng xi-măng của gia đình. Đồng thời, gia đình ông còn mua thêm 2 túi bằng nilon để chứa 14m3 nước để chuẩn bị ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Nhựt cho biết: “Gần chục năm nay, cứ vài năm là xuất hiện một năm hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng làm lúa chết, người dân cũng thiếu nước dùng trong sinh hoạt và chăn nuôi. Gia đình tôi nuôi 16 con bò nên đã trữ nước ngọt ngay trong mùa mưa để ứng phó. Ngoài ra, tại các mương vườn cũng được nạo vét, chuẩn bị sẵn sàng khi xuất hiện mặn ngoài sông là đắp các miệng cống để trữ nước ngọt. Gia đình tôi vừa thu hoạch lúa hè thu đã nhanh chóng làm đất, xuống giống vụ thu đông sớm để xem tình hình xâm nhập mặn như thế nào mới quyết định có xuống giống vụ đông xuân hay không nhằm tránh thiệt hại do hạn mặn gây ra như những năm trước”.
Trước đây vùng này nước ngọt quanh năm nên rất thuận tiện trong sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây nước mặn đã xâm nhập tới các nhánh sông, vô mương vườn gây thiệt hại lớn cho người dân vì hoa kiểng, cây giống rất mẫn cảm với nước mặn. Mấy năm nay, cứ đến cuối mùa mưa là nhà nào cũng lo trữ nước trong bồn chứa, ao, mương vườn… để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Mấy năm nay, tại vùng trọng điểm sản xuất cây giống, hoa kiểng huyện Chợ Lách người dân cũng chủ động trữ nước phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Liệt, ngụ xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết: “Trước đây vùng này nước ngọt quanh năm nên rất thuận tiện trong sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây nước mặn đã xâm nhập tới các nhánh sông, vô mương vườn gây thiệt hại lớn cho người dân vì hoa kiểng, cây giống rất mẫn cảm với nước mặn. Mấy năm nay, cứ đến cuối mùa mưa là nhà nào cũng lo trữ nước trong bồn chứa, ao, mương vườn… để phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.
Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 dự báo sẽ đến sớm và gay gắt nên tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung ứng phó ngay từ cuối mùa mưa. Trong đó, ngoài các giải pháp công trình, phi công trình, chính quyền địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô sắp tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết: “Ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn, kịp thời triển khai các giải pháp công trình ngăn mặn tạm thời. Trong đó, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt, đáp ứng kịp thời việc truyền tải các thông tin, diễn biến, tình hình thiên tai cũng như công tác chỉ đạo, điều hành đến các ngành, địa phương khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hằng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh...”.
Hiện tại, hệ thống thủy lợi được đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây giúp tỉnh Bến Tre chủ động trong việc ngăn mặn, trữ ngọt. Trong đó, dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai.
Tại khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại: công trình cống đập Ba Lai kết hợp các công trình cống thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực.
Ngoài ra, dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao và phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm...
Bến Tre chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Thực hiện việc đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung như: tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 phù hợp dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời, ngành nông nghiệp rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống, ứng phó của các ngành, các cấp địa phương…
Tường Vy