Chủ Nhật, 15/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/11/2013 13:30'(GMT+7)

Dân số Việt Nam chính thức đạt ngưỡng 90 triệu người

Đây có thể coi là thành tựu vượt bậc đánh dấu giai đoạn dân số vàng nhưng cũng sẽ là một thách thức cho những người làm công tác dân số. 

Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình về vấn đề này.

- Ngày 1/11 là ngày đánh dấu mốc dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người, ông có thể cho biết sự kiện này mang ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình?

TS. Dương Quốc Trọng: Năm 1989 sau cuộc tổng điều tra dân số các nhà khoa học đã dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt con số 105 triệu vào năm 2010 và cũng theo dự báo đó, lẽ ra Việt Nam chúng ta tròn 90 triệu người ngay từ năm 2002. Tuy nhiên, đến ngày 1/11/2013 chúng ta mới tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm, vì vậy có thể coi đây là một thành tựu.

Với 90 triệu người như hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những cường quốc trên thế giới về quy mô dân số, đứng hàng thứ 14 về quy mô dân số, đứng thứ 8 tại châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á.

- Ông có thể nói rõ hơn về cơ sở khoa học để xác định dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người?

TS. Dương Quốc Trọng: Con số 90 triệu người được chúng tôi suy ra từ nhiều số liệu khác nhau, tuy nhiên nếu mọi người cứ đòi hỏi chính xác 90 triệu hay 901 triệu người thì không thể có được con số tuyệt đối.

Chúng tôi đã làm việc với Tổng cục thống kê xác định rằng con số 90 triệu người sẽ vào những giờ đầu của sáng ngày 1/11. Đây là những thống kê tin cậy được.

Có người đặt vấn đề với các nhà khoa học cho rằng họ dự báo quá nhưng chúng tôi cho rằng các nhà khoa học dự báo hoàn toàn chính xác và có cơ sở. Tôi dẫn ra một ví dụ để so sánh với Philippines.

Năm 1989, dân số Philippines ít hơn Việt Nam 6 triệu người nhưng đến nay, dân số Philippines nhiều hơn chúng ta 15 triệu người. Nếu như Việt Nam không nỗ lực làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình như thời gian vừa qua thì dân số nước ta hiện nay sẽ là 110,8 triệu người.

Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được khoảng 21 triệu trường hợp. Thử hình dung, nếu dân số của Việt Nam hiện nay là 110 triệu thì chắc rằng sẽ quá tải mọi lĩnh vực, kinh tế xã hội không được như hiện tại.

- Con số 90 triệu người đối với Việt Nam vừa tạo ra cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

TS. Dương Quốc Trọng: Với cơ cấu dân số 90 triệu người - đây là con số to lớn, đứng hàng 14 thế giới, có lẽ tất cả nhà đầu tư, sản xuất hàng hóa đều mong muốn có một thị trường khổng lồ như vậy. Bởi vậy, những tiềm lực của Việt Nam là rất to lớn.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều nhuận lợi về quy mô dân số, bởi chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực khổng lồ. Còn về cơ cấu dân số cũng thuận lợi là cơ cấu dân số vàng, mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi đã tăng nhưng chưa cao nên vẫn có cơ hội làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Theo các nhà khoa học và các chuyên gia thì cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài 30-35 năm. Tất nhiên mỗi quốc gia dân tộc thì thời gian này nó dài ngắn khác nhau cũng có khi kéo dài 30 năm nhưng cũng có thể 50 năm.

Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh mới tăng nhưng đã có những phản ứng tích cực, những năm gần đây tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã chậm lại, các chỉ số về sức khỏe đã có sự cải thiện đáng kể...

Trong thời gian tới tôi cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam cất cánh bay lên nếu như chúng ta tận dụng được nguồn nhân lực khổng lồ này.

- Vậy còn những thách thức đặt ra khi dân số Việt Nam đạt 90 triệu người như thế nào thưa ông?

TS. Dương Quốc Trọng:  Đúng là bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những thách thức không nhỏ, Việt Nam với quy mô như thế là một tiềm lực kinh tế rất mạnh nhưng nhưng đồng thời để đáp ứng nhu cầu cho 90 triệu người cũng là một thách thức lớn. 

Chúng ta cũng đối mặt về thách thức dân số, chất lượng dân số. Tôi lấy ví dụ như năm 2009 sau tổng điều tra dân số, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2017 Việt Nam mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhưng ngay từ 2011 chúng ta đã bước vào giai đoạn này. 

Như vậy, có nghĩa là chỉ hai năm thì mọi dự báo sẽ lạc hậu và thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già sẽ rất nhanh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. 

Vì vậy, việc điều chỉnh mức sinh thay thế là vấn đề rất quan trọng. Chính việc này sẽ kéo dài được giai đoạn cơ cấu dân số vàng và chúng ta sẽ làm chậm giai đoạn già hóa dân số.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng đây mới là vàng về số lượng, trong khi trình độ cạnh tranh còn hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải làm sao nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực để phát huy những thế mạnh của dân số.

- Vậy ông có thể đưa ra một số giải pháp sắp tới để Việt Nam nâng cao chất lượng dân số?

TS.Dương Quốc Trọng: Để nâng cao chất lượng dân số có thể nói liên quan đến tất cả các cấp, các ngành khác nhau, mới đây chúng tôi đã chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh dân số.

Riêng đối với ngành dân số, chúng tôi sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng đầu vào của quá trình dân số. Quá trình này có “đầu vào” (sinh) và “đầu ra” (tử).

Để nâng cao chất lượng đầu vào dân số với những em bé sinh ra khỏe mạnh nhất, hạn chế tối đa trường hợp mắc bệnh, ngành dân số đang triển khai 3 mô hình: Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sàng lọc chẩn đoán sơ sinh...

Xin cảm ơn ông!

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất