Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 16/5/2014 21:3'(GMT+7)

“Dân tộc Việt Nam là dân tộc hòa hiếu và hữu nghị”

GS.TS Trần Văn Bính (ảnh: TH)

GS.TS Trần Văn Bính (ảnh: TH)

PV: Thưa GS.TS Trần Văn Bính, trước phản ứng của dân tộc Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và tiến hành khoan thăm dò tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

GS.TS Trần Văn Bính: Có thể nói việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và tiến hành khoan thăm dò tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động trắng trợn liều lĩnh, và như nhiều người nói là nguy hiểm. Việc xâm phạm đó đã tạo nên sự phản ứng rất quyết liệt của người Việt Nam, kể cả người Việt Nam trong nước lẫn người Việt Nam ở nước ngoài.

Điều đó nói lên rằng chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam vẫn được hun đúc và đặc biệt được phát triển ở thời đại của chúng ta, thời đại Hồ Chí Minh. Vì Bác Hồ cũng đã từng nói không có gì quý hơn độc lập tự do. Cho nên, tinh thần đó đã được sống lại trong mỗi người dân Việt Nam hiện nay. Tôi muốn nói, đặc biệt là với thế hệ trẻ, đây là điều rất đáng mừng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ hiện nay xung phong, tình nguyện để đi ra vùng biển, bảo vệ vùng biển, kể cả các bạn trẻ là sinh viên các trường đại học. Đó là hiện tượng rất đáng mừng. Các cựu chiến binh cũng xung phong trở lại quân ngũ. Điều đó nói lên sức sống bất diệt của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam.

Tuy vậy, cũng phải nhận thấy rằng, trong sự phản ứng mạnh mẽ đó, cũng đã xuất hiện dấu hiệu khiến chúng ta lo ngại. Đó là hành động manh động, tự phát, thiếu suy nghĩ, có khả năng bị những phần tử xấu bên ngoài kích động, phá hoại, làm cho tình hình trở nên rắc rối. Điều đó vô hình chung đi ngược lại với tinh thần hữu nghị, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Hơn bất cứ dân tộc nào khác, dân tộc việt Nam đã thấm thía lịch sử, các cuộc chiến tranh, kể cả hơn 1000 năm phong kiến Trung Hoa xâm phạm nước ta. Chính vì vậy, hơn bất cứ dân tộc nào hết, người Việt Nam thấm thía hai chữ “hòa bình và hữu nghị” mà mỗi người chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ phải ghi nhớ. Chúng ta cổ vũ cho lòng yêu nước, nhưng chúng ta cũng phải triệt để phê phán, cảnh giác những hành động lợi dụng chủ nghĩa yêu nước đó, có những hành động đi ngược lại truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm mỗi người Việt Nam chúng ta phải có bầu nhiệt huyết, trái tim luôn nóng. Cái nóng, cái nhiệt của ta cần có một cái đầu tỉnh táo. Để làm gì, để biết hạn chế những hành động cực đoan, thậm chí nguy hiểm.

PV: Vậy thưa ông, làm thế nào để dân tộc Việt Nam vừa có thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, vừa có thể thể hiện dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu và hữu nghị?

GS. TS Trần Văn Bính: Theo tôi, cùng với sự nhiệt tình tổ chức biểu hiện sự phản đối của mình đối với những hành vi cường bạo, phi đạo đó, thì chúng ta cũng phải biết duy trì và phát triển tình hòa hiếu lâu đời giữa các dân tộc, đặc biệt giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác. Điều này rất quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta làm tốt được điều này, không những chúng ta tranh thủ được tình hình thế giới, trước hết là đối với tình cảm của người Trung Hoa lâu đời. Hơn 1 tỷ dân số đó, nếu được tỉnh ngộ, nếu hiểu rõ người bạn của mình là dân tộc Việt Nam đang bị những người cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm một cách phi đạo như vậy, thì họ lên tiếng. Đó là tiếng nói cực kỳ quan trọng.

Cần phải làm sao trong tình hình hiện nay, chúng ta không vì vấn đề chống lại hành vi ngạo ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Biển Đông, xâm phạm lãnh thổ của chúng ta mà chúng ta thu hẹp lại quan hệ giao lưu giữa chúng ta với nhân dân Trung Quốc. Trái ngược lại, phải mở rộng hơn nữa mối quan hệ đó, thông qua những tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng và người dân cụ thể, làm thế nào để nhân dân các vùng biên giới của Trung Quốc và Việt Nam có dịp hiểu biết, giao lưu thông cảm với nhau hơn. Đó là thực hiện ngoại giao nhân dân trong tình hình mới hiện nay càng cần phải được đẩy mạnh.

Làm thế nào để những người kinh doanh Trung Quốc đang thực hiện ở Việt Nam cảm thấy yên tâm, họ được chính quyền và người dân Việt Nam quan tâm, chú ý tới; không vì những hành động sai lầm của chính quyền Trung Quốc ở Việt Nam mà nhân dân Việt Nam lại kỳ thị với họ. Nếu chúng ta làm được điều đó, sẽ tạo nên từ sức mạnh tinh thần trở thành vật chất, tham gia bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

PV: Trong thời đại ngày nay, theo ông làm thế nào để có thể phát huy sức mạnh văn hóa trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước?

GS.TS Trần Văn Bính: Phải nói rằng, dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Chủ nghĩa yêu nước đã ăn sâu vào mỗi người Việt Nam chúng ta. Cho nên ý thức của người Việt Nam hôm nay bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là một ý thức thiêng liêng và luôn luôn cần được nhen nhóm trong thế hệ trẻ. Điều này ông cha ta đã từng làm và Đảng, Nhà nước và Bác Hồ cũng thường xuyên quan tâm, chú trọng tới vấn đề này. Phát huy tinh thần đó trong thời kỳ hiện nay cực kỳ quan trọng.

Và để phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước trong tình hình, phức tạp, rối ren do kẻ thù gây nên, đòi hỏi chúng ta phải luôn bình tĩnh, phải luôn luôn suy ngẫm về giá trị truyền thống của bản thân. Để thông qua đó, không những giáo dục mỗi người Việt Nam chúng ta tinh thần tự hào truyền thống của dân tộc mình, để còn làm rạng rỡ hơn truyền thống đó với thế giới, kể cả với nhân dân Trung Quốc. Bởi vì khi thế giới, những người lao động, kể cả nhân dân Trung Quốc, hiểu rõ về tinh thần hòa hiếu của dân tộc, họ sẽ nhận rõ hơn bản chất hung hăng, phi đạo của những kẻ cầm quyền ở Trung Quốc hiện nay, đang gây rối ở Biển Đông. Và sự phản ứng của nhân dân thế giới gần đây đã cho chúng ta thấy điều đó. Họ không thể chấp nhận hành động phi lý, vô đạo đó. Việc phát huy chủ nghĩa yêu nước trong tình hình hiện nay cũng chính là chỗ đó. Phải làm sáng lên những giá trị đẹp đẽ, vốn có trong con người Việt Nam. Điều này Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) vừa qua đã khẳng định về truyền thống nhân văn của văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải luôn gắn văn hóa với con người. Đừng bao giờ nghĩ hoạt động văn hóa là hoạt động tự nhiên, nằm bên ngoài con người. Mỗi hoạt động của văn hóa, cái đích của nó là con người. Văn hóa và con người, nó gắn với nhau như hai trang của một tờ giấy vậy. Tờ giấy nào cũng có hai mặt, hai trang. Nếu chúng ta tách rời hai mặt, hai trang đó ra, vô hình chung chúng ta sẽ xé rách cả tờ giấy đi. Văn hóa đối với con người cũng vậy. Tách văn hóa ra khỏi con người, là hủy hoại con người. Tách con người ra khỏi văn hóa là hủy hoại văn hóa. Vì con người là chủ thể sáng tạo nên các giá trị văn hóa. Đến lượt nó, văn hóa lại tác động, hình thành nên những con người. Không thể hình thành con người trọn vẹn nếu tách rời môi trường văn hóa. Cho nên người ta đã nói: “Một con hổ sinh ra đã là con hổ vì nó biết ăn thịt sống. Nhưng một con người sinh ra chưa hẳn đã là con người nếu con người đó không mang sẵn trong mình một nhân tính, lương tâm, tinh thần cộng đồng và tình hữu ái”.

Các đích của chúng ta phải làm sao gắn việc xây dựng phát triển văn hóa với việc hình thành con người mới Việt Nam ở thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập quốc tế, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là những vấn đề rất mới, lịch sử chưa hề có.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Thu Hằng (Thực hiện)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất