Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 11/10/2015 14:14'(GMT+7)

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ

Đi trên con đường bê tông mới, rộng vẫn còn mùi ngai ngái của xi măng, cát sỏi, có thể cảm nhận nông thôn mới đã về với xã nghèo Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2008 trở về trước, hầu hết những con đường trong xã là đường đất, nhỏ hẹp, bụi bẩn khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là tập trung giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường bê tông liên xã, nhưng khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân ven đường đều phải tháo dỡ tường rào, công trình xây dựng. Sau khi được chính quyền xã tuyên truyền vận động, hàng chục hộ dân ở xã Thanh Đình đã tự nguyện hiến đất mở đường. Gia đình ông Hoàng Văn Quang, khu 2 xã Thanh Đình đã đập bỏ căn nhà 2 tầng khang trang, xây nhà lùi vào sâu bên trong 20m để mở rộng đường. “Mặc dù số tiền đền bù ngôi nhà không được là bao so với kinh phí xây nhà mới nhưng gia đình vẫn vui vẻ, chấp hành chủ chương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo con đường thông thoáng, giúp người dân đi lại thuận tiện”. Thông qua mô hình "Chính quyền cơ sở tham gia làm công tác dân vận khéo", chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Đình đã đạt nhiều kết quả phấn khởi, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Đến nay, Thanh Đình đã bê tông hóa được 70% trong tổng số 61km đường giao thông nông thôn của xã. Điều đáng ghi nhận là người dân đều sẵn sàng hiến đất, kể cả những hộ nghèo. 


Ông Bùi Phú Chuyển, ở khu 6, thuộc diện hộ nghèo của xã Thanh Đình đã tự nguyện hiến hơn 100 mét vuông đất vườn chia sẻ: Lợi ích thì ai cũng cần nhưng làm đường là để phục vụ bà con, phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, mình đâu thể chỉ vì lợi ích cá nhân. Tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, 130 hộ dân đã bị nứt tường nhà do ảnh hưởng rung chấn trong quá trình thi công cầu Hạc Trì. Hơn 70 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp với diện tích 1,5 ha để giao mặt bằng cho đơn vị thi công cầu. Do công tác đền bù không thỏa đáng, 100% hộ dân nơi đây đã phản đối, yêu cầu bồi thường mới được thi công. Sau khi được chính quyền từ thành phố, xã truyên truyền vận động, người dân đã được đền bù, đảm bảo cho đơn vị thi công tiếp tục xây dựng cầu theo đúng tiến độ. Mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở xã Vân Du, huyện Đoan Hùng đã giúp địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn. Nhân dân đã tự nguyện hiến gần 30.000m2 đất cùng cây cối, hoa màu… để làm gần 7 km đường nông thôn trị giá hơn 5 tỷ đồng. 


Ông Nguyễn Quốc Liên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Những năm qua, Ban dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch phù hợp. Nhiều mô hình dân vận khéo góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, được nhân rộng thành các phong trào như vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây, con, giống mới vào đồng ruộng. Ngoài ra, hệ thống dân vận các cấp còn vận động người dân tham gia hiến đất làm đường nông thôn, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. 


Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tuyên truyền, vận động và dân vận khéo với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Việc đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao, nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ, đến tháng 6/2015, tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 xã so với năm 2014); 45 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí; 103 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí; 84 xã đạt 5 đến 9 tiêu chí; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất