Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 3/9/2016 14:57'(GMT+7)

Từ Cách mạng Tháng Tám đến công cuộc đổi mới

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo giành thắng lợi là sự đoạn tuyệt triệt để đối với chế độ thuộc địa do thực dân Pháp và phát xít Nhật áp đặt trên đất nước Việt Nam. Cuộc cách mạng đó cũng kết thúc chế độ phong kiến, quân chủ, chuyên chế, thiết lập chính thể cộng hòa dân chủ - một hình thức Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam.

Thứ nhất, nhà nước cách mạng kiểu mới là Nhà nước tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của dân tộc Việt Nam, đó là mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho quốc gia dân tộc và các tầng lớp nhân dân. Lợi ích và khát vọng ấy đã được kết tinh ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) và lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu cao, nhất là từ khi Người trở về Tổ quốc (28-1-1941) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, cùng với Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941), giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ, sự ra đời và phát triển của Mặt trận Việt Minh đã tập hợp và đoàn kết lực lượng của toàn dân với tinh thần quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(1). Với tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ thời cơ thuận lợi khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đồng thời chủ động đẩy lùi nguy cơ khi quân Đồng Minh vào tước vũ khí quân Nhật, thực hiện ý đồ riêng của họ và quân Pháp lợi dụng sự thất bại của Nhật mà quay lại tái chiếm Đông Dương, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi vẻ vang. Mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc là sự thống nhất giữa quyền dân tộc và quyền con người mà Đảng đề ra và Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Thứ hai, Nhà nước cách mạng kiểu mới do chính nhân dân xây dựng, kiến tạo, đại biểu cho dân và thật sự vì dân. Quá trình xây dựng và kiến tạo đó đã diễn ra từ sự hình thành Khu giải phóng Việt Bắc - hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới - thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh trong cao trào 1939-1945, nhất là thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đại hội quốc dân Tân Trào (16-8-1945) là hình thức tiền Quốc hội, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Đại hội đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời. Ngày 28-8-1945, tại Hà Nội, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố gồm 15 thành viên, trong đó gồm hai phần ba là những nhân sĩ, trí thức yêu nước. Đó là Chính phủ tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khởi đầu một thời đại mới của lịch sử dân tộc.

Bản chất cách mạng của Nhà nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).

Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những cán bộ mắc vào những lầm lỗi như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo, lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946), Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu “bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Người nêu rõ bổn phận của những đại biểu do nhân dân bầu: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; Vì lợi chung, quên lợi riêng”(3).

Phát biểu trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên ngày 5-1-1946, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”(4).

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả các kỳ bầu cử Quốc hội, xây dựng Chính phủ và rèn luyện đội ngũ cán bộ chính quyền Nhà nước từ đó cho đến ngày nay.

Thứ ba, nhận thức ngày càng rõ hơn sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946) và Hiến pháp dân chủ đầu tiên (11-1946) đã đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tổ chức thành công sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), Nhà nước dân chủ nhân dân chuyển sang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. Với chiến thắng 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nhà nước chuyên chính vô sản được thiết lập trên cả nước, tổ chức công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội và nền kinh tế bằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp. Cơ chế đó có mặt tích cực, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng trong điều kiện mới đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả, mang nặng tính tập trung, quan liêu, chủ quan, duy ý chí, trái với quy luật khách quan. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã từng bước tìm đường đổi mới đất nước trong đó có đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành, quản lý của Nhà nước.

  Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới và đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh, Nhà nước phải quản lý đất nước, xã hội chủ yếu bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý hay mệnh lệnh hành chính. Cùng với việc từng bước hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng ngày càng rõ hơn. Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị được đặt ra bức thiết và có nguyên tắc bảo đảm sự ổn định và phát triển. Tháng 3-1989, Đảng chính thức sử dụng khái niệm hệ thống chính trị, không ngừng xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước XHCN, kiên định con đường XHCN, khi CNXH ở các nước Đông Âu và Liên Xô lâm vào khủng hoảng và đổ vỡ.

Quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được xác định từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) và sau đó được trình bày đầy đủ tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1-1995). Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã nêu bật mô hình 8 đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam, trong đó có nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Ba vấn đề cơ bản về xây dựng Nhà nước trên đây được đặt ra từ Cách mạng Tháng Tám đến công cuộc đổi mới hiện nay, tiếp tục được nhận thức, cụ thể hóa và thể chế hóa theo hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ chính thể cộng hòa dân chủ đến chính thể cộng hòa XHCN, từ Nhà nước dân chủ nhân dân đến Nhà nước pháp quyền XHCN, từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013, từ bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946) đến Quốc hội khóa XIV (22-5-2016), bản chất cách mạng, bản chất dân tộc và nhân dân của Nhà nước Việt Nam không ngừng được tăng cường và phát huy sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn của công cuộc đổi mới đã cho thấy quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền là hoàn toàn đúng đắn và được nhận thức ngày càng sáng tỏ hơn. Có thể thấy rõ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước mà tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, của dân, do dân và vì dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; vai trò của pháp luật được đề cao và hệ thống luật pháp chi phối mọi quan hệ và đời sống xã hội; Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tôn trọng và thực thi  đầy đủ luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Những đặc trưng cơ bản trên đây không ngừng được cụ thể hóa trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật, chính sách và hoạt động thực tiễn của bộ máy Nhà nước. Quốc hội ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Chính phủ được xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội, không ngừng cải cách theo hướng dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp. Toàn bộ bộ máy chính quyền Nhà nước từ Trung ương tới địa phương do Đảng lãnh đạo và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

Đại hội XII của Đảng (1-2016) đã tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Thành công nổi bật là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền, kết hợp đúng đắn đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Tuy vậy, Đại hội XII cũng thẳng thắn cho rằng: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”(5).

Về xây dựng Nhà nước, Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền XHCN được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản”(6). Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013. “Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề bức thiết, quan trọng của đất nước. Việc thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có chất lượng và thực chất hơn”(7). Chính phủ và các bộ tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn.

Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà nước vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế. Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém. Cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm. “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”(8).

Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện pháp luật và pháp chế XHCN chưa nghiêm”(9).

Đất nước đang tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ. Vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội XII đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước. “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(10). Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam cho thấy, Quốc hội mạnh sẽ thành lập được Chính phủ mạnh và cơ quan tư pháp vững vàng. Cùng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ và cơ chế vận hành thích hợp, phái rất chú trọng đến chất lượng đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp. Cán bộ luôn luôn là cái gốc của mọi công việc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 ngày 22-5-2016 đã thành công tốt đẹp. Đó là bước tiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Hội đồng nhân dân các cấp đã họp và kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương. Ngày 20-7-2016, Quốc hội khóa XIV họp kỳ đầu tiên để kiện toàn bộ máy Nhà nước Trung ương, bầu và phê chuẩn các chức danh của bộ máy Nhà nước.

Cần nhấn mạnh rằng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đại biểu Quốc hội. Khi bầu cử Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã được xác định rõ ràng để bảo đảm cả chất lượng và cơ cấu. Quá trình vận động tranh cử để đi đến sự lựa chọn của cử tri trong ngày bầu cử đã bảo đảm cơ bản chất lượng đại biểu Quốc hội. Trong chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị đã nêu rõ, không để lọt vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân.

Trong hoạt động suốt nhiệm kỳ cũng là quá trình khẳng định chất lượng đại biểu. Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV phát huy chuẩn mực đạo đức, trí tuệ, năng lực, sự trung thực và tinh thần trách nhiệm, thật sự vì nước, vì dân để đóng góp thiết thực, có hiệu quả vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Đáp ứng yêu cầu đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải nâng cao tầm tư duy chiến lược, là đại biểu của quốc gia chứ không chỉ là đại biểu của địa phương hay ngành, lĩnh vực hoạt động hay doanh nghiệp. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, đại biểu Quốc hội phải có tri thức, học vấn cao, kiến thức cơ bản về pháp luật; phải hiểu sâu sắc thực tiễn của đất nước, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và phản ánh nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề bức thiết của địa phương, ngành và của cả nước. Vai trò và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong Hiến pháp 2013. Những quy định đó cần được cụ thể hóa để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, cũng là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, gắn kết nghị trường với cuộc sống./.


PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
________

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 3, tr. 596.

(2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64-65, 166, 168.

 (5) (6) (7) (8) (9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 68, 171, 172, 174, 174, 175.

 

 


 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất